Ông Nguyễn Thành Tài được áp dụng nhiều tình tiết giảm nhẹ
Với một loạt tình tiết giảm nhẹ, ông Nguyễn Thành Tài bị HĐXX sơ thẩm tuyên phạt 8 năm tù.
* Giao UBND TP.HCM thu hồi, quản lý khu đất 8 – 12 Lê Duẩn
Hôm qua 20.9, sau 4 ngày xét xử sơ thẩm, TAND TP.HCM tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thành Tài (68 tuổi, nguyên Phó chủ tịch UBND TP.HCM) 8 năm tù, Lê Thị Thanh Thúy (41 tuổi, cựu Chủ tịch Công ty Hoa Tháng Năm, Chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư Lavenue – gọi tắt Công ty Lavenue) 5 năm tù, Đào Anh Kiệt (63 tuổi, nguyên Giám đốc Sở TN-MT TP.HCM) 5 năm tù, Nguyễn Hoài Nam (55 tuổi, nguyên Bí thư Quận ủy Q.2) 4 năm tù, Trương Văn Út (50 tuổi, nguyên Phó trưởng phòng Quản lý đất thuộc Sở TN-MT TP.HCM) 3 năm tù. Các bị cáo bị tuyên phạt về tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, liên quan việc giao, cho thuê nhà đất 8 – 12 Lê Duẩn (Q.1, TP.HCM) từ sở hữu nhà nước sang tư nhân trái pháp luật, gây thiệt hại hơn 252 tỉ đồng.
“Các bị cáo đều trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội”
HĐXX nhận định qua lời khai dù các bị cáo có nhận thức khác nhau về tội phạm, nhưng cơ bản đều thừa nhận hành vi tham gia soạn thảo, ký nháy đề xuất và ký ban hành các công văn, quyết định có ý nghĩa trong việc cho Công ty Lavenue được giao, thuê khu đất 8 – 12 Lê Duẩn thực hiện dự án khách sạn cao cấp – trung tâm thương mại theo hình thức chỉ định, không qua đấu giá quyền sử dụng đất; quyết định áp dụng 2 hình thức giao đất và cho thuê đất đối với cùng một dự án và cho thanh lý số nhà 12 Lê Duẩn không bán đấu giá tài sản trên đất, đúng như cáo trạng nêu.
Đối với bị cáo Lê Thị Thanh Thúy, HĐXX đánh giá bị cáo biết rõ dự án 8 – 12 Lê Duẩn là một trong những dự án trọng điểm, nằm tại vị trí đắc địa ở trung tâm TP.HCM, nên đã thành lập Công ty Hoa Tháng Năm nhằm mục đích tham gia dự án.
Mặc dù công ty của bị cáo mới thành lập, chưa có bất cứ hoạt động kinh doanh nào, không đăng ký ngành nghề kinh doanh dịch vụ khách sạn – nhà hàng, nhưng lợi dụng mối quan hệ quen biết với Nguyễn Thành Tài, bị cáo Thúy ký văn bản với nội dung công ty có năng lực tài chính, có kinh nghiệm trong lĩnh vực nhà hàng – khách sạn để xin tham gia dự án 8 – 12 Lê Duẩn.
Bị cáo Nguyễn Thành Tài biết công ty của bị cáo Thúy không có năng lực, kinh nghiệm cũng như không thuộc trường hợp được chỉ định tham gia dự án, nhưng vì nể nang mối quan hệ quen biết với Thúy, đồng thời muốn đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án đã ký nhanh, ký nhiều văn bản chấp thuận đề xuất của Thúy. Từ đó, Công ty Lavenue do Thúy làm Chủ tịch HĐQT (trong đó Công ty Hoa Tháng Năm chiếm 30% vốn góp) trở thành chủ đầu tư dự án.
Về vai trò đồng phạm của các bị cáo, theo HĐXX, đối chiếu với hành vi phạm tội của các bị cáo trong vụ án này, mặc dù không chứng minh được sự bàn bạc, nhưng nếu không có hành vi đề nghị tham gia dự án của Thúy, thì không có Quyết định 6025 ngày 17.8.2010 do bị cáo Tài ký chấp thuận cho Công ty Hoa Tháng Năm tham gia dự án, và sau đó là thành lập pháp nhân Công ty Lavenue. Nếu bị cáo Thúy không đại diện Công ty Lavenue ký văn bản đề nghị áp dụng 2 hình thức giao, cho thuê đất nhằm giảm áp lực tài chính cho nhà đầu tư, cũng như Sở TN-MT không tham mưu UBND TP.HCM chấp thuận theo đề nghị của Công ty Lavenue, thì không có Quyết định 3030 ngày 14.6.2011 do bị cáo Tài ký giao đất cho Công ty Lavenue thực hiện dự án, gây thất thoát cho nhà nước hơn 252 tỉ đồng.
“Hành vi của các bị cáo đều có mối quan hệ nhân quả với hoạt động phạm tội chung và hậu quả chung của tội phạm. Các bị cáo đều trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội nên thuộc trường hợp đồng phạm”, HĐXX nhận định.
Hậu quả vụ án cơ bản được khắc phục toàn bộ
Về tính chất, mức độ và vai trò của từng bị cáo, HĐXX nhận định bị cáo Tài là người chấp thuận cho Công ty Hoa Tháng Năm tham gia dự án; chấp thuận cho Công ty Lavenue được thanh lý nhà số 12 Lê Duẩn, không giao cho cơ quan chức năng thẩm định giá trị tài sản trên đất; chỉ đạo các bị cáo nguyên là cán bộ Sở TN-MT tham mưu áp dụng 2 hình thức giao đất, cho thuê đất trên cùng một dự án; là người trực tiếp ký các quyết định có ý nghĩa dẫn đến thất thoát tài sản cho nhà nước, nên phải chịu trách nhiệm chính với mức hình phạt cao hơn các bị cáo khác.
3 bị cáo thuộc Sở TN-MT tiếp nhận ý kiến chỉ đạo của ông Nguyễn Thành Tài, tham mưu đề xuất UBND TP.HCM cho Công ty Lavenue thuê đất 50 năm trả tiền hằng năm đối với lô đất 12 Lê Duẩn, đây là khâu cuối cùng trong chuỗi hành vi, quyết định hậu quả thiệt hại của vụ án, nên cũng cần có mức hình phạt tương xứng.
Bị cáo Thúy dù là đồng phạm nhưng chỉ là doanh nghiệp, không có thẩm quyền quyết định chủ trương, nên vai trò không thể tương đương với bị cáo Tài như nhận định của đại diện Viện KSND TP.HCM (giữ quyền công tố tại tòa) mà cần phân hóa hơn.
Đồng thời khi lượng hình, HĐXX cho 4 bị cáo nguyên cán bộ nhà nước được áp dụng tình tiết giảm nhẹ là thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải khi thừa nhận soạn thảo, đề xuất, ký văn bản để xảy ra thiệt hại; bản thân không được hưởng lợi cá nhân; gia đình các bị cáo đều có công với cách mạng, có thời gian dài làm việc, trải qua nhiều vị trí công tác nhưng chưa từng có sai phạm; được tặng thưởng nhiều huân huy chương, bằng khen, giấy khen vì có thành tích xuất sắc, đặc biệt xuất sắc trong công tác. Riêng bị cáo Tài từng tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1965 – 1975, hiện nay đã 68 tuổi và còn mẹ già 97 tuổi đang mắc nhiều chứng bệnh, trong đó có bệnh hiểm nghèo…
Đồng thời, HĐXX nhận định hậu quả vụ án cơ bản được khắc phục toàn bộ, do đó HĐXX đặc biệt giảm nhẹ hình phạt và áp dụng mức hình phạt dưới khung cho các bị cáo.
Vì sao thiệt hại từ hơn 1.927 tỉ đồng còn hơn 252 tỉ đồng?
Về thiệt hại trong vụ án, cáo trạng cho rằng hành vi phạm tội của các bị cáo gây thất thoát, lãng phí cho nhà nước hơn 1.927 tỉ đồng. Song, HĐXX xác định hành vi của các bị cáo gây thất thoát cho nhà nước hơn 252 tỉ đồng.
Theo HĐXX, tại thời điểm giao đất thực hiện dự án 8 – 12 Lê Duẩn, nếu việc lựa chọn nhà đầu tư và hình thức giao đất đúng quy định pháp luật, tức phải qua đấu giá và thực hiện giao đất cho thu tiền sử dụng đất, thì nhà nước sẽ thu được hơn 900 tỉ đồng. Đây là khoản tiền tương đương trị giá quyền sử dụng đất và tài sản trên đất theo kết luận của hội đồng định giá trong tố tụng hình sự. Nhưng với quyết định giao đất trái pháp luật của bị cáo Tài, nhà nước chỉ thu được hơn 647 tỉ đồng.
Như vậy, cần xác định thiệt hại thực tế là số tiền nhà nước thất thu tại thời điểm thực hiện hành vi phạm tội, tức ngày ban hành quyết định giao đất cho Công ty Lavenue, là hơn 252 tỉ đồng mới phù hợp với khoa học pháp lý và pháp luật hình sự. Do đó, HĐXX cũng chấp nhận quan điểm bào chữa của các luật sư, cần xác định thiệt hại tại thời điểm hành vi phạm tội của các bị cáo thực hiện.
5 bị cáo liên đới bồi thường hơn 4,7 tỉ đồng
Về trách nhiệm dân sự, HĐXX nhận định Công ty Lavenue không thuộc đối tượng được chỉ định giao đất thực hiện dự án tại khu 8 – 12 Lê Duẩn, nên HĐXX giao cho UBND TP.HCM thực hiện thu hồi, quản lý khu đất theo đúng quy định pháp luật. Công ty Lavenue có trách nhiệm nộp lại các bản chính các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và hợp đồng thuê đất đã được cấp.
Ngoài ra, từ việc các bị cáo chấp thuận cho Công ty Lavenue thanh lý nhà số 12 Lê Duẩn, không qua định giá, gây thiệt hại cho nhà nước 4,7 tỉ đồng; HĐXX xác định các bị cáo đều có lỗi để xảy ra thiệt hại trên nên cùng có nghĩa vụ liên đới bồi thường nhà nước hơn 4,7 tỉ đồng (mức bồi thường chia đều cho mỗi bị cáo).