+
Aa
-
like
comment

Ông Nguyễn Đức Chung nói mình đang chữa ung thư, xin tòa giảm án

30/12/2021 17:36

Nói lời sau cùng trước tòa, ông Nguyễn Đức Chung cho biết đã 2 lần đi mổ ung thư. Thời gian gần đây, căn bệnh đang tái phát, mong tòa xem xét tạo điều kiện để có thời gian điều trị và mong sớm được trở về nhà đoàn tụ với gia đình.

Cựu chủ tịch Nguyễn Đức Chung nói lời sau cùng.

“Tôi ý thức rõ mình với cương vị chủ tịch UBND Hà Nội và trưởng ban chỉ đạo công nghệ thông tin, phải chịu trách nhiệm về cả điều tốt và những tồn tại, cụ thể là những sai phạm trong vụ án này”, ông Nguyễn Đức Chung nói trong chiều 30/12, ngày thứ tư của phiên toà xét xử vụ án can thiệp đấu thầu trái phép.

Cựu chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho biết đã hai lần mổ ung thư vào năm 2015 và năm 2016. Suốt những năm qua và hiện nay, bị cáo vẫn đang duy trì việc chữa bệnh. Gần đây, căn bệnh đang tái phát, do đó bị cáo mong HĐXX xem xét, tạo điều kiện để có thời gian điều trị.

Bị cáo Nguyễn Văn Tứ (cựu giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư) nhận sai lầm song khẳng định hoàn toàn không vụ lợi, “do chỉ đạo cấp trên, không còn giải pháp nào khác, không thể tiên liệu thiệt hại”. Bị cáo hy vọng qua câu chuyện của mình, cán bộ công quyền lấy đó làm bài học, khi đưa ra các quyết định liên quan lợi ích Nhà nước, cần “bình tĩnh, kiên định, bản lĩnh, chỉ thực hiện đúng pháp luật, số gắng vượt qua mọi áp lực”

Bị cáo Nguyễn Văn Tứ nói lời sau cùng.

Chiều cùng ngày, đại diện VKS Hà Nội cho biết ngoài số tiền đã tự nguyện trong giai đoạn điều tra, những ngày diễn ra phiên xét xử, ba bị cáo đã vận động gia đình nộp thêm tiền bồi thường.

Theo đó, cựu giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư được người nhà nộp thêm 1,5 tỷ đồng bồi thường dân sự, vì thế VKS đề nghị giảm án. Bị cáo Võ Việt Hùng (cựu giám đốc Công ty Đông Kinh) giao nộp 2,1 tỷ đồng (trước đó đã khắc phục 400 triệu đồng); cấp phó của Hùng là bị cáo Lê Duy Tuấn nộp 200 triệu đồng.

Công tố viên nhận định “đây là tình tiết giảm nhẹ mới”, đề nghị HĐXX cân nhắc giảm nhẹ hình phạt cho ba người này. Công tố viên cũng dùng chính nội dung này để phản bác lại quan điểm của các luật sư bào chữa trước đó, cho rằng “các bị cáo không có tội nên không phải liên đới bồi thường, hoặc bồi thường ít hơn.

“Nếu các bị cáo cho rằng không có trách nhiệm khắc phục hậu quả thì tự nguyện nộp tiền làm gì? Hơn nữa, ngay buổi xét hỏi đầu tiên, các bị cáo đã nhận tội. Nhưng luật sư lại yêu cầu tuyên thân chủ vô tội, điều này trái với ý chí của thân chủ. Các bị cáo xin HĐXX mức án ‘vừa nghiêm minh, vừa nhân văn’. Vậy là đã nhận thức và thừa nhận vi phạm”, công tố viên phân tích.

Đại diện VKSND Hà Nội thực hiện quyền công tố tại phiên xét xử. Ảnh: Nam Anh
Đại diện VKSND Hà Nội thực hiện quyền công tố tại phiên xét xử.

Quá trình tranh tụng hai ngày qua, luật sư Nguyễn Văn Tú, một trong bốn người bào chữa cho cựu chủ tịch Hà Nội, một lần nữa đề nghị HĐXX xem xét “vật chứng quan trọng” được ông giao nộp từ ngày làm việc đầu tiên – chiếc iPad của bị cáo Chung.

Luật sư Tú đề nghị HĐXX tiếp nhận chiếc iPad này và trưng cầu giám định của cơ quan điều tra về mốc thời gian, lịch sử cụ thể việc mở và dùng iPad. Việc này nhằm làm rõ, trong khoảng thời gian trước khi đóng thầu, ông Chung có thực sự dùng thiết bị để tiếp nhận email của Bùi Quang Huy (Tổng Giám đốc Công ty Nhật Cường, đang bỏ trốn) qua đó can thiệp dừng thầu trái quy định.

Yêu cầu của luật sư được HĐXX chấp thuận. Chiếc iPad được làm thủ tục niêm phong ngay tại toà. Phản hồi về vật chứng, ông Chung xác nhận đó là tài sản của mình song chỉ sử dụng trong năm 2016, “có thể không nhớ password”. Ông nói: “Lấy danh dự là một con người, không xem các email anh Huy gửi”.

Sáng nay, truyền đạt phản hồi của Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm công nghệ cao, HĐXX cho biết, theo chính sách bảo mật của Google, chỉ xem xét được lịch sử truy cập trong 28 ngày kể cả đăng nhập email nên không thể xác minh được lịch sử đăng nhập email trên. “Trường hợp có mật khẩu chiếc iPad cũng không có căn cứ ông Chung đã đọc email của Huy hay chưa”, chủ tọa nói.

Ngoài ra, ba luật sư của ông Chung đề nghị HĐXX triệu tập cơ quan giám định, và các nhân chứng, làm rõ cáo buộc ông Chung “dọn đường” cho công ty Nhật Cường hay không.

Với quy kết Công ty do vợ ông Chung làm giám đốc ký kết hợp đồng kinh tế khống với Công ty Nhật Cường để Liên danh Nhật Cường – Đông Kinh hợp thức hóa hồ sơ năng lực dự thầu và trúng thầu. Ông Chung cho rằng vợ ông là cá nhân độc lập, tự phải chịu trách nhiệm, nếu có vi phạm “không thể nào vợ làm chồng chịu”.

Cựu chủ tịch UBND Hà Nội, Nguyễn Đức Chung hầu toà trong vụ án thứ 3. Ảnh: TTX
Cựu chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung hầu toà trong vụ án thứ 3.

Cáo trạng xác định, từ năm 2016 đến 2018, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội làm chủ đầu tư thực hiện hai gói thầu số hóa hồ sơ đăng ký kinh doanh trên địa bàn thành phố, Sở Kế hoạch và Đầu tư làm chủ đầu tư, thẩm quyền quyết định thuộc Giám đốc Sở.

Nội dung email trao đổi giữa ông Chung và Bùi Quang Huy xác định, đến thời điểm đóng thầu, công ty này không kịp gửi hồ sơ dự thầu. Huy gửi email nhờ ông Chung can thiệp, lùi ngày đóng thầu thêm 2 tuần. Ông Chung với cương vị Chủ tịch UBND Hà Nội đã chỉ đạo đình chỉ, dừng thực hiện gói thầu.

Nhật Cường bố trí “quân xanh”, có được cả hai gói thầu, song sau đó đều bán lại cho Công ty Đông Kinh và hưởng lợi gần 20 tỷ đồng. Huy dùng 9 tỷ đồng để biếu tặng, 10 tỷ đồng chi cho hoạt động khác của công ty. Được xác định chủ mưu, song Tổng giám đốc Nhật Cường đang trốn truy nã.

Sai phạm của các bị cáo gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 26 tỷ đồng.

VKS đề nghị HĐXX tuyên bị cáo Chung 3-4 năm tù, các bị cáo còn lại 3-6 năm tù lần lượt về các tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Chiều mai, HĐXX tuyên án.

Đây là vụ án thứ ba ông Nguyễn Đức Chung phải hầu tòa. Trước đó, ngày 11/12/2020, ông Chung bị phạt 5 năm tù về tội Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước. Ngày 13/12 vừa qua, cựu chủ tịch Hà Nội nhận bản án thứ 2, hình phạt 8 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Hồng Anh 

Bài mới
Đọc nhiều