Ông Putin “ra tay”, chiến sự Armenia-Azerbaijan đảo chiều bất ngờ
Thỏa thuận ngừng chiến nhằm chấm dứt tình trạng xung đột ở vùng lãnh thổ tranh chấp Nagorno-Karabakh có được là nhờ sự đóng góp to lớn của nhà lãnh đạo Nga Putin.
Cuối cùng sau những chuỗi ngày xung đột căng thẳng, Azerbaijan và Armenia cũng đã đi đến được thỏa thuận quan trọng tối 9/11: Thỏa thuận ngừng chiến nhằm chấm dứt tình trạng xung đột ở vùng lãnh thổ tranh chấp Nagorno-Karabakh.
Thỏa thuận mang dấu mốc lịch sử này có được là nhờ sự đóng góp to lớn của nhà lãnh đạo Nga Putin. Nhờ vai trò trung gian hòa giải của Nga, Armenia và Azerbaijan đã đi tới thỏa thuận thành công.
Tổng thống Nga Putin cho hay các lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga sẽ sớm được triển khai tới đây.
“Thỏa thuận sẽ tạo ra những điều kiện cho việc giải quyết cuộc khủng hoảng trong dài hạn vì lợi ích của người dân ở cả hai quốc gia”, Tổng thống Putin phát biểu ngay sau khi Armenia và Azerbaijan ký kết thỏa thuận dưới sự chứng kiến của Nga.
Thủ tướng Armenia, Nikol Pashinyan thông báo trên Facebook vào sáng sớm ngày 10/11 rằng Armenia đã đồng ý chấm dứt các hành động thù địch với Azerbaijan, và gọi đây là “nỗi đau không thể tả đối với cá nhân tôi và người dân của chúng tôi.”
“Tôi đưa ra quyết định đó là kết quả của sự phân tích sâu sắc về tình hình quân sự và đánh giá của những người hiểu rõ tình hình nhất. Tin rằng đây là giải pháp tốt nhất có thể cho tình hình hiện tại”, tuyên bố của ông Pashinyan.
Armenia đã liên tục mất lãnh thổ trong nhiều tuần qua. Hôm 8/11, Azerbaijan tuyên bố đã chiếm lại Shusha, thành phố mà người Azerbaijan coi là trung tâm lịch sử và văn hóa của họ ở Nagorno-Karabakh, đây dường như là tổn thất nghiêm trọng buộc người Armenia phải chấp nhận thất bại.
Thỏa thuận được ký kết giữa ông Pashinyan, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev và Tổng thống Nga Vladimir Putin, kêu gọi lực lượng gìn giữ hòa bình Nga tuần tra Hành lang Lachin nối Nagorno-Karabakh với Armenia và để Armenia rút khỏi các vùng lãnh thổ tranh chấp khác bên ngoài Nagorno-Karabakh.
Theo thỏa thuận, Armenia sẽ nhường quyền kiểm soát vùng Kelbajar vào ngày 15/11 và Aghdam vào ngày 20/11. Người Armenia sẽ rút khỏi Lachin, ngoại trừ một hành lang rộng 5 km, vào ngày 1/12. Các lực lượng Armenia tiếp tục nắm giữ trung tâm của khu vực, Stepanakert.
Tổng cộng lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga sẽ chỉ nằm ở con số dưới 2.000 người và được đưa đến từ Ulyanovsk.
Trong bài phát biểu sau khi ký kết thỏa thuận, Tổng thống Aliyev nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ cũng nắm giữ vai trò quan trọng trong việc gìn giữ hòa bình, nhưng không đề cập đến vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ trong thỏa thuận chính thức.
Armenia và Azerbaijan đã trong tình trạng xung đột nhiều năm, bắt đầu vào đầu những năm 1990 khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng và khoảng 1 triệu người phải di dời. Hai bên chưa từng ký hiệp ước hòa bình và vào ngày 27/9/20220 Azerbaijan, với sự hỗ trợ của Thổ Nhĩ Kỳ, bắt đầu chiến dịch chiếm lại các vùng lãnh thổ.
Trước khi đạt được hiệp định đình chiến hôm 9/11 dưới sự bảo trợ của Nga, giữa Armenia và Azerbaijan đã có 3 thỏa thuận bị phá vỡ không bao lâu sau khi được ký kết.
Tuy nhiên, lần này việc Nga quyết định triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình tới Nagorno-Karabakh đã làm dấy lên hy vọng về một cam kết hòa bình lâu dài, mở ra một triển vọng hợp tác mới, góp phần chấm dứt tình cảnh thương vong đẫm máu trong xung đột giữa Armenia và Azerbaijan.
Hôm 11/11, quân đội Nga thông báo, những quân nhân đầu tiên trong phái đoàn gìn giữ hòa bình của Nga đã đến khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh giữa Armenia và Azerbaijan để làm nhiệm vụ.
Việc điều động phái đoàn gìn giữ hòa bình tới khu vực Nagorno-Karabakh là một phần trong thỏa thuận hòa bình đạt được nhằm chấm dứt nhiều tuần giao tranh đẫm máu giữa Armenia và Azerbaijan.
Theo thượng tướng Sergei Rudskoy, tổng cục trưởng Tổng cục Tác chiến Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Liên bang Nga , lực lượng gìn giữ hòa bình hiện đã kiểm soát hành lang Lachin, vùng kết nối chính giữa Armenia và khu vực Nagorno-Karabakh.
Ông Sergei Rudskoy cho biết 414 quân nhân, 8 trực thăng và hàng chục phương tiện, khí tài quân sự đã tới Armenia trước. “Trong 24 giờ qua đã có 27 chuyến bay”, ông nói với báo giới.
Hoàng Đan/TTT