Ông Nguyễn Đức Chung phủ nhận “dọn đường” cho công ty Nhật Cường trúng thầu
Cựu chủ tịch thành phố ba lần nói bị oan, khẳng định không trao đổi email với Tổng giám đốc Nhật Cường về các gói thầu, và luôn “làm đúng trách nhiệm”.
Chiều 27/12, trở lại phòng xét xử sau khi bị cách ly với sáu bị cáo còn lại, ông Nguyễn Đức Chung dành 27 phút phản đối lời khai trước đó của các thuộc cấp và cáo buộc của VKS.
Ông thừa nhận, một ngày trước khi đóng gói thầu số hóa hồ sơ doanh nghiệp có gọi 3 cuộc điện thoại cho bị cáo Nguyễn Văn Tứ (cựu giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư) yêu cầu đình chỉ gói thầu. Song ông cho rằng động cơ các cuộc gọi này không phải để “tạo điều kiện” cho Công ty Nhật Cường dự thầu, như cáo buộc của VKSND Hà Nội.
Cựu chủ tịch Hà Nội giải thích, trước đó, UBND Hà Nội nhiều lần có chủ trương dừng tất cả dự án về công nghệ thông tin để rà soát lại và hoàn thiện. Ông nhiều lần nhắc nhở, song người tiền nhiệm của ông Tứ chưa cho dừng. Do đó các gói thầu dang dở này, đến giai đoạn ông Tứ, vẫn được thưc hiện.
Mặt khác, các gói thầu tại Sở Kế hoạch và Đầu tư chưa được UBND thông qua, chưa được thẩm định bởi Sở Thông tin và Truyền thông. Vì thế, ông cho rằng việc yêu cầu đình chỉ gói thầu là “đúng thẩm quyền của Chủ tịch UBND thành phố”.
“10h sáng hôm mở thầu, qua trao đổi, ông Tứ nói có rất nhiều báo chí tham dự, sợ các nhà thầu kiện nên xin tận dụng lý do nào đó để dừng thầu, miễn là để họ không kiện rồi hoàn tất thủ tục sau. Tôi cũng tin anh ấy và bảo, nếu cần làm văn bản, về phía Ủy ban, tôi sẽ giao văn phòng làm. Sau đấy, ngày hôm đấy anh ấy lấy lý do gì để báo dừng thầu thì không báo cáo lại với tôi”, ông Chung quy trách nhiệm cho thuộc cấp.
Về Tổng giám đốc Nhật Cường Bùi Quang Huy (đang bỏ trốn), ông Chung khai có quen biết xã hội “song không thân thiết”. Các email Huy gửi nhờ can thiệp dừng thầu, kéo dài thời gian cho Nhật Cường gửi hồ sơ sau hạn chót, ông “có nhận được, nhưng không mở”. Hơn nữa, khi được bổ nhiệm làm chủ tịch UBND Hà Nội, ông không còn dùng địa chỉ email này.
Trước đó đầu phiên làm việc buổi chiều, là người đầu tiên trả lời, ông Tứ cho biết, đêm trước khi đóng thầu gói thầu số hóa hồ sơ doanh nghiệp đã nhận 2 cuộc gọi của ông Chung “yêu cầu quyết liệt phải dừng gói thầu”. Sáng hôm sau, Chủ tịch Hà Nội gọi tiếp cuộc thứ ba, nội dung vẫn tương tự, khi ông Tứ đang chủ trì cuộc họp tại Sở Kế hoạch Đầu tư, liên quan các gói thầu này.
“Tính cách ông Chung tôi cũng biết, đã chỉ đạo thì rất quyết liệt, quyết đoán”, cựu giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội nói.
Bị cáo Tứ phân trần, Sở chịu sự chỉ đạo của UBND thành phố, trực tiếp là ông Chung. Ngoài ra, chủ tịch thành phố còn là trưởng chỉ đạo thông tin của thành phố nên không còn cách nào khác, đã “buộc phải dừng”.
Ngay sau cuộc gọi chỉ đạo thứ ba của ông Chung, ông Tứ khai “ngay lập tức dừng cuộc họp giao ban”. Việc dừng thầu được “luật hoá” bằng thông báo gửi cho UBND để ý đã làm theo “yêu cầu của UBND, chứ không phải ý chí cá nhân tôi hay Sở”.
“Tôi nhận thức việc làm này của mình là không đúng nhưng nghĩ không gây hậu quả nghiêm trọng, không có nguy cơ gây thiệt hại. Nếu biết có thiệt hại như hôm nay, chúng tôi không bao giờ làm”, ông trình bày.
Trước cáo buộc qua việc dừng thầu đã “ủng hộ, tạo điều kiện cho Công ty Nhật Cường tham gia và trúng gói thầu số hoá năm 2016”, ông Tứ khai “không có bất cứ cuộc tiếp xúc nào dù trực tiếp hay gián tiếp với Tổng giám đốc Nhật Cường Bùi Quang Huy liên quan gói thầu”. Ông chỉ nhận 3 cuộc gọi chỉ đạo nêu trên từ bị cáo Chung.
Ông Tứ khai có nhận 300 triệu đồng và một chai rượu vang của Huy trong dịp Tết nguyên đán năm 2016, song không cho rằng đó là “phần trăm hoa hồng” cho vụ gian lận đấu thầu.
“Tôi nghĩ đó là truyền thống ngày Tết, cũng không biết bên trong có gì, về nhà mở ra mới biết. Ngay lúc chỉ đạo, tôi đã đã có ý thức về vấn đề nhạy cảm này”. Ông luôn dặn cấp dưới “phải nhớ doanh nghiệp này (công ty Nhật Cường) là của ai, phải hết sức cẩn thận”.
“Nhìn lại sự việc, tôi mới thấy Nhật Cường không tặng quà biếu vô tư”, cựu giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư khai.
Trong vụ án này, ông Tứ bị cáo buộc thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của ông Chung dừng gói thầu số hoá sai quy định. Ông sau đó đưa thêm yêu cầu cập nhật hệ thống dữ liệu dùng chung thành phố trong khi thành phố chưa có hệ thống dùng chung để sửa đổi hồ sơ mời thầu. Hành vi này bị cáo buộc “tạo lợi thế” cho liên danh Nhật Cường – Đông Kinh trúng thầu.
Cáo trạng xác định, từ năm 2016 đến 2018, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội làm chủ đầu tư thực hiện hai gói thầu số hóa hồ sơ đăng ký kinh doanh trên địa bàn thành phố, Sở Kế hoạch và Đầu tư làm chủ đầu tư, thẩm quyền quyết định thuộc về Giám đốc Sở.
Nội dung email trao đổi giữa ông Chung và Bùi Quang Huy xác định, do đã đến thời điểm đóng thầu, Nhật Cường không kịp gửi hồ sơ dự thầu nên Huy đề xuất ông Chung “lùi ngày đóng thầu thêm 2 tuần để có thời gian chuẩn bị” và giới thiệu một số công ty tham gia. Ông Chung với cương vị Chủ tịch UBND Hà Nội đã chỉ đạo đình chỉ, dừng thực hiện gói thầu.
VKS xác định hành vi của ông Chung “xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan Nhà nước”; làm ảnh hưởng uy tín, hình ảnh của cơ quan công quyền thuộc UBND Hà Nội.
Tham gia và bố trí “quân xanh, quân đỏ”, Nhật Cường nhanh chóng có được cả hai gói thầu nhưng đều bán lại cho Đông Kinh và hưởng lợi gần 20 tỷ đồng. Trong số này, Tổng giám đốc Nhật Cường dùng 9 tỷ đồng để biếu tặng và làm chi phí kinh doanh, 10 tỷ đồng chi cho hoạt động khác của công ty.
Sai phạm của các bị cáo gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 26 tỷ đồng. Đây là vụ án có tính chất đồng phạm, các bị cáo có vai trò tương đương nhau.
Chủ mưu vụ án được xác định là Bùi Quang Huy đang bỏ trốn.
Đây là vụ án thứ ba ông Nguyễn Đức Chung phải hầu tòa. Trước đó, ngày 11/12/2020, ông Chung bị phạt 5 năm tù về tội Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước. Ngày 13/12 vừa qua, cựu chủ tịch Hà Nội nhận bản án thứ 2, hình phạt 8 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Thanh Lam