Ông Nguyễn Đức Chung khai chuyện nhờ Bùi Quang Huy biếu quà cho một số VIP
Trả lời tại tòa, ông Nguyễn Đức Chung nói rằng, ông biết Bùi Quang Huy chơi với một số VIP nên có nhờ ông Huy chuyển quà cho một số người.
Sáng nay (28/12), phiên tòa xét xử cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung và đồng phạm liên quan đến vụ số hóa tiếp tục với phần thẩm vấn.
Trả lời thẩm vấn tại tòa, ông Nguyễn Đức Chung khai, quan hệ của bị cáo với ông chủ Nhật Cường Bùi Quang Huy chỉ là quan hệ xã hội. “Tôi chưa bao giờ đến nhà Huy ăn cơm, cũng chưa biết mặt bố mẹ Huy”, lời ông Chung.
Cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội thừa nhận biết Bùi Quang Huy có chơi với một số VIP, một số VIP này đã về hưu nên dịp Tết năm 2019, bị cáo nhờ ông chủ Nhật Cường chuyển quà tết cho một số người.
“Quà là thùng quả ô liu và chai rượu, tôi có nhờ Huy chuyển quà cho gần chục người, nhờ Huy đưa hộ thôi vì tôi quá bận”, lời bị cáo Nguyễn Đức Chung.
Theo cáo trạng, dù gói thầu số hóa năm 2016 do Sở KH&ĐT Hà Nội làm chủ đầu tư và người có thẩm quyền đối với gói thầu là Giám đốc Sở, nhưng bị cáo Nguyễn Đức Chung chỉ đạo đình chỉ, dừng thực hiện gói thầu số hóa năm 2016 trái quy định của pháp luật.
Sau khi dừng thầu, bị cáo đã yêu cầu Sở KH&ĐT Hà Nội lựa chọn công nghệ số hóa cơ sở dữ liệu doanh nghiệp đảm bảo tích hợp với hệ thống dùng chung của Thành phố, trong khi tới thời điểm hiện nay Hà Nội chưa hình thành cơ sở hệ thống dữ liệu dùng chung và cho Công ty Nhật Cường thí điểm số hóa để cho Công ty Nhật Cường tham gia đấu thầu và trúng thầu.
Đồng thời, Công ty Minh Hoa (do vợ ông Chung làm Giám đốc) ký kết hợp đồng kinh tế với Công ty Nhật Cường (có cơ sở xác định là hợp đồng khống) để liên danh Nhật Cường Đông Kinh hợp thức hóa hồ sơ năng lực để dự thầu và trúng thầu.
Theo lời khai của ông Nguyễn Đức Chung, bị cáo chỉ biết vợ mình ký kết hợp đồng với Công ty Nhật Cường khi vào thời điểm tháng 5/2019, khi có người đăng trên Facebook.
Cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội khai: “Bùi Quang Huy có làm cho vợ tôi phần mềm quản lý bán hàng. Cuối năm 2016, Công ty Minh Hoa yêu cầu thanh lý hợp đồng. Theo tôi hiểu, lúc đó vợ tôi mới biết Huy dùng hợp đồng này để dùng cho việc đấu thầu”.
Đối chất tại tòa, bị cáo Nguyễn Văn Tứ (nguyên Chánh Văn phòng Thành ủy Hà Nội, nguyên Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội) khai, ông Nguyễn Đức Chung gặp riêng bị cáo đề nghị để Công ty Nhật Cường làm gói thầu số hóa.
Trước lời khai này của ông Tứ, bị cáo Nguyễn Đức Chung trình bày: “Anh Tứ bịa đặt việc tôi gặp riêng anh Tứ đề nghị để Công ty Nhật Cường làm gói thầu… Tôi chỉ nói cứ tìm hiểu kỹ, những đơn vị nào có nhu cầu thì liên hệ với quận Long Biên (đơn vị đang làm thí điểmPV) hoặc liên hệ với Công ty Nhật Cường”.
Về email “[email protected]”, bị cáo Chung nói, địa chỉ này là do con và vợ mở cho nhưng rất ít sử dụng.
Ông Chung nói, ngoài địa chỉ email này còn có 1 địa chỉ email công vụ của TP Hà Nội cấp. Cựu Chủ tịch Hà Nội khai thêm, khi bắt đầu sang UBND TP, Sở TT-TT cấp cho một iPad (hiện luật sư và gia đình đã tìm được) và 1 sim kèm theo, email mới.
“Khi tôi là Giám đốc Công an Hà Nội thì card cũ là có mail “chunghinhsu” nhưng khi sang UBND TP tôi bỏ hẳn card đó và card mới chỉ có địa chỉ mail công vụ của TP. Tôi khẳng định, không bao giờ gửi điều hành cho ai qua email chunghinhsu”, bị cáo Chung nói thêm.
Thiệt hại của vụ án
Theo cáo trạng, thiệt hại của vụ án được xác định như sau: Tổng giá trị thanh quyết toán gói thầu số hóa năm 2016 là hơn 42 tỷ đồng, trừ đi hơn 24 tỷ đồng tiền chi phí hợp lý, hợp lệ. Số tiền còn lại là hơn 18 tỷ đồng bị xác định là thiệt hại.
Tổng giá trị thanh quyết toán gói thầu số hóa năm 2017 là hơn 16 tỷ đồng, trừ đi hơn 8,6 tỷ đồng tiền chi phí hợp lý, hợp lệ. Còn hơn 8,1 tỷ đồng là thiệt hại. Như vậy, tổng hậu quả thiệt hại của vụ án là hơn 26 tỷ đồng.
Trả lời thẩm vấn tại tòa, ông Nguyễn Đức Chung cho rằng, việc dừng gói thầu không gây thiệt hại gì cho Nhà nước, nhưng nếu mở thầu vào thời điểm đó sẽ gây thiệt hại.
Ngoài ra, việc Sở KH&ĐT cho doanh nghiệp vào làm thí điểm công nghệ mới miễn phí cũng không có gì vi phạm, và việc giới thiệu công nghệ mới trong mọi lĩnh vực ở Hà Nội diễn ra thường xuyên và không có gì trái pháp luật, không gây thiệt hại mà còn có lợi cho Nhà nước.
Về số tiền thiệt hại 18 tỷ đồng, bị cáo Tứ cho rằng, đây là khoản hưởng lợi bất chính của liên danh Nhật Cường – Đông Kinh. Số tiền này không mất đi.
Bị cáo Tứ nhiều lần thừa nhận có sai nhưng hành vi không gây hậu quả trực tiếp. “Việc lãnh đạo chỉ đạo dừng thầu, chúng tôi thực hiện không gây thiệt hại cho Nhà nước. Tôi vẫn khẳng định, hành vi của chúng tôi có thể không đúng quy định của pháp luật nhưng nó không có quan hệ nhân quả gì về thiệt hại như cáo trạng nêu”, ông Tứ khai.
Minh Ngọc