“Ông Trần Bắc Hà chết rồi cũng không yên”
“Nghĩa tử là nghĩa tận” là một đạo lý truyền thống của người Việt có từ xa xưa. Nhưng nay, đạo lý này dần bị “phai nhạt” khi mà xã hội đã xuất hiện nhiều luồng dư luận “chà đạp” lên cả cái chết của người khác. Mang cái chết ra để xuyên tạc, suy diễn,… chẳng hiểu những con người làm thế có hiểu được đạo lý làm người?
Ngày 18/7, báo chí truyền thông rầm rộ đưa tin về việc cựu chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng BIDV Trần Bắc Hà chết sau 7 tháng bị khởi tố, tạm giam. Cùng với tin tức từ các cơ quan báo chí, mạng xã hội cũng ồ ạt xuất hiện thông tin rằng Trần Bắc Hà chết trong trại giam là “mờ ám”, “bị thủ tiêu”, “che giấu tội phạm”… Những câu chuyện về tiểu sử, giai thoại, quan hệ “trong ngoài” cũng được mang ra kể lể mà chưa biết tính xác thực được bao nhiêu.
Ông Hà bị khởi tố, bắt giam tức có khả năng đã phạm tội – điều này là không cần bàn cãi. Nhưng, việc mang cái chết của ông Trần Bắc Hà ra để tiếp tục suy diễn về những tình tiết của vụ án và xuyên tạc sang các vấn đề khác thì quả thực là vừa thiếu đạo đức, vừa chẳng đúng pháp luật.
Dư luận xã hội mà tiếp tục tồn tại những luồng dư luận kiểu như trên không những sẽ tạo ra sự rối loạn về môi trường thông tin mà còn làm ảnh hưởng đến nhận thức, hành xử của các cá nhân trong xã hội. Ảnh hưởng này là tiêu cực và chắc chắn không đáng xảy ra.
Thủ đoạn
Đây không phải là lần đầu tiên mà một số thành phần trên mạng xã hội đem cái chết của một người ra để xuyên tạc. Trước đây, các vị cán bộ lãnh đạo cấp cao mà chẳng may qua đời thì sẽ bị xuyên tạc rằng là “bị đầu độc”, “ám hại để tranh giành địa vị”. Nguyên Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Đại tướng Nguyễn Bá Thanh,… là những cái tên từng bị các đối tượng đem ra để kể các câu chuyện ảo tưởng lừa dối dư luận. Ở trường hợp khác, các bị can, bị cáo đang tạm giam mà nhỡ xấu số bệnh không qua khỏi sẽ bị vu cáo thành lực lượng canh giữ tra tấn, bạo hành, “bịt đầu mối”,…
Nguyên lý căn bản “người chết không nói được” đã bị lợi dụng triệt để nhằm bịa đặt ra các câu chuyện “thâm cung bí sử” không rõ nguồn gốc, thu hút tính hiếu kỳ của những người quan tâm. Ngặt nỗi, dư luận Việt Nam càng thấy câu chuyện nào ly kỳ thì lại càng quan tâm nhiều, bất chấp câu chuyện ấy có tính xác thực hay không. Thế nên, thủ đoạn lợi dụng cái chết dù đã được dùng đi dùng lại nhiều lần thì vẫn có sức hút lớn đối với số đông.
Quay trở về với vụ việc ông Trần Bắc Hà chết trong trại tạm giam. Trước khi chết trong trại giam, ông Trần Bắc Hà từng nổi tiếng trong giới ngân hàng cũng như liên quan đến vụ án lớn mà dư luận đặc biệt quan tâm. Còn nhớ, năm 2018, chỉ một tin đồn trên facebook về việc ông Hà bị bắt mà thị trường chứng khoán “đỏ lửa” khi mất đến 2% giá trị. Chứng tỏ sức ảnh hưởng của nhân vật này không hề nhỏ. Có lẽ vì điều này, cái chết của ông Hà cũng được dư luận chú tâm hơn.
Như vậy, thêm một đặc điểm nữa là nhân vật được nhắc đến trong câu chuyện càng có sức ảnh hưởng thì các câu chuyện xuyên tạc lợi dụng “cái chết” càng có sức hút cao hơn, càng ảnh hưởng đến dư luận nhiều hơn.
Có thể thấy, thủ đoạn lợi dụng “cái chết” để xuyên tạc là một “chiêu bài” nham hiểm. Nó vừa đánh đúng vào tâm lý đám đông, vừa biết lợi dụng chính hành vi xã hội của cộng đồng.
Âm mưu
Sau những thủ đoạn “cao tay” được nhắc trên thì hẳn âm mưu của các đối tượng mạng vẫn là kích động dư luận, qua những câu chuyện bịa đặt nhằm làm mất niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị, pháp luật. Những câu chuyện được dẫn đến cái đích phần nhiều là vu cáo về “tranh giành, đấu đá nội bộ chính quyền”; xuyên tạc về “sự thao túng của các cá nhân ngành kinh tế với cán bộ trong bộ máy nhà nước”; ngộ nhận về “sự bất lực của pháp luật với những kẻ “sừng sỏ” vi phạm pháp luật”;…
Dư luận khi tiếp xúc với những nguồn tư tưởng này thì dễ bị cuốn theo, khó đưa ra được những nhận thức đúng đắn. Lâu dần, số đông sẽ dần hiểu sai về bản chất của Đảng, Nhà nước, mất niềm tin vào đội ngũ cán bộ, chính quyền mà hoàn toàn không còn tin tưởng vào bản chất Nhà nước là “của dân, do dân, vì dân”. Đây chính là mục đích cuối cùng của các đối tượng lợi dụng mạng xã hội nhằm tuyên truyền, xuyên tạc; phá hoại tư tưởng từ chính bên trong nội tại đất nước. Một khi đã phá hoại được lòng tin của nhân dân thì tức là phá hoại được sức mạnh to lớn nhất của một quốc gia.
Tóm lại, thủ đoạn xuyên tạc về “cái chết” là một trong những thủ đoạn nguy hiểm mà các thành phần phản động, chống đối ưu tiên sử dụng nhiều. Nếu không có cái nhìn đúng đắn để nhận diện vấn đề, chúng ta dễ bị cuốn theo và trở thành công cụ bị lợi dụng bất cứ lúc nào. Hãy tự nâng cao nhận thức cho bản thân, để trước mỗi vấn đề chúng ta luôn là những người thông minh.
Thông tin từ gia đình cựu Chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà cho biết dự kiến ngày 22/7 sẽ đưa thi thể ông về TP.HCM an táng.
Hiện nay, người thân ông Trần Bắc Hà vẫn đang ở Hà Nội hoàn thiện các thủ tục pháp lý để đưa thi thể ông về an táng.
Đại diện chính quyền xã Ân Thạnh (huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định), quê hương của ông Trần Bắc Hà cho hay thông tin về lễ an táng chưa được địa phương nắm bắt.
“Bà con ở địa phương cũng râm ran ông Hà sẽ được đưa về TP.HCM an táng”, vị này nói.
Ông Trần Bắc Hà sinh năm 1956. Năm 1981, ông bắt đầu công tác tại BIDV. Đến năm 1991, ông được bổ nhiệm làm giám đốc BIDV chi nhánh Bình Định.
Tháng 10/1999, ông Hà được bổ nhiệm giữ chức Phó tổng giám đốc BIDV. Đến tháng 5/2003, ông được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc BIDV. Từ năm 2008 đến 2016, ông Hà làm Chủ tịch HĐQT ngân hàng này.
Ngày 29/11/2018, Cơ quan CSĐT Bộ Công an tống đạt các quyết định khởi tố bị can, khám xét, tạm giam đối với ông Trần Bắc Hà về tội Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng.
Ông Trần Bắc Hà có vợ và 2 người con.
Tháng 3/2019, con trai ông là Trần Duy Tùng (35 tuổi) bị Cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam do liên quan đến vụ án của cha mình.
Ông Hà tử vong sáng 18/7, sau hơn 7 tháng bị khởi tố, bắt tạm giam.
(Theo Bút Danh)