+
Aa
-
like
comment

“Ông lớn” xe công nghệ Grab bắt đầu lộ dần chiến lược tận thu

07/12/2020 16:54

Khi thị phần đã ổn định, việc “rắc thính” không còn trở nên cần thiết thì “ông lớn” xe công nghệ bắt đầu lộ dần chiến lược tận thu. Chiến lược này bắt đầu từ việc tăng giá cước. Đây là nhận định của nhiều tài xế xe công nghệ cũng như các chuyên gia giao thông về việc nhiều hãng xe công nghệ mà tiêu biểu nhất là Grab chính thức tăng giá cước.

Tăng cước đột ngột

Đầu tháng 12/2020, Grab bất ngờ phát đi thông báo sẽ tăng giá cước tối thiểu từ ngày 5/12. Trong đó, tại Hà Nội giá cước tối thiểu của Grab tăng thêm 2.000 đồng, từ 25.000 đồng lên 27.000 đồng cho 2km đầu và tăng thêm 1.000 đồng (từ 8.500 đồng lên 9.500 đồng cho mỗi km tiếp theo). Tương tự GrabCar 7 chỗ áp dụng mức tăng từ 30.000 đồng lên 32.000 đồng cho 2km đầu tiên và từ 10.000 đồng lên 11.000 đồng cho mỗi km tiếp theo. Tại các tỉnh, thành phía nam như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, giá cước tối thiểu của GrabCar tăng từ 25.000 đồng lên 27.000 đồng cho 2km đầu tiên và tăng thêm 500 đồng cho mỗi km tiếp theo. Giá các dịch vụ GrabBike, GrabFood, GrabExpress cũng được điều chỉnh tăng.

Grab vừa tăng tỷ lệ khấu trừ với tài xế, vừa tăng giá cước vận tải (ảnh minh họa)

Theo lý giải của đại diện Grab, sở dĩ DN này đưa ra điều chỉnh giá cước như trên là do ảnh hưởng bởi Nghị định 126/2020/NĐ-CP hướng dẫn thực hiện Luật Quản lý thuế chính thức có hiệu lực từ ngày 5/12/2020. Cụ thể, theo Nghị định 126, cách tính thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với dịch vụ gọi xe công nghệ như Grab sẽ thay đổi. Giá một cuốc xe đặt qua ứng dụng gọi xe sẽ phải tính thuế VAT 10% tương tự taxi truyền thống. Thay vì tách riêng tài xế đóng 3% thuế VAT trên doanh thu thực nhận và DN đóng 10% thuế VAT trên phần chiết khấu như trước, DN (Grab, Go-Jek…) sẽ có trách nhiệm kê khai và nộp 10% thuế VAT trên tổng doanh thu mà khách hàng thanh toán. Đây là phần thuế mà người dùng phải trả và DN chỉ là bên nộp hộ.

Grab cho biết với GrabBike, nền tảng đặt xe này tiến hành kê khai thuế VAT trên toàn bộ doanh thu hợp tác bằng cách khấu trừ ngay nghĩa vụ thuế VAT (thuế suất 10% hoặc theo hướng dẫn khác của cơ quan thuế tùy thời điểm) cho toàn bộ cuốc xe vận tải trước khi phân chia doanh thu theo hợp đồng cho tài xế với tỷ lệ 80%. Không chỉ GrabBike, mức khấu trừ của Grab đối với tài xế GrabCar trên mỗi chuyến xe tăng từ 23,6% lên 28,364% đối với tài xế chịu phí sử dụng ứng dụng 20%, và tăng từ 28,375% lên 32,841% đối với tài xế chịu phí sử dụng ứng dụng 25%. Như vậy từ 5/12, Grab tiến hành khấu trừ thuế VAT 10%, thuế thu nhập cá nhân 1,5% và phí sử dụng ứng dụng (20% hoặc 25%, không thay đổi) trên mỗi chuyến xe GrabCar.

Tài xế và hành khách kêu trời

Việc điều chỉnh tăng giá cước mà Grab đưa ra ngay lập tức vấp phải làn sóng phản ứng dữ dội của người tiêu dùng và các tài xế. Anh Hoàng Tiến Nam (SN 1980, trú tại phường Văn Quán, quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết, với cách tính giá mới mà Grab đưa ra, những người tiêu dùng như anh sẽ phải chịu thiệt đầu tiên. “Tôi là khách hàng thường xuyên của Grab. Ban đầu tôi lựa chọn dịch vụ của Grab đơn giản vì 2 tiêu chí: Tiện hơn và rẻ hơn xe ôm truyền thống. Nhưng với cách tính giá mới này, mọi cái hơn của Grab trước đây đã gần như không còn” – anh Nam nói. Theo tính toán của anh Nam, trước đây, mỗi lần đặt xe từ Văn Quán lên khu vực Hồ Gươm, nơi anh làm việc, chi phí khoảng 39.200 đồng. Bây giờ cùng một quãng đường như trên anh sẽ phải trả 44.000 đồng. Nếu quãng đường dài hơn, số tiền phải trả đội lên sẽ nhiều hơn. “Phải trả thêm vài ngàn đồng với tôi không quá quan trọng nhưng tôi thấy cách làm của Grab là không thống nhất. Chúng tôi có cảm giác ban đầu họ “rắc thính” bằng giá rẻ để câu khách. Khi đã có thị trường ổn định, họ bắt đầu tìm cách tận thu từ chính những người ủng hộ họ từ đầu” – anh Nam bức xúc.

Không chỉ người tiêu dùng mà chính những tài xế Grab cũng tỏ ra rất bức xúc với việc tăng giá mà hãng xe công nghệ này đưa ra. Anh Trần Văn Chiến (SN 1988, trú tại phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm) cho biết, chính sách tăng phí mới sẽ có tác động kép đến những tài xế. “Thiệt hại mà chúng tôi phải chịu không chỉ là tiền công cho mỗi cuốc xe bị giảm mà lượng khách sử dụng dịch vụ cũng sẽ ít đi. Từ hôm qua (ngày 5/12 -PV) đến nay (trưa ngày 6/12), tôi nghe rất nhiều ý kiến phàn nàn của khách rồi. Có người còn nói thẳng, nếu giá đắt như này họ sẽ không đi Grab nữa” – anh Chiến nói, và cho biết thêm, hiện mỗi ngày anh làm từ 5 giờ sáng đến 17 giờ chiều, thu nhập trung bình của anh khoảng 200.000 đồng/ngày. Thời gian tới chắc chắn con số này sẽ ít hơn rất nhiều. “Tôi thường tập trung nhận những cuốc ngắn. Số tiền thu về sau mỗi cuốc xe như vậy chả đáng là bao. Giờ lại thêm khoản tăng giá rồi cả tính phí nền tảng, chắc thu nhập sẽ lại giảm” – anh Chiến tâm sự và cho biết sẽ cố gắng vừa chạy vừa nghe ngóng thêm một thời gian ngắn nữa, nếu như Grab không có sự điều chỉnh anh sẽ chuyển nghề.

Grab cho mình quyền tự tăng giá?

Theo tìm hiểu của phóng viên Kinh tế & Đô thị, trong các hãng xe công nghệ đang hoạt động ở Việt Nam hiện nay, mới chỉ có Grab “nhanh nhẹn” thực hiện việc tăng giá cước khi Nghị định 126/2020 chính thức có hiệu lực từ ngày 5/12/2020.

Theo lý giải của Grab, hãng này phải điều chỉnh ngay để tránh bị truy thu thuế, nộp phạt. Trong khi đó, đại diện BeGroup cũng như Gojek đều khẳng định chưa thông báo tăng cước. Đại diện BeGroup lý giải đơn vị này tiếp tục chờ thông tư hướng dẫn cụ thể để có căn cứ chính xác thực hiện nghĩa vụ thuế và hỗ trợ tài xế. Tương tự, Gojek cho biết đang tiếp tục trao đổi với cơ quan chức năng nhằm hiểu rõ quy định để phân tích, điều chỉnh, đảm bảo kết quả tốt nhất. Điều bất ngờ ở chỗ, hiện nay Grab đang là đơn vị duy nhất trong các hãng xe công nghệ kê khai theo hình thức là đơn vị kinh doanh vận tải từ khi có Nghị định 10/2020/NĐ-CP, quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải mà vẫn tự cho mình nằm ngoài đối tượng đó và không chịu kê khai hạch toán.

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, chuyên gia giao thông Nguyễn Văn Thanh – nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, về mặt bản chất, VAT là thuế gián thu. Tức đây là tiền thuế của người tiêu dùng nộp cho Nhà nước và Grab hay các hãng xe công nghệ chỉ có trách nhiệm kê khai và nộp thay cho hành khách. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Thanh, việc Grab “nhanh nhảu” tăng giá cước ngay khi Nghị định 126 có hiệu lực trong khi nhiều hãng xe công nghệ khác vẫn đang cố nghe ngóng nhằm đưa ra chính sách giá cước phù hợp với khách hàng và chính sách hỗ trợ tài xế cho thấy cách hành xử của Grab không được ổn. “Có lẽ Grab quá tự tin vào sức mạnh và tầm ảnh hưởng của mình nên tự cho mình cái quyền tăng giá cước bất cứ lúc nào họ muốn. Đây là giai đoạn kinh tế khó khăn, xã hội bị ảnh hưởng lớn bởi đại dịch Covid-19, tăng giá cước lúc này vừa làm mất quyền lợi của người tiêu dùng, vừa đe dọa “nồi cơm” của các tài xế” – chuyên gia Nguyễn Văn Thanh nhấn mạnh.

Grab đang thu 2.000 đồng phí duy trì nền tảng trên mỗi chuyến đi của hành khách, vậy khoản thu này Grab sử dụng thế nào, có kê khai nộp thuế hay không? Thêm nữa, một số tiền lớn khách hàng nộp vào tài khoản chờ của Grab có được công khai, có được trả lãi, có tính vào doanh thu của Grab? Tiền của khách nộp vào tài khoản thì là doanh thu của Grab và Grab cũng phải nộp thuế cho phần doanh thu này.

Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội Nguyễn Công Hùng

Quý Nguyễn/Tieudungvn

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều