Ông Putin hé lộ vì sao Nga liên tục giảm ngân sách quốc phòng
Nga là một trong số ít cường quốc quân sự thực sự cắt giảm ngân sách quốc phòng trong những năm gần đây, và mới đây ra khỏi top 5 nước đứng đầu về chi tiêu quốc phòng.
Việc giảm chi tiêu quốc phòng của Nga là vì nước này đã qua giai đoạn “đỉnh điểm hiện đại hóa”, cho phép chính phủ giảm bớt nguồn lực phân bổ cho lĩnh vực này trong khi vẫn duy trì được cấp độ phòng vệ tương đương, tổng thống Nga Vladimir Putin nói tại một cuộc họp chính phủ vừa qua, theo Sputnik.
Ông Putin tuy vậy lưu ý rằng các tổ hợp công nghiệp quốc phòng Nga vẫn cần phải tiếp tục các nỗ lực chế tạo các thiết bị công nghệ cao, có tính cạnh tranh, không vừa làm vũ khí vừa “tăng gia làm thêm xoong chảo” (đồ dân dụng nói chung) nhưng họ từng phải thực hiện trong những năm 1990.
Tổng thống Nga chỉ đạo chính phủ chuẩn bị kế hoạch cắt giảm chi tiêu, bao gồm cả các xí nghiệp quốc phòng, hiện thực hóa bằng các dự án quốc gia.
Đây là một phần kế hoạch của chính phủ trong việc cải thiện nhiều mặt của nền kinh tế, khoa học và phát triển con người ở Nga, tiếp nhận những phản hồi cần thiết về các cơ chế mới hoặc các quyết định giúp phát triển ngành công nghiệp quốc phòng ở từng lĩnh vực.
“Cần phải đảm bảo sử dụng ngân sách được phân bổ trong việc mua máy móc và thiết bị có mục tiêu, chặt chẽ. Tôi muốn nhấn mạnh chúng ta cần đạt được sự minh bạch tuyệt đối trong lĩnh vực này”, ông Putin nói. “Dòng chảy ngân sách cần được theo dõi rõ ràng ở mọi cấp chính quyền, cho mọi hình thức chi”, ông nói thêm.
Tháng trước, tổng thống Putin nói với báo chí rằng Nga không để bị kéo vào một cuộc đua vũ trang mới với Mỹ, và nói ngay cả khi Nga chỉ chi 48 tỷ USD cho quốc phòng, xếp thứ 7 thế giới sau Mỹ, Trung Quốc, Ả rập Xê út, Anh, Pháp và Nhật, nước này vẫn có “năng lực quân sự không có đối thủ” nhờ “tập trung nghiên cứu các lĩnh vực ưu tiên”.
“Chạy đua vũ trang là điều tồi tệ, và không tốt cho thế giới. Tuy nhiên, chúng tôi cũng không để bị kéo vào một cuộc chơi chi tiêu ngân sách tốn kém”, ông Putin nói.
Hồi đầu năm, Viện Nghiên cứu hòa bình Stockholm, một tổ chức nghiên cứu độc lập chuyên về xung đột và giải trừ quân bị, tính toán rằng NATO đã tiêu hơn 1.000 tỷ USD cho quân sự trong năm 2018. 7 thành viên NATO lọt vào danh sách 15 quốc gia chi tiêu hàng đầu cho quân sự.
Anh Minh/Soha News