Ông Tập Cận Bình chính thức đi vào lịch sử Trung Quốc
Theo nội dung thông cáo chung, Hội nghị toàn thể lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) khóa 19 đã ra quyết định tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 ĐCSTQ vào nửa cuối năm 2022 tại Bắc Kinh, xem xét và thông qua “Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ về những thành tựu chính và kinh nghiệm lịch sử trong 100 năm đấu tranh của Đảng”, tức “Nghị quyết lịch sử thứ ba”.
Củng cố vị trí cốt lõi của Tập Cận Bình
Thông cáo chung của Hội nghị toàn thể lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ khóa 19 cho thấy vị trí cốt lõi trong ban lãnh đạo Trung Quốc của ông Tập Cận Bình một lần nữa được củng cố. Các thời đại dưới sự lãnh đạo của Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình và Tập Cận Bình đã được phân chia rõ, đồng thời làm nổi bật hơn nữa vai trò lý luận của Tư tưởng Tập Cận Bình về Chủ nghĩa xã hội với đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới.
Thông cáo chung của Hội nghị đã phân chia các giai đoạn trong 5 thế hệ lãnh đạo Trung Quốc – gồm Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào và Tập Cận Bình – trong lịch sử 100 năm của ĐCSTQ. như sau: Thời đại Mao Trạch Đông bao gồm thời kỳ Cách mạng dân chủ mới, thời kỳ Cách mạng xã hội chủ nghĩa và thời kỳ Xây dựng.
Thông cáo nói rằng ông Tập Cận Bình đã đưa Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc bước vào một kỷ nguyên mới, đồng thời làm nổi bật hơn nữa vai trò lịch sử của Tư tưởng Tập Cận Bình, gọi đó là “Chủ nghĩa Mác Trung Quốc đương đại, Chủ nghĩa Mác thế kỷ 21”, là “tinh hoa thời đại của văn hóa Trung Quốc và tinh thần Trung Quốc, thực hiện bước nhảy vọt mới về Trung Quốc hóa Chủ nghĩa Mác”.
Trên cơ sở đó, thông cáo chung của Hội nghị còn đặc biệt nhấn mạnh những đóng góp về mặt tư tưởng của cá nhân Tập Cận Bình, cho rằng ông Tập “đã có những suy nghĩ sâu sắc và đánh giá khoa học về một loạt vấn đề lý luận và thực tiễn lớn liên quan đến sự phát triển của ĐCSTQ và đất nước Trung Quốc trong thời đại mới”, là “người sáng lập chính” của Tư tưởng Tập Cận Bình về Chủ nghĩa xã hội với đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới.
Tư tưởng Tập Cận Bình cũng được nâng lên một tầm cao liên quan mật thiết đến tương lai của dân tộc Trung Hoa. Thông cáo Hội nghị trung ương 6 xác lập Tập Cận Bình vào vị trí nòng cốt của toàn ĐCSTQ, xác định vai trò chỉ đạo của Tư tưởng Tập Cận Bình về Chủ nghĩa xã hội với đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới.
“Điều đó có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển của ĐCSTQ, của đất nước Trung Quốc trong thời đại mới và tiến trình lịch sử khôi phục sự vĩ đại của dân tộc Trung Hoa”.
Với việc chia 100 năm lịch sử của ĐCSTQ theo ba thời đại Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình và Tập Cận Bình, vị thế của ông Tập có thể sánh ngang với Mao và Đặng.
“Nghị quyết lịch sử thứ ba”
Hội nghị toàn thể lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ khóa 19 cũng chính thức ban bố “Nghị quyết lịch sử thứ ba” sau thời đại của Mao Trạch Đông và thời đại của Đặng Tiểu Bình. Theo Đa Chiều, việc này có ít nhất hai ý nghĩa.
Thứ nhất, việc này càng củng cố thời đại chính trị của Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình và Tập Cận Bình ở cấp độ lịch sử đảng. Trước đó, ĐCSTQ đã thông qua hai nghị quyết lịch sử, đó là “Nghị quyết về một số vấn đề lịch sử” được thông qua bởi Hội nghị toàn thể lần thứ 7 của Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ khóa 6 vào năm 1945 và “Nghị quyết về một số vấn đề lịch sử của ĐCSTQ từ khi thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa” được thông qua bởi Hội nghị toàn thể lần thứ 6 của Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ khóa 11 vào năm 1981.
Cả hai nghị quyết lịch sử này đều là những bản tổng kết được thực hiện tại những bước ngoặt quan trọng trong lịch sử ĐCSTQ, lần lượt xác lập các vị trí cốt lõi của Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình, trở thành dấu mốc bước vào thời đại Mao Trạch Đông và thời đại Đặng Tiểu Bình.
Sau khi trở thành lãnh đạo Trung Quốc vào năm 2012, ông Tập phát động quyết liệt các hành động chống tham nhũng và tiến hành cải cách sâu rộng toàn diện. Tại Hội nghị toàn thể lần thứ 6 của Ban chấp hành Trung ương ĐCSTQ khóa 18 vào năm 2016, ông Tập cũng được xác lập vị trí là nòng cốt của một thế hệ lãnh đạo mới và sau đó đưa ra khái niệm “Thời đại mới” tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 19 của ĐCSTQ vào năm 2017. Tư tưởng Tập Cận Bình được đưa vào hiến chương của ĐCSTQ, các thời đại của Mao, Đặng và Tập chính thức được đưa vào văn kiện của ĐCSTQ.
Giờ đây, lấy “Nghị quyết lịch sử thứ ba” này làm dấu mốc, các thời đại của Mao, Đặng và Tập đã chính thức được nâng cấp và đi vào các tài liệu lịch sử của ĐCSTQ; vị trí cốt lõi của Tập Cận Bình trong ĐCSTQ cũng được nâng cấp và củng cố một cách toàn diện.
Thứ hai, nghị quyết lịch sử còn phục vụ các mục tiêu chính trị hiện thực. Như thông cáo chung của Hội nghị đã viết, “từ 100 năm đấu tranh của ĐCSTQ có thể thấy rõ lý do tại sao chúng ta thành công trong quá khứ và làm thế nào để có thể tiếp tục thành công trong tương lai”.
“Nghị quyết lịch sử thứ ba” ra đời nhằm phục vụ cho điểm xuất phát mới trong công cuộc 100 năm xây dựng của ĐCSTQ, thực hiện mục tiêu lịch sử phục hưng dân tộc Trung Hoa.
Nghị quyết lịch sử định hình tương lai Trung Quốc: Ông Tập Cận Bình là nhân vật hạt nhân
Kể từ khi Tập Cận Bình lên nắm quyền, ĐCSTQ đã thực hiện được mục tiêu 100 năm lần thứ nhất là xóa đói giảm nghèo, xây dựng xã hội khá giả toàn diện. Tiếp theo sẽ là mục tiêu 100 năm lần thứ hai – phục hưng dân tộc Trung Hoa.
Trong thời điểm chuyển giao giữa hai thế kỷ của ĐCSTQ, “Nghị quyết lịch sử thứ ba” tổng kết bài học kinh nghiệm của trong 100 năm qua của ĐCSTQ, không chỉ củng cố địa vị lãnh đạo hạt nhân của ông Tập, mà còn thống nhất hơn nữa tư tưởng của toàn ĐCSTQ, đồng thời vạch ra kế hoạch rõ ràng cho các mục tiêu và phương pháp thực nghiệm trong “100 năm lần thứ hai”.
Khai Tâm