Ông Phạm Minh Chính: Kiện toàn, phân công các chức danh lãnh đạo Đảng, Nhà nước
Trưởng ban Tổ chức T.Ư Phạm Minh Chính nhấn mạnh, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành tổ chức xây dựng Đảng thời gian tới là phối hợp để kiện toàn, phân công đối với các chức danh lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Sáng 12.3, Ban Tổ chức T.Ư tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021 theo hình thức trực tuyến tại 70 điểm cầu trên cả nước.
Báo cáo tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2020, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức T.Ư Phan Thanh Bình cho biết, năm 2020 là năm có nhiều khó khăn, thách thức nhưng ngành tổ chức xây dựng Đảng đã hoàn thành khối lượng công việc lớn.
Cụ thể, ngành đã tham mưu tổ chức đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội XIII của Đảng thành công tốt đẹp, bảo đảm tiến độ, sớm hơn so với một số nhiệm kỳ gần đây với nhiều nội dung đổi mới, cách làm mới, hiệu quả.
Công tác nhân sự Đại hội XIII được tiến hành khoa học, bài bản, khách quan, toàn diện theo phương châm “làm từng bước, từng việc, từng khâu; làm thận trọng, chặt chẽ, kỹ lưỡng, làm đến đâu, chắc đến đó”.
Trên cơ sở đó, đã bầu ra Ban Chấp hành T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII cơ bản bảo đảm chất lượng, số lượng, có cơ cấu hợp lý, bảo đảm tính ổn định, kế thừa, đổi mới, phát triển liên tục và chuyển tiếp vững vàng giữa các thế hệ.
Không bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền
Phát biểu kết luận hội nghị, ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức T.Ư, nhấn mạnh thời gian tới, toàn ngành phải tập trung tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp ngay từ những ngày đầu, tháng đầu, sớm đưa nghị quyết vào cuộc sống.
Bên cạnh đó, phối hợp kiện toàn, phân công đối với các chức danh lãnh đạo Đảng, Nhà nước theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước; tham mưu cho việc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá 15, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026.
Ông Chính cũng nhấn mạnh, cần tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên về công tác tổ chức xây dựng Đảng. Coi trọng và làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ; bảo vệ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bảo vệ cán bộ, đảng viên; kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm những cán bộ có động cơ sai trái, tư tưởng cục bộ, bè phái, “lợi ích nhóm”.
Ngoài ra, theo ông Chính, toàn ngành cần chủ động phối hợp với cấp ủy, tổ chức đảng các cấp trong triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả công tác tổ chức xây dựng Đảng, tập trung triển khai các nghị quyết về xây dựng chỉnh đốn Đảng, xây dựng tổ chức bộ máy gắn với nâng cao chất lượng, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, nhất là cán bộ cấp chiến lược và người đứng đầu các cấp.
Trưởng ban Tổ chức T.Ư cũng lưu ý, cần thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Quy định số 205 của Bộ Chính trị; kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng “chạy chức”, “chạy quyền”; không bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền trong nội bộ ngành tổ chức xây dựng Đảng.
Bên cạnh đó, chú trọng xây dựng cơ sở dữ liệu của từng cá nhân, đơn vị; thực hiện có hiệu quả “5 hóa” trong tổ chức thực hiện công việc gồm: hạt nhân hóa lãnh đạo; chuẩn hóa văn bản pháp quy; đơn giản hóa thủ tục hành chính; tự động hóa tổ chức thực hiện; tối ưu hóa kết quả hoạt động.
Lê Hiệp