+
Aa
-
like
comment

Ông Phạm Nhật Vượng làm điều chưa từng có của trên đất Mỹ

26/12/2021 11:33

Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng đã quyết định “cắm cờ” tại các thị trường hàng đầu và xây dựng một thương hiệu quốc tế, đẳng cấp là niềm khao khát được ấp ủ từ lâu của mình . Và Chủ tịch Vingroup đã chọn VinFast để hiện thực hoá giấc mơ đó.

Tại buổi nói chuyện giữa Chủ tịch Vingroup và cán bộ quản lý của Viettel vào năm 2016, ông Phạm Nhật Vượng từng đề cập đến cách tập đoàn này định hướng đầu tư ở nước ngoài.

Khi được hỏi liệu có kế hoạch đầu tư phát triển hệ thống khách sạn Vinpearl ra nước ngoài hay không, ông Vượng chia sẻ: “Chúng tôi cũng ‘thắt lưng buộc bụng’, ‘bỏ ống’ mỗi nơi một cái vài trăm triệu (USD) và sau đó về lâu dài sẽ xây dựng được hệ thống khách sạn với thương hiệu không phải nội địa nữa, mà là thương hiệu quốc tế, đẳng cấp”. Tỷ phú số 1 Việt Nam cũng khẳng định, các thị trường như Mỹ, Úc, Canada, Singapore, các nước châu Âu là những nơi mà Vingroup quyết liệt tìm kiếm cơ hội.

VinFast ‘cắm cờ’ trên đất Mỹ 

Ông Lê Đăng Dũng, thời điểm đó là Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel, đã đưa cho ông Vượng một lời khuyên. Ông Dũng nói: “Nếu anh có chiến lược đi đầu tư nước ngoài, tôi khuyên anh đừng làm ở Mỹ, châu Âu vội”.

Ông Dũng cho rằng, ông Phạm Nhật Vượng nên đầu tư vào các nước đang phát triển trước:

“Tôi nghĩ những nước như thế hiện nay đang rất cần dịch vụ, rất cần khách sạn, hơn là Mỹ. Anh bây giờ sang đánh nhau với công ty Mỹ luôn thì không ăn thua nhưng chắc chắn làm ở Myanmar, Lào, Campuchia hay Nepal thì thành công trước, rồi sau đó hãy tấn công sang Mỹ.

Trả lời ông Dũng, ông Phạm Nhật Vượng nói: “Vấn đề đi ra nước ngoài của Vingroup không định hướng là lợi nhuận, mà định hướng là cắm cờ. Nếu cắm vào Myanmar, Campuchia và Lào thì không ‘oai’ lắm. Đã thế cắm hẳn vào chỗ nào oai nhất mà vẫn kinh doanh được cho nó kinh”.

5 năm sau, ông Phạm Nhật Vượng “cắm cờ” trên đất Mỹ thật nhưng không phải với Vinpearl mà là VinFast. Không chỉ Mỹ, VinFast cũng chào sân hàng loạt thị trường lớn khác gồm Canada, Anh, Pháp và Hà Lan.

Ngày 17/11/2021, tại sân khấu triển lãm Los Angeles Auto Show, ông Michael Lohscheller – Giám đốc điều hành VinFast toàn cầu đã vén màn 2 mẫu ô tô chạy điện VF e35, VF e36. VinFast chính thức ra mắt như một thương hiệu toàn cầu trước sự chứng kiến của báo giới quốc tế.

Pha ‘cắm cờ’ chưa từng có của ông Phạm Nhật Vượng trên đất Mỹ - Ảnh 3.

Trước đó, VinFast đã khai trương trụ sở chính của chi nhánh tại Hoa Kỳ, toạ lạc tại khu vực Playa Vista – được coi là Silicon Beach của thành phố Los Angeles. VinFast trở thành hàng xóm của Facebook, Microsoft, YouTube hay Fox Sport Media. Hãng cam kết đầu tư 200 triệu USD giai đoạn đầu và tạo ra ít nhất 1.065 việc làm toàn thời gian tại California.

Trả lời CNN, ông Michael Lohscheller cho hay ban đầu công ty sẽ sản xuất 2 mẫu SUV VF e35 và VF e36 tại Việt Nam nhưng đã có kế hoạch đặt một nhà máy ở Mỹ vào nửa cuối năm 2024.

2 mẫu xe, nhiều kỳ vọng 

VinFast VF e35, VF e36 được định vị ở phân khúc SUV hạng D và E. Cả 2 đều sở hữu động cơ điện kép công suất 402 mã lực, mô men xoắn cực đại 640 Nm kèm hệ dẫn động 4 bánh. Tầm hoạt động của VF e35 dự kiến ở mức 460-510 km trong khi e36 là 485-680 km. VF e35 được cho có khả năng tăng tốc 0-100 km/h trong 5,5 giây trong khi VF e36 là 6,5 giây.

Các tính năng ADAS của xe bao gồm hỗ trợ di chuyển khi tắc đường, hỗ trợ lái trên đường cao tốc, tự động chuyển làn, hỗ trợ đỗ xe toàn phần (người lái ngồi trong xe), tự đỗ xe (người lái giám sát ngoài xe) và triệu tập xe thông minh.

Theo các chuyên gia quốc tế, VinFast VF e36 phù hợp với thị trường Mỹ khi người dùng tại đây ưa chuộng những chiếc xe cỡ lớn, rộng rãi với 3 hàng ghế trong khi VF e35 phù hợp với với thị trường châu Âu.

Báo chí quốc tế đặc biệt đánh giá cao sự xuất hiện của VinFast ở “đấu trường” quốc tế. Bởi không giống một số nhà sản xuất mới nổi đem sản phẩm đi triển lãm để “gióng chuông”, những chiếc xe của VinFast đã ở trạng thái hoàn thiện và sẵn sàng bàn giao ngay trong năm 2022 – thời điểm điểm được xem là “bùng nổ” của thị trường xe điện.

Trang Business Insider cho rằng VinFast là “người thách thức” Tesla ngay trên đất Mỹ. Trang này nhắc tới 3 yếu tố cốt lõi làm nên thế mạnh của VinFast: sản phẩm chất lượng, giá hợp lý và dịch vụ khách hang. Trong khi đó, Mike Rutherford của Auto Express, sau khi chứng kiến màn ra mắt của VinFast tại Los Angeles Auto Show, nhận định: Việt Nam có cơ hội lọt vào top 4 trong ngành công nghiệp ô tô châu Á.

Thời điểm ‘vàng’cho một màn xuất quân 

Không riêng VinFast, hàng loạt thương hiệu ô tô lớn như Toyota, Nissan, Kia hay Hyundai cũng như các startup triển vọng như Rivian, Lucid đều chọn 2021 là năm để đưa ra những thông điệp quan trọng về kế hoạch phát triển xe điện của mình.

Theo nhiều trang báo quốc tế, 2021-2022 là “thời điểm vàng” để cho ra mắt các mẫu ô tô điện thông minh thế hệ mới, bởi đây là giai đoạn bản lề cho việc chuyển dịch từ xe sử dụng nhiên liệu truyền thống sang ô tô điện.

Theo Automotive News, thị trường xe thuần điện tại Mỹ đã tăng trưởng gấp đôi trong 10 tháng đầu tiên của năm 2021, đạt mức doanh số cao nhất mọi thời đại.

Cụ thể, đã có 378.466 xe điện được đăng ký trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 10/2021, tăng 94% so với cùng kỳ năm 2020. Con số này tương đương 2,9% tổng thị trường ô tô tại Mỹ, so với mức 1,7% một năm về trước.

Trung Quốc, thị trường ô tô lớn nhất thế giới, còn chứng kiến những sự thay đổi mạnh mẽ hơn. Chỉ riêng trong tháng 10/2021, doanh số ô tô điện tại quốc gia này đạt 320.000 xe, tương đương với doanh số bán xe điện tại Mỹ trong 10 tháng.

Về tỷ lệ tăng trưởng, doanh số đã tăng 141% so với cùng kỳ năm trước tại Trung Quốc, trang China Daily dẫn nguồn từ Hiệp hội ô tô Trung Quốc (CPCA). Gần 19 trên tổng số 100 xe bán ra tại Trung Quốc trong tháng 10 là xe điện, tính cả xe plug-in hybrid – tương đương 19%. Một năm trước, con số này chỉ khoảng 5,8%.

Tính cộng dồn 10 tháng đầu năm, các mẫu xe sử dụng năng lượng mới đã tăng trưởng 191,9%, tương đương 2,14 triệu xe bán ra, đạt 13% thị phần tại Trung Quốc.

Trong khi đó tại thị trường châu Âu, 1/5 số xe bán ra trong quý III/2021 là xe điện, theo số liệu từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô châu Âu (ACEA). Trong đó, xe thuần điện đạt mức tăng trưởng 57% lên 212.000 xe trong khi xe plug-in hybrid tăng gần 43% lên 197.000 xe.

Có thể nói, VinFast đang có được cả “thiên thời, địa lợi” với màn xuất quân lần này.

Cách ‘bày binh bố trận’ của VinFast 

Theo CEO Michael Lohscheller, VinFast có kế hoạch mở khoảng 60 showroom trưng bày sản phẩm để người dùng tại Mỹ có cơ hội đến chiêm ngưỡng và trải nghiệm sản phẩm. Họ sẽ không hợp tác với các đại lý bán hàng theo phương thức truyền thống của nhiều hãng xe hiện nay.

Việc bán xe online trước đây bị cho là mạo hiểm bởi với một sản phẩm đặc thù như ô tô, bởi người dùng sẽ mất rất nhiều thời gian để tìm hiểu thông tin về xe, cân nhắc lựa chọn, lái thử cũng như tìm kiếm các chương trình ưu đãi. Tuy nhiên theo thời gian, các quá trình này đang ngày càng rút ngắn đi tại Mỹ.

Mô hình bán hàng trực tiếp đang chứng minh sự ưu việt khi mà mới đây đích thân CEO của Ford Motor là Jim Farley đã ca ngợi mô hình này. “Chỉ cần 3-4 cú click để chọn cấu hình, không có sự phức tạp, người dùng đã có thể mua xe. Đơn giản, không phải trả giá”, ông này nhận xét.

Pha ‘cắm cờ’ chưa từng có của ông Phạm Nhật Vượng trên đất Mỹ - Ảnh 11.

2 chiến lược khác được vị CEO này nhắc đến là bảo hành từ xa và cho thuê pin. Trong đó, cho thuê pin được cho là chính sách khôn ngoan bởi hãng vừa có thể giúp người mua tiết kiệm chi phí mua lần đầu cho sản phẩm, không lo vấn đề hỏng hóc pin – vốn là linh kiện đắt nhất trên ô tô điện. Bên cạnh đó, khách hàng lại có thể nâng cấp pin nếu sau này thị trường xuất hiện những công nghệ pin ưu việt hơn. Chưa kể, người dùng tại Mỹ đã rất quen với hình thức “thuê bao” trong mọi dịch vụ, thay vì chỉ thích “mua đứt bán đoạn” như người dùng Việt Nam.

Trong khi đó, chiến lược bảo hành từ xa vừa chứng minh được sự chu đáo của VinFast đối với khách hàng, lại giống một lời khẳng định về chất lượng sản phẩm bởi chỉ có thực sự tự tin vào sản phẩm của mình, hãng sản xuất mới dám áp dụng chính sách hậu mãi tốn nhiều công sức này.

“Chúng tôi có nhiều nhân viên phục vụ đến nhà bạn. Nếu bạn gặp vấn đề, chúng tôi sẽ khắc phục từ xa nếu được. Nếu không, chúng tôi sẽ đến tận nhà bạn và sửa nó ở đó hoặc chúng tôi sẽ cung cấp cho bạn một chiếc xe thay thế và chúng tôi sẽ sửa nó trong các cửa hàng dịch vụ của chúng tôi”, CEO Lohscheller nói với Car and Driver.

4 năm từ con số 0 thàn thương hiệu toàn cầu 

Trước báo chí quốc tế tại sân khấu triển lãm Los Angeles Auto Show, CEO Michael Lohscheller khẳng định: “VinFast chính là tốc độ đáng kinh ngạc – hiếm có đối với ngành ô tô”. Hãng ô tô Việt mất 21 tháng để xây dựng và hoàn thiện tổ hợp nhà máy sản xuất ô tô và xe máy điện VinFast với quy mô 335 ha – đạt kỷ lục về tiến độ. Hãng này mất 12 tháng để phát triển mẫu sedan Lux A2.0 và SUV Lux SA2.0 và giờ đây là 4 năm để trở thành một thương hiệu ô tô điện toàn cầu.

Không chỉ sản xuất và bán xe điện như một số startup có tiếng hiện nay, VinFast thể hiện rõ tham vọng làm chủ tất cả những công nghệ quan trọng nhất trên các mẫu ô tô điện thông minh. Đây là tư duy chỉ xuất hiện với các nhà sản xuất lớn, có truyền thống lâu đời.

Tháng 12/2021, tập đoàn mẹ Vingroup công bố khởi công dự án nhà máy sản xuất pin VinES với vốn đầu tư ban đầu là 175 triệu USD, công suất dự kiến 100.000 pack pin/năm. Dự kiến đến năm 2024, nhà máy này sẽ đi vào hoạt động – một lần nữa trùng thời điểm với kế hoạch của nhiều nhà sản xuất lớn.

Trước đó, Vsmart của Vingroup cũng công bố dừng sản xuất điện thoại, TV để dồn lực tập trung cho hệ thống infotaiment (thông tin giải trí) trên xe VinFast. Hãng cũng nhận được sự hỗ trợ của nhiều thành viên khác trong hệ sinh thái Vingroup như VinAI để phát triển công nghệ tự lái hay VinBigdata cho trợ lý ngôn ngữ tự nhiên trên các mẫu xe thông minh.

Tất cả đều là những dự án nghiêm túc, nhiều tham vọng và tất nhiên là ngốn không ít kinh phí. Nhưng quan trọng là các dự án này đều đã cho ra thành quả nhất định, chờ ngày chính thức xuất hiện trên các mẫu xe của VinFast.

Nói cách khác, VinFast đang tìm cách làm chủ “trái tim” – công nghệ pin và “khối óc” – hệ thống điều khiển, kết nối trên các mẫu ô tô thế hệ mới.

Thành Duy 

Bài mới
Đọc nhiều