Ông Nguyễn Đức Chung chuẩn bị hầu tòa vào tuần tới
Tuần tới, cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội sẽ tiếp tục hầu tòa vì tội can thiệp đấu thầu trái phép giúp Nhật Cường trúng thầu, gây thiệt hại hơn 26 tỷ đồng.
Ngày 27/12, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Đức Chung (cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội) cùng 6 bị cáo khác trong vụ án vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Hà Nội và một số đơn vị liên quan.
Bị cáo Nguyễn Đức Chung bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo khoản 1 điều 281 Bộ luật Hình sự 1999. Đây là vụ án thứ 3 cựu Chủ tịch Hà Nội bị xét xử.
Các bị cáo khác bị đưa ra xét xử cùng bị cáo Chung gồm: Nguyễn Văn Tứ (Chánh Văn phòng Thành ủy Hà Nội), Phạm Thị Thu Hường (Chánh Văn phòng Sở KH&ĐT Hà Nội), Nguyễn Tiến Học (cựu Phó giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội), Phạm Thị Kim Tuyến (Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh, Sở KH&ĐT Hà Nội), Võ Việt Hùng (Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Đông Kinh), Lê Duy Tuấn (Giám đốc kinh doanh Công ty Đông Kinh). Cả 6 người bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, theo khoản 3 điều 222 Bộ luật Hình sự 2015.
Theo cáo trạng của VKS, trong thời gian từ năm 2016 đến cuối năm 2018, Sở KH&ĐT Hà Nội làm chủ đầu tư thực hiện 2 gói thầu số hóa hồ sơ đăng ký kinh doanh trên địa bàn TP Hà Nội.
Mặc dù gói thầu số hóa năm 2016 do Sở KH&ĐT Hà Nội làm chủ đầu tư và người có thẩm quyền đối với gói thầu là Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội, nhưng bị cáo Nguyễn Đức Chung là Chủ tịch UBND TP Hà Nội chỉ đạo đình chỉ, dừng thực hiện gói thầu số hóa năm 2016 trái quy định của pháp luật.
Sau khi dừng thầu, bị cáo Chung yêu cầu Sở KH&ĐT Hà Nội lựa chọn công nghệ số hóa cơ sở dữ liệu doanh nghiệp đảm bảo tích hợp với hệ thống dùng chung của thành phố trong khi tới thời điểm hiện nay thành phố chưa hình thành cơ sở hệ thống dữ liệu dùng chung. Cựu Chủ tịch Hà Nội chỉ đạo Sở KH&ĐT cho Công ty Nhật Cường thí điểm số hóa để công ty tham gia đấu thầu và trúng thầu.
Đồng thời, Công ty Minh Hoa (do vợ bị cáo Chung làm giám đốc) ký kết hợp đồng kinh tế với Công ty Nhật Cường (có cơ sở xác định là hợp đồng khống) để liên danh Nhật Cường – Đông Kinh hợp thức hóa hồ sơ năng lực để dự thầu và trúng thầu.
VKS xác định, hành vi của bị cáo Nguyễn Đức Chung xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan Nhà nước, làm ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của cơ quan công quyền thuộc UBND TP Hà Nội.
Trong quá trình thực hiện 2 gói thầu số hóa trên, Nguyễn Văn Tứ (Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội), Nguyễn Tiến Học (Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội), Phạm Thị Kim Tuyến (Trưởng phòng kinh doanh Sở KH&ĐT Hà Nội) và Phạm Thị Thu Hường (Chánh Văn phòng Sở KH&ĐT Hà Nội) đã can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu.
Cụ thể, những bị cáo này thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND Hà Nội dừng gói thầu số hóa năm 2016 trái quy định Luật đấu thầu; đưa thêm yêu cầu cập nhật công nghệ số hóa đã được thực hiện trong quá trình thí điểm (mặc dù kết quả thí điểm không đạt yêu cầu), đồng thời đưa thêm yêu cầu phải cập nhật hệ thống dữ liệu dùng chung thành phố trong khi thành phố chưa có hệ thống dùng chung để sửa đổi hồ sơ mời thầu.
Bị cáo Phạm Thị Kim Tuyến, Phạm Thị Thu Hường thống nhất với nhà thầu trong việc lập, điều chỉnh, bổ sung các nội dung, tiêu chí trong quá trình thí điểm vào hồ sơ mời thầu sửa đổi; lập hồ sơ mời thầu không đúng quy định nhằm tạo lợi thế cho Liên danh Nhật Cường – Đông Kinh tham gia, trúng thầu gói thầu hóa năm 2016.
Các bị cáo còn sử dụng hồ sơ mời thầu gói thầu năm 2016 mà Liên danh Nhật Cường – Đông Kinh đã trúng thầu và đang thực hiện hợp đồng để tiếp tục tổ chức đấu thầu, tạo thế cho Liên danh Nhật Cường – Đông Kinh tiếp tục trúng thầu gói thầu số hóa năm 2017; bỏ hạng mục công việc hiệu đính theo dự toán đơn giá đã được phê duyệt vào hồ sơ mời thầu và hợp đồng kinh tế nhưng khi thanh lý, quyết toán hợp đồng vẫn áp theo giá đã được phê duyệt.
Bùi Quang Huy, Võ Việt Hùng, Lê Duy Tuấn, Liên danh Nhật Cường – Đông Kinh đã gian lận trong việc lập khống hợp đồng chứng minh khả năng, kinh nghiệm để hợp thức hóa hồ sơ năng lực tham gia dự thầu, thiết lập các công ty làm “quân xanh” khi tham gia đấu thầu; sau khi trúng thầu chuyển nhượng thầu trái phép.
Bị cáo Nguyễn Văn Tứ, Nguyễn Tiến Học, Phạm Thị Kim Tuyến, Phạm Thị Thu Hường lợi dụng chức vụ, quyền hạn để can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động đấu thầu. Bùi Quang Huy, Võ Việt Hùng, Lê Duy Tuấn là gian lận, thông thầu và chuyển nhượng thầu trái phép, thuộc các hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại Điều 89 Luật đấu thầu.
Hành vi vi phạm các quy định về đấu thầu của các bị cáo nêu trên làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, dẫn đến hiệu quả, mục đích, yêu cầu gói thầu không đạt được, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 26,5 tỷ đồng.
Trong đó, bị cáo Nguyễn Văn Tứ, Nguyễn Tiến Học phải chịu trách nhiệm đối với các sai phạm trong việc thực hiện gói thầu số hóa năm 2016, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 18 tỷ đồng. Còn bị cáo Phạm Thị Kim Tuyến, Phạm Thị Thu Hường, Bùi Quang Huy, Võ Việt Hùng, Lê Duy Tuấn phải chịu trách nhiệm đối với các sai phạm trong việc thực hiện 2 gói thầu, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 26,5 tỷ đồng.
Đây là vụ án có tính chất đồng phạm, các bị can đều là người trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội nên có vai trò tương đương nhau. Tuy nhiên, xét hành vi của nhóm bị can thuộc Liên danh Nhật Cường – Đông Kinh thì bị can Bùi Quang Huy là người khởi xướng, chủ mưu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm nên có vai trò chính trong vụ án.
Hiện, bị can Bùi Quang Huy đang bỏ trốn, cơ quan CSĐT ra quyết định truy nã, quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án đối với bị can, quyết định tạm đình chỉ điều tra bị can, khi nào bắt được sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.
Minh Chuyên