+
Aa
-
like
comment

Ông Nguyễn Thiện Nhân nói về ‘món nợ’ 10 năm của TP.HCM

Hồng Anh - 19/01/2021 17:44

Ông Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ TP Thủ Đức là giải pháp để TP.HCM thực hiện lời hứa đưa tăng trưởng kinh tế trở lại mức gấp 1,65 lần cả nước như 10 năm trước đây. 

“Chúng ta ‘mắc nợ’ một nghị quyết mà 10 năm làm không được. Đó là đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế như 10 năm trước”, ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM, chia sẻ tại Hội nghị báo cáo chuyên đề “Xây dựng TP Thủ Đức thành đô thị sáng tạo tương tác cao, thành phố kinh tế tri thức, hạt nhân phát triển Vùng kinh tế 4.0 phía Nam” diễn ra chiều 19/1.

Trong bài phát biểu dài hơn 2 tiếng đồng hồ, ông Nhân dành nhiều tâm huyết để phân tích lý do TP.HCM quyết tâm thành lập TP Thủ Đức và giải pháp để tăng trưởng kinh tế TP.HCM.

TP.HCM và lời hứa 10 năm chưa làm được

Mở đầu bài phát biểu, ông Nguyễn Thiên Nhân nêu câu hỏi vì sao TP.HCM không thể trở lại mức tăng trưởng kinh tế gấp 1,5-1,65 cả nước như 10 năm trước?

“Vừa rồi chuẩn bị Đại hội Đảng chưa vui được và 10 năm chưa vui được. Đó là vì giai đoạn 2001-2010, tốc độ tăng trưởng kinh tế của TP.HCM gấp 1,65 lần cả nước, nhưng đến 2011 chỉ gấp 1,17 lần. Lúc đó có thể nghĩ đấy là hiện tượng một năm. Do vậy, Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị nêu yêu cầu là giai đoạn 2011-2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế thành phố gấp 1,5 lần bình quân cả nước. Đáng tiếc là không làm được”, nguyên Bí thư Thành ủy bộc bạch.

Do đó, Nghị quyết Đại hội vừa qua của Thành ủy TP.HCM đã thảo luận làm cách nào để tăng trưởng kinh tế trở lại mức gấp 1,65 lần cả nước như trước đây. Để trả “món nợ” này, Thành ủy TP.HCM đã phân tích, nghiên cứu tình hình Việt Nam và thế giới. Từ đó, Thành ủy nhận định câu trả lời nằm ở năng suất lao động của thành phố.

thanh lap TP Thu Duc anh 1
Ông Nguyễn Thiện Nhân báo cáo tại hội nghị. 

Theo ông Nhân, động lực cơ bản, lâu dài để tăng trưởng kinh tế (GRDP) là tăng năng suất lao động, còn trong ngắn hạn có thể dựa vào tăng lao động. Tuy nhiên, ông nhận định tăng lao động phải dựa vào tăng dân số, mà đây là yếu tố không thể tăng mãi được, sẽ có lúc dừng lại.

Từ đó, Thành ủy TP.HCM đã rút ra kết luận năng suất lao động là lời giải cho bài toán tăng trưởng kinh tế của thành phố.

“Phải làm sao năng suất lao động TP trong 10 năm tới phải tăng bình quân ở mức 8-10%/năm”, ông Nhân nhắc lại đầu bài để tạo ra “bước nhảy vọt” trong sự phát triển của thành phố.

TP Thủ Đức không phải sáp nhập cơ học

Nghiên cứu riêng trường hợp của Khu công nghệ cao TP.HCM, ông Nhân cho biết năng suất lao động của khu vực nào gấp 16,6 lần Việt Nam và gấp 6,6 lần năng suất lao động của TP.HCM. Đây là gợi ý quan trọng để TP.HCM tạo ra đột phá trong tăng năng suất lao động, từ đó tăng trưởng kinh tế.

Cùng với đó, qua nghiên cứu lao động và đóng góp của một số ngành kinh tế Việt Nam vào GDP năm 2019, ông Nhân rút ra rằng giá trị của riêng ngành công nghệ thông tin – truyền thông vào GDP còn lớn hơn tổng giá trị đóng góp của 4 ngành là du lịch, giáo dục đào tạo, vận tải kho bãi, và y tế. Một triệu lao động ngành công nghệ thông tin – truyền thống đóng góp GDP nhiều hơn 7,26 triệu lao động của 4 ngành kể trên.

thanh lap TP Thu Duc anh 2
TP Thủ Đức có nhiều điều kiện để hình thành trung tâm trí tuệ nhân tạo.  

Qua những dẫn chứng đó, ông Nhân chia sẻ từ năm 2018, Thành ủy TP.HCM đã suy nghĩ xem nơi nào có đủ tiền để để phát triển thành phố tri thức. Và thành lập TP Thủ Đức chính là lời giải cho bài toán của TP.

Sau 20 năm phát triển, Thành ủy TP.HCM nhận định quận 2, 9 và Thủ Đức đã hình thành một số tiền đề quan trọng để nghiên cứu và ứng dụng công nghệ cao trong một không gian địa lí đủ gần để hình thành sự tương tác mạnh giữa các cấu phần kinh tế, hình thành hệ sinh thái của kinh tế tri thức, trí tuệ nhân tạo.

Qua nghiên cứu thực trạng của TP.HCM, ông Nhân nhận định hạ tầng phát triển chậm là cản trở lớn nhất của thành phố, kéo theo sự “ách tắc” của nhiều ngành kinh tế. Rút kinh nghiệm từ bài học này, TP Thủ Đức được thiết kế để đảm bảo 8 cấu phần hạ tầng giao thông và dịch vụ đô thị. Bao gồm các hệ thống: giao thông đường bộ, đường biển, hàng không; tàu điện ngầm; thoát nước và chống ngập; cấp nước sạch; xử lý rác; và các khu đô thị mới, đô thị thông minh.

Ông Nhân cho biết TP Thủ Đức được quy hoạch theo hướng “đô thị 15 phút”, tức là từ nhà ở của mình để đến được các dịch vụ mong muốn hay nơi làm việc chỉ mất 15 phút. Theo đó, các cấu phần của TP Thủ Đức phải tương tác với nhau để trở thành nơi sống tốt nhất, nơi làm việc tốt nhất.

“Thành phố Thủ Đức không phải sáp nhập cơ học. Mà sáp nhập 3 quận để hình thành một hệ thống phát triển kinh tế thành phố”, ông Nhân khẳng định trong cuối bài phát biểu của mình.

Bài mới
Đọc nhiều