Ông Ngô Nhật Phương hứa thưởng 100 tỷ đồng cho ai chỉ ra bằng chứng làm ăn với VN Pharma
Trở về sau sự xuất hiện gây nhiều chú ý tại phiên tòa xét xử sơ thẩm lần 2 vụ án mua bán thuốc ung thư giả tại Công ty VN Pharma trong tư cách của người có quyền và nghĩa vụ liên quan, doanh nhân Ngô Nhật Phương đã đặt lịch làm việc với báo VietTimes.
Cuộc hẹn được đặt lúc 2h chiều nhưng ông Phương đã đến sớm hơn. Trong công văn gửi tới VietTimes, trên tư cách Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dược phẩm Trung ương 1 – Pharbaco (Pharbaco), ông Phương cho biết Pharbaco đánh giá cao tính xung kích trong các bài viết của VietTimes và hoan nghênh việc thông tin của VietTimes tới bạn đọc.
Tuy nhiên, ông chủ Pharbaco cũng cho rằng một số thông tin trong chuỗi bài viết của VietTimes là chưa đầy đủ. Và đó chính là lý do ông xuất hiện tại tòa soạn, với mục đích chính là để cung cấp thêm các nội dung cần thiết và chính thống.
Là người dạn dĩ thương trường và trải qua không ít biến cố, ông Ngô Nhật Phương tỏ ra thẳng thắn và hầu như không né tránh vấn đề gì. Cách trao đổi cũng toát lên chất hào sảng, trực ngôn và nhiều lúc bạo nói đến mức làm chúng tôi bất ngờ.
“Tôi là Phương, mọi người gọi tôi là Phương “nông dân”, tôi không có bằng cấp gì”, doanh nhân sinh năm 1961 tại Lương Tài, Bắc Ninh tự giới thiệu. Khiêm tốn là vậy, nhưng thực tế tìm hiểu cho thấy, ông Phương có một sự nghiệp kinh doanh khá đồ sộ, với đa lĩnh vực và trải rộng trên đa quốc gia.
“Tôi là người kinh doanh. Tôi khẳng định rằng bất cứ ai bất cứ lĩnh vực gì, khi tôi vào, tôi cũng rất tâm huyết. Không chỉ ở Việt Nam mà tất cả các nơi trên thế giới. Tôi dám khẳng định một câu như thế, từ lĩnh vực xăng dầu, rượu, bia, thuốc lá, đất đai, khai thác rừng, casino, cao su, ve chai…”; “Nhà tôi có đông anh em, tôi hỗ trợ mỗi người phát triển một thương hiệu và rồi họ tự sống, tự làm”.
Được đồn đoán là một “ông trùm” đầy quyền lực trong ngành dược Việt song ông Ngô Nhật Phương khẳng định, dấu ấn của bản thân trên thị trường dược phẩm Việt Nam mới chỉ bắt đầu và cũng đang chỉ dừng lại ở thương vụ đầu tư vào Pharbaco.
Ông chủ Pharbaco cho biết, bản thân vướng nhiều tin đồn khi vào ngành dược, có cả chồng dày đơn kiện, tố cáo Ngô Nhật Phương được gửi đến các cấp có thẩm quyền – cả những cấp cao nhất.
“Nó dựng lên y như thật. Cuối cùng tôi rất mệt mỏi, bao nhiêu đoàn kiểm tra. Nó còn bảo tôi quan hệ với lãnh đạo Bộ, làm sân sau, sân trước.” – ông Phương nói – “Tôi chưa đến một công ty nào khác trong ngành dược Việt Nam. Thứ nhất là tôi không có thời gian. Thứ hai là tôi hoạt động chỗ khác. Còn tổ hợp nhà máy Pharbaco mà tôi đang đầu tư, là bây giờ bắt đầu về già, tôi muốn xây dựng một tổ hợp hoàn chỉnh để cho con cháu mình, để cho mọi người hiểu rằng đất nước Việt Nam là hoàn toàn có thể giàu có, làm dược và sản xuất dược một cách quy mô, đàng hoàng”.
Cũng nên biết, rằng Ngô Nhật Phương không phải là một “tay mơ” trong lĩnh vực dược. Ngược lại, chồng ca sỹ Trang Nhung còn sở hữu cả một đế chế kinh doanh dược phẩm đồ sộ nhiều thành tựu ở một loạt các quốc gia, từ Campuchia, Lào, Myanmar cho tới Nga, Belarus, Moldova.
Theo ông Phương ngành dược Việt Nam là ngành kinh tế duy nhất không có sự đầu tư của nhà nước (chính xác hơn là gần đây với chủ trương cổ phần hóa, Nhà nước đã thoái vốn khỏi hầu hết các doanh nghiệp dược). Dù các doanh nghiệp dược Việt Nam đã có sự nỗ lực nhưng theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ngành dược Việt Nam vẫn được xếp hạng thấp bậc nhất thế giới.
“18 visa thuốc của nước ngoài đem lại lợi nhuận cao hơn hơn 29.000 visa thuốc của gần 200 doanh nghiệp trong nước. Cả nước chỉ có vỏn vẹn 5 nhà máy đạt tiêu chuẩn EU và 1 nhà máy đạt tiêu chuẩn của Nhật”, ông Ngô Nhật Phương nhận định và cho hay đó chính là một trong các lý do chính thúc đẩy bản thân rót 2.000 tỷ đồng vào Pharbaco để xây dựng một nhà máy sản xuất thuốc hiện đại bậc nhất thế giới.
” Đến phiên tòa VN Pharma làm gì?
Thưa ông Ngô Nhật Phương, sự xuất hiện của ông tại phiêu tòa VN Pharma được rất nhiều người quan tâm và không ít đồn đoán rằng ông có liên quan tới câu chuyện xảy ra tại VN Pharma. Vậy ông có thể cho biết thêm về vấn đề này?
Không ai là người tự nhiên xuất hiện ở tòa và cũng không ai thích làm việc với cơ quan chức năng vì nó rất là mệt mỏi. Nhưng tôi xuất hiện vì tòa triệu tập với tư cách là người có nghĩa vụ và quyền lợi liên quan. Tòa có hỏi về việc nhân viên của tôi đi cùng một số cá nhân người Ấn Độ lên trên tòa nộp các hồ sơ về những lô hàng (của VN Pharma) nhưng các văn bản ghi là Hiệp hội dược Ấn Độ.
Tôi đã trả lời rất rõ, rằng ông Burman (Subbata Kumar Burman – thành viên cao cấp của Hiệp hội Dược Ấn Độ), một số anh em và tôi là người buôn bán dược. Tôi mua rất nhiều hàng dược của Ấn Độ, cụ thể là mua hàng của Mylan, Intas và một vài công ty nữa để nhập khẩu và đang phân phối cùng với công ty Angkor, Mekong và Đông Dương, Sông Đông ở Campuchia, Lào, Myanmar, Nga, Belarus, Moldova.
Khi tôi cho biết phiên tòa xét xử vụ VN Pharma thì ông Burman tỏ ra rất quan tâm. Bởi trong lĩnh vực dược, chỉ cần một quốc gia công bố là nước này, nước kia sản xuất hàng giả thì nó sẽ ảnh hưởng đến uy tín của toàn bộ ngành.
Vì vậy, khi nhận được thông tin, Cục quản lý dược Ấn Độ, Hiệp hội dược Ấn Độ và các cơ quan chức năng đã tổ chức rà soát và kiểm tra công ty sản xuất các mặt hàng này, bán về Việt Nam là công ty Affy Parenterals.
Họ thừa nhận rằng có bán các lô hàng này và cũng trình ra các hợp đồng. Họ kể lại rằng có một số cá nhân (trong đó có 2 người Việt Nam) đến đặt hàng của công ty với điều kiện là nhờ đóng bao bì, đóng tem nhãn và sản xuất mang tên hàng của công ty Helix Canada. Song, công ty Affy Parenterals không đồng ý.
Bên phía Ấn Độ muốn cung cấp hồ sơ này cho cơ quan công an của Việt Nam. Tuy nhiên, lúc này tôi không có mặt ở Sài Gòn, nên mới nhờ 2 nhân viên của tôi hỗ trợ những người này đưa lên cơ quan công an, rồi sau đó được hướng dẫn chuyển hồ sơ sang tòa.
Khi vụ án được tòa trả lại hồ sơ, yêu cầu cơ quan an ninh điều tra lại thì người ta mới gọi tôi. Họ gọi 7 lần thì tôi lên 5 lần. Sau đó mọi việc tưởng đã xong, thì đến đầu tháng 2/2019, bên cơ quan điều tra họ lại gọi cho tôi và nhờ lấy hộ một bộ hồ sơ hợp pháp hóa lãnh sự.
Tôi đã nhờ ông Burman lấy cho 1 bộ, sao y bản chính. Tôi có giữ lại mấy bộ và chuyển lại cho cơ quan điều tra mấy bộ. Đến ngày xét xử, tòa tiếp tục triệu tập tôi. Khi tòa hỏi tôi về bộ hồ sơ đó thì có thế nào tôi nói thế, những việc khác tôi không quan tâm.
Những ai làm sai thì phải bị trừng trị là điều đương nhiên.
Thưởng 100 tỷ đồng cho ai chỉ ra bằng chứng làm ăn với VN Pharma
Đâu đó vẫn có sự đồn đoán rằng ông có sự liên quan với VN Pharma?
Với danh dự của một con người, tôi khẳng định rằng tôi không quan hệ làm ăn với VN Pharma hay quen biết làm ăn gì với các bị cáo Nguyễn Minh Hùng và Võ Mạnh Cường.
Tôi có từng biết Phạm Anh Kiệt nhưng là khi Kiệt mở chi nhánh ở Campuchia, chứ không phải ở Việt Nam. Và ông Kiệt là biết với tư cách là giám đốc của Dược phẩm Sài Gòn. Ông Phạm Văn Thông (dược sĩ) cũng từng làm cho tôi. Vợ của bị cáo Ngô Anh Quốc nhân viên của tôi, khi xảy ra vụ việc bà ấy cũng gọi cho tôi khóc, nhờ tôi giúp.
Còn quan hệ của Pharbaco và VN Pharma là quan hệ trước khi tôi mua cổ phần. Mối quan hệ này đã làm Pharbaco sống dở chết dở vì những đơn hàng gia công từ năm 2014 trở về trước.
Thấy tôi xuất hiện ở tòa, rồi trước đó, có người đồn đoán tôi đứng sau VN Pharma nhưng tôi khẳng định lại, tôi không có liên quan gì cả. Tôi kinh doanh tử tế và tôi cũng không thiếu tiền để làm như thế, lương tâm tôi cũng không cho phép tôi làm thế.
Nếu ai hay cơ quan chức năng tìm thấy một bằng chứng gì về quan hệ của tôi với VN Pharma, tôi sẵn sàng thưởng 100 tỷ đồng.
Xin lỗi ông Phương, ông có sẵn sàng nếu tôi đưa chi tiết này lên báo?
Tôi dám nói tức là tôi không ngại. Nhưng liệu đưa thế liệu có bị “sến” quá không (?!).
Nhưng thôi, anh cứ đưa đi. Tôi khẳng định là nếu ai tìm thấy bằng chứng tôi có quan hệ làm ăn gì với VN Pharma, với Nguyễn Minh Hùng hay Võ Mạnh Cường, tôi sẵn sàng thưởng 100 tỷ. Nếu cần thì hợp đồng luôn, công chứng luôn!
Kể cả việc tôi đầu tư vào Pharbaco. Nếu ai chỉ ra được bằng chứng là tôi hay Pharbaco từ khi tôi vào được Bộ Y tế, hay quan chức nào ưu ái cho trục lợi, tôi cũng thưởng 100 tỷ đồng.
Ông vừa nói ông có kinh doanh dược ở Lào Campuchia, Myanmar, Belarus, Nga, Moldova. Vậy thì lâu nay ông có kinh doanh dược Việt Nam?
Thứ nhất là tôi có đầu tư dược ở Việt Nam và đang xây nhà máy. Cụ thể là trước kia, anh em chúng tôi có mua cổ phần của Pharbaco.
Tình trạng công ty lúc đó chỉ còn cái tiếng mà thôi, các dây chuyền của Ấn Độ và Trung Quốc đã cũ kỹ lâu lắm rồi, không thể cạnh tranh được. Chúng tôi quyết định chung tay xây dựng nhà máy mới. Cho đến khi nhà máy này dự kiến hoàn thành khoảng 2 năm sau thì toàn bộ những gì cũ của Pharbaco sẽ bỏ.
Hiện tại, Pharbaco không đấu thầu mà chỉ làm gia công cho các đơn vị, ai đặt hàng để mua thì tự họ mang tiền đi kinh doanh đấu thầu (liên danh).
Pharbaco có gì?
Ông nói thực ra Pharbaco không có lợi thế so sánh, lợi thế kinh doanh trên thị trường, vậy tại sao ông không lập một pháp nhân hoàn toàn mới? Ví dụ phát triển trên hệ thống Appollo, hay Saigon Pharma?
Thứ nhất, bản thân tôi trước khi kinh doanh ngành dược, đã quen làm thương mại, không quen đầu tư sản xuất. Vì các gốc của tôi không phải từ ngành dược.
Nếu thành lập doanh nghiệp mới, thứ nhất là không thể tuyển được người. Cái quý nhất của Pharbaco là con người và chữ Dược phẩm trung ương 1, còn cơ sở vật chất coi như không có gì.
Máy móc của Pharbaco đã cũ lắm rồi, mười mấy năm rồi, hư hỏng liên tục. Tháng nào cũng chi khoảng 3 tỷ đồng để sửa, từ hệ thống nước, đường điện, hệ thống vệ sinh, hệ thống hơi, hệ thống khí, rồi cả nhà cửa. Đất cũng thuê của Nhà nước theo Quyết định 32 của thành phố, giá thương mại rất cao.
Đội ngũ cán bộ công nhân viên cũng có những hạn chế, không phù hợp với nền kinh tế thị trường nhưng về nguyên tắc trong hợp đồng bắt buộc là không được sa thải, thì mình cố gắng mở thêm dịch vụ, ví dụ như: tiêm vắc xin, bệnh viện dịch vụ, làm đông dược, trồng cây nguyên liệu, sản xuất bao bì.
Theo như ông nói thì Pharbaco cũng có giá trị, thứ nhất là về tài nguyên nhân lực và thứ hai là về thương hiệu. Khi ông (thông qua công ty Appollo) vào Pharbaco với vai trò là nhà đầu tư chiến lược thì khi đó người ta có yêu cầu nhà đầu tư chiến lược là một trong những doanh nghiệp mạnh và có ưu thế, hiểu biết trong ngành để có thể phát triển doanh nghiệp?
Thứ nhất, việc tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược vào thì phải dựa vào quy định của pháp luật và cụ thể là quy định của Ủy ban Chứng khoán (vì Pharbaco là công ty đại chúng). Thứ hai là Nghị định của Chính phủ về vấn đề này. Thứ ba là năng lực tài chính và cam kết của nhà đầu tư.
Khi chúng tôi mua cổ phần Pharbaco thì phải cam kết và đảm bảo không được sa thải gần 1.000 cán bộ công nhân viên của công ty, trong đó có 200 người là cán bộ kỹ thuật có trình độ. Thứ hai là phải đảm bảo tăng lương ít nhất 30%. Tiếp đến, cổ phiếu khi có lãi phải được chuyển đổi. Và không được bán cổ phần, cam kết nắm giữ trong vòng 5 năm và đủ năng lực tài chính để phát triển công ty đi lên.
Toàn bộ tiền đầu tư để mua cổ phần Pharbaco là của tôi và một số người khác. Đầu tiên tôi bỏ tiền cho người khác mua nhưng họ làm không được nên tôi mới tham gia. Tôi đã quyết định “phá đi xây mới”, để phát triển Pharbaco sang ngành khác nhằm đạt được doanh số và lợi nhuận.
Gần 200 doanh nghiệp Việt Nam hoạt động thuần túy trong ngành dược cũng rất khó khăn, nếu có báo lãi thì chỉ có kinh doanh thêm lĩnh vực khác. Còn lại những doanh nghiệp có lãi là những doanh nghiệp nước ngoài hoặc có “chân” nước ngoài (họ có giấy phép nhập khẩu thuốc vào Việt Nam – “visa”).
Theo con số thống kê của tôi và của bảo hiểm, 18 visa của doanh nghiệp nước ngoài lợi nhuận cao hơn hơn 29.000 visa của gần 200 doanh nghiệp trong nước.
Sẵn sàng bán lỗ Pharbaco 200 tỷ đồng
Khi Pharbaco tăng vốn từ 73,5 tỷ lên mức 180 tỷ đồng, pha loãng tỷ lệ sở hữu của Nhà nước, trong khi Appollo trở thành doanh nghiệp nắm quyền chi phối. Ông có chia sẻ gì?
Trước khi tăng vốn, Pharbaco đang trong tình trạng “hấp hối” và đã trải qua 11 năm vật vã để thoát ra khỏi cảnh nợ nần. Khi phát hành cổ phiếu đầu tiên không ai mua cả, tổng công ty phải mua lại.
Sau đó hơn 1 năm, Pharbaco tiếp tục chào mời. Đã có 14 đối tác trong và ngoài nước đến tìm hiểu nhưng cuối cùng đều ra đi. Các doanh nghiệp khác khi cổ phần hóa có nhiều lợi thế, ví dụ như lợi thế về đất đai, về vật chất, về tiền bạc, nhưng Pharbaco còn “chìm” trong nợ thì ai người ta vào. Nếu như Pharbaco có “màu” thì những người ở tổng công ty và các đại gia khác người ta lao vào hết, không ai vào những chỗ như tôi cả.
Nhưng chúng tôi nhận thấy công ty có tài sản giá trị nhất là thương hiệu “Dược phẩm trung ương 1” và gần 200 con người là cán bộ nhân viên ở đó – những người có chuyên môn có trình độ. Bây giờ chỉ cần đầu tư máy móc, thiết bị chuyển giao công nghệ là họ có thể vận hành.
Tôi khẳng định rằng với bất cứ ai bất cứ lĩnh vực gì, tôi đều dành nhiều tâm huyết, không chỉ ở Việt Nam mà tất cả các nơi trên thế giới, từ lĩnh vực xăng dầu, rượu, bia, thuốc lá, đất đai khai thác rừng, đến casino, cao su.
Tại Pharbaco, một mình tôi quyết định toàn bộ. Với quan điểm phải chấp nhận hợp tác với nước ngoài, tôi đưa ra 3 phương án: (1) gia công để xuất khẩu; (2) gia công để cho đối tác nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam và (3) thỏa thuận gia công nhưng chia lại 30% sản phẩm để kinh doanh trong nước.
Trong giai đoạn Pharbaco tạm thời lỗ thì lấy tiền casino, thuốc lá, lấy tiền xăng dầu đưa vào.
Vậy còn đợt Pharbaco tăng vốn thêm 220 tỷ đồng thì sao?
Số tiền huy động từ đợt tăng vốn trước đã dùng để trả nợ hết nhưng Pharbaco vẫn còn nợ mấy trăm tỷ nữa. Vấn đề đặt ra là “doanh nghiệp lấy gì để kinh doanh (!?).
Trong số 220 tỷ đồng, Pharbaco dành 100 tỷ đồng để trả nợ và 120 tỷ đồng để sửa chữa máy móc, nhà cửa, cơ sở vật chất, hệ thống hơi, hệ thống khí,…
Song số tiền sửa chữa đó không mang lại nhiều kết quả, “cứ sửa chỗ này nó lại hỏng chỗ kia”. Chúng tôi không còn cách nào khác là phải đưa ra phương án mới, đầu tư nhà máy mới và phá bỏ nhà máy cũ.
Có nhiều phương án huy động vốn, ví dụ như bổ sung vốn góp chủ sở hữu hoặc huy động bằng khoản vay với tài sản thế chấp là tài sản hình thành trong tương lai khi mình có một dự án khả thi. Vậy tại sao Pharbaco lại lựa chọn tăng vốn thông qua phát hành riêng lẻ?
Thứ nhất, khi công ty đang trong tình trạng chết thì chẳng ai người ta tin khả thi nữa, giờ đang nợ nần thì chẳng ai cho vay cả. Cho nên phải bằng cách tự lực cánh sinh. Phương án chúng tôi đưa ra dựa trên cơ sở giải quyết được 3 tiêu chí: (1) giải quyết công ăn việc làm; (2) trả được nợ, và (3) duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh một cách bền vững và lâu dài.
Tôi đã giao yêu cầu cho tất cả ban dự án và các chuyên gia nước ngoài là phải hoàn tất nhà máy mới trong vòng 3,5 năm.
Ông từng có ý định thoái vốn khỏi Pharbaco (chịu lỗ) vào năm 2017 nhưng thực tế không diễn ra như vậy?
Đầu tiên, tôi muốn bán cho một đối tác nước ngoài, cùng một số cá nhân khác và chấp nhận chịu lỗ 140 tỷ đồng là khoản tiền đã bỏ vào sửa chữa nhà máy của Pharbaco. Sau khi ký hợp đồng, đối tác đã đưa trước 50 tỷ đồng và cam kết trong vòng 3 tháng sẽ thanh toán nốt số còn lại.
Sau khi tôi rút được một thời gian thì Pharbaco gặp nhiều khó khăn, doanh nghiệp phải ngừng sản xuất, chi phí rất tốn kém. Trong đó phát sinh thêm khoản chi phí 53 tỷ và 71 tỷ từ thời cổ phần hóa là tiền thuê đất của Nhà nước và bên cơ quan nhà nước yêu cầu giải quyết. Cuối cùng thì tôi phải lấy lại cổ phần.
Kể cả bây giờ, anh có thể viết rõ, rằng ai hoặc nhà đầu tư nào muốn vào Pharbaco, tôi sẵn sàng chịu lỗ 200 tỷ đồng chỉ cần tính trên số tiền tôi đã bỏ vào. Tôi sẽ thoái vốn và chịu lỗ, nếu có cá nhân, tổ chức nào có nhu cầu nhận chuyển nhượng.
Định hướng phát triển của ông đối với Pharbaco như thế nào?
Tôi muốn làm những cái gì mà người ta không làm được. Cụ thể, tôi muốn xây dựng một tổ hợp hoàn chỉnh, gồm 8 dây chuyền, toàn bộ theo công nghệ Mỹ, công nghệ 4.0.
Theo hợp đồng của tôi với người ta là 60% xuất khẩu và 40% trong nước (Pharbaco bán một nửa, đối tác ngoại bán một nửa). Hiện, khoản đầu tư của tôi vào việc mua đất và xây nhà máy mới đã lên tới gần 2.000 tỷ đồng.
Ngoài Pharbaco, thì ông có kinh doanh thương mại trong lĩnh vực dược của Việt Nam, hoặc visa để đưa một loại thuốc nào vào lưu hành ở Việt Nam?
Nhóm tôi hiện có 18 visa thuốc ở Việt Nam nhưng doanh số cũng rất hạn chế, chỉ khoảng vài chục tỷ đồng. Còn trên quốc tế, ở các nước, tôi có tổng cộng 167 visa thuốc và đó đều là những hãng dược uy tín.
Nói nghe ngược đời nhưng ở Việt Nam, những gì tôi đang làm chỉ là gia công, duy trì sự sống và tạo công ăn việc làm cho cán bộ, nhân viên tại Pharbaco.
Tiếp nữa là tôi muốn đầu tư vào lĩnh vực sản xuất dược phẩm với Pharbaco. Nhưng những gì đang đầu tư đầu tư phải đến năm 2021 mới xong. Tôi đã đầu tư cả nghìn tỷ đồng cho nhà máy. Năm nay tôi sẽ đầu tư 6 dây chuyền và năm sau sẽ làm tiếp 4 dây chuyền.
Tôi muốn xây dựng một tổ hợp hoàn chỉnh để cho con cháu mình, để cho mọi người hiểu rằng đất nước Việt Nam là hoàn toàn có thể giàu có, làm dược và sản xuất dược một cách quy mô, đàng hoàng.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
(Theo Viettimes)