+
Aa
-
like
comment

Ông Trần Vĩnh Tuyến nói lời sau cùng: “Tạo nghiệp sẽ bị quả báo nên tôi không đổ lỗi”

16/12/2021 14:03

Nói lời sau cùng tại phiên tòa, cựu Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến khẳng định: “Tạo nghiệp sẽ bị quả báo nên tôi không bao giờ đổ lỗi cho người khác”

Sau hơn một tuần phiên xét xử, sáng ngày 16/12, phiên xét xử cựu Phó Chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến và các đồng phạm bước vào phần nghị án. Trước khi tòa nghỉ nghị án, các bị cáo được nói lời sau cùng.

Là bị cáo được nói lời đầu tiên, bị cáo Lê Tấn Hùng (nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty nông nghiệp Sài Gòn – SAGRI) rưng rưng gửi lời cảm ơn tới HĐXX đã tạo điều kiện cho bị cáo và các luật sư trình bày sáng tỏ vụ việc.

“Đến giờ này bị cáo đã mất tất cả, phải đối diện với tội danh hết sức đau đớn là tội tham ô tài sản. Bị cáo vẫn mong muốn làm rõ vấn đề này. Mấy hôm nay bị cáo suy nghĩ mãi vì lý do gì, tại sao bị cáo lại bị đề nghị mức hình phạt hết sức cao, bị cáo không hình dung được lý do.

Cựu Phó Chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến

Hôm nay, bị cáo vẫn còn niềm tin cuối cùng vào phán quyết của HĐXX và mong muốn HĐXX xem xét đầy đủ, thấu tình đạt lý để bị cáo nhận trách nhiệm của mình. Mong HĐXX xem xét những kiến nghị của bị cáo để có chính sách khoan hồng đặc biệt để bị cáo sớm trở về với gia đình, xã hội”, bị cáo Lê Tấn Hùng nghẹn giọng trình bày.

Tỏ ra bình tĩnh, ông Trần Vĩnh Tuyến gửi lời cảm ơn tới HĐXX, cảm ơn các luật sư đã bào chữa cho mình.

“Bước ra khỏi phiên tòa này chúng ta phải đối diện với tòa án lương tâm. Tạo nghiệp sẽ bị quả báo nên tôi không bao giờ đổ lỗi cho người khác. Xin HĐXX xem xét cho các bị cáo dưới đây, họ đáng thương hơn đáng trách, họ xứng đáng được đối xử khoan hồng”, ông Tuyến trình bày lời nói cuối cùng của mình.

Bị cáo Lê Tấn Hùng

Với vài lời ngắn gọn, cựu Giám đốc Sở Xây dựng Trần Trọng Tuấn mong muốn HĐXX có bản án công tâm, khách quan.

16 bị cáo đồng phạm khác trong vụ án cũng mong muốn HĐXX xem xét để giảm nhẹ hình phạt cho họ.

Theo truy tố, dự án khu nhà ở tại khu phố 4, phường Phước Long B, Quận 9 (TP.HCM) phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp. Bên cạnh đó, phải tiến hành thẩm định giá, xác định giá trị chuyển nhượng theo thị trường và các quy định pháp luật khác có liên quan.

Biết rõ như vậy, nhưng khi dự án mới xây được 80% công trình hạ tầng kỹ thuật, chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính với nhà nước, chưa đủ điều kiện chuyển nhượng, chưa có phương án, kế hoạch thoái vốn tại dự án được cấp thẩm quyền phê duyệt, ông Trần Vĩnh Tuyến vẫn ký quyết định chấp thuận chuyển nhượng dự án trên cho Tổng Công ty Phong Phú.

Quyết định này của ông Trần Vĩnh Tuyến đã tạo kiện để ông Lê Tấn Hùng và đồng phạm thực hiện thủ tục chuyển nhượng dự án trái quy định của pháp luật, gây thiệt hại 672 tỷ đồng.

Ngoài hành vi chuyển nhượng dự án trái quy định, năm 2016, ông Lê Tấn Hùng còn chỉ đạo các cấp dưới gồm Nguyễn Thị Thúy và Nguyễn Thị Tuyết Mai, Trần Văn Trường, Đỗ Sĩ Hoài Thanh, Đoàn Quang Hồi và Nguyễn Thị Nguyên lập 10 hồ sơ khống cho các cán bộ công nhân viên đi tham quan, học tập kinh nghiệm ở 16 nước để chiếm đoạt 13 tỷ đồng.

Cơ quan điều tra xác định, số tiền chiếm đoạt trên ông Hùng sử dụng vào mục đích cá nhân và vụ lợi cho nhóm của ông ở SAGRI. Khi đoàn thanh tra kiểm tra, ông Hùng tiếp tục chỉ đạo cán bộ dưới quyền bàn bạc, thống nhất với các cá nhân ở Công ty TNHH TMDV lữ hành Hòa Bình Quốc tế và Công ty CP du lịch Thanh niên xung phong cùng thực hiện hành vi gian dối.

Minh Ngọc

Bài mới
Đọc nhiều