Ông Lê Tấn Hùng khai lập khống hồ sơ rút 13,3 tỷ đồng là lo cho nhân viên
Cựu tổng giám đốc Sagri Lê Tấn Hùng cho rằng bản thân không không có chủ đích hưởng lợi, bị cáo khai lý do chuyển nhượng dự án cho tư nhân là để thoái vốn Nhà nước, lập khống hồ sơ rút 13,3 tỷ đồng là lo cho nhân viên.
Chiều 12/8, phiên xử ông Lê Tấn Hùng (58 tuổi, nguyên tổng giám đốc Sagri – 100% vốn Nhà nước); cựu phó chủ tịch thành phố Trần Vĩnh Tuyến (56 tuổi) và 17 bị cáo khác bước vào phần xét hỏi.
Bị xác định là chủ mưu vụ án, ông Hùng bị truy tố về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản gây thất thoát lãng phí và Tham ô tài sản.
Trả lời HĐXX, bị cáo cho rằng việc đề xuất UBND TP HCM cho phép chuyển nhượng dự án nhà ở diện tích 3,75 ha tại phường Phước Long B, quận 9 (nay là TP Thủ Đức) cho Tổng Công ty Phong Phú là “thực hiện theo chức trách để thoái vốn theo chỉ đạo của thành phố”.
Cáo trạng xác định, ông Hùng đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn Tổng giám đốc Sagri thực hiện nhiều hành vi sai phạm trong việc chuyển nhượng dự án này như: dự án chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính, chưa đủ điều kiện để chuyển nhượng; Sagri chưa được phê duyệt phương án, kế hoạch thoái vốn… Việc chuyển nhượng với giá thấp hơn giá thị trường đã gây thất thoát 672 tỷ đồng.
Đối với hành vi “rút ruột” 13,3 tỷ đồng của Sagri, ông Hùng thừa nhận sai phạm nhưng “không phải vì mục đích hưởng lợi cá nhân”.
Năm 2016, lúc làm Tổng giám đốc Sagri, ông Hùng đã chỉ đạo Nguyễn Thị Thúy (Trưởng phòng Tài chính Kế toán) và Nguyễn Thị Tuyết Mai (Trưởng phòng nhân sự hành chính) liên hệ với Công ty du lịch Thanh niên xung phong và Công ty Lữ hành Hòa bình Quốc tế, ký khống 10 hợp đồng tham quan học tập kinh nghiệm ở nước ngoài cho cán bộ trị giá hơn 13,3 tỷ đồng. Theo thỏa thuận, các công ty này sẽ hưởng 30% số tiền này, còn lại chuyển cho Sagri.
Ông Hùng tiếp tục chỉ đạo Thúy và Mai làm việc với hai công ty du lịch rút tiền về gửi tiết kiệm sau đó rút ra sử dụng vào các mục đích cá nhân nhưng không có hóa đơn chứng từ. Theo kết luận bị cáo đã sử dụng hết số tiền 3,9 tỷ đồng.
Tuy nhiên, tại toà hôm nay ông Hùng cho rằng, xuất phát từ nhu cầu sử dụng vào việc quà biếu cuối năm của công ty nên đã chỉ đạo nhân viên rút số tiền này ra ứng trước để sử dụng, nhưng không được đưa vào sổ sách công ty. Phần còn lại gửi vào ngân hàng để bảo tồn tiền và sinh lời giữ lại cho năm sau tổ chức các chuyển tham quan, công tác cho cán bộ nhân viên.
“Ý chủ quan của bị cáo là muốn tạo quỹ riêng cho công ty và sử dụng vào việc cho nhân viên đi công tác vào năm sau”, ông Hùng nói, thêm rằng: “Từ nhận thức đến công việc bị cáo đều không có động cơ tư lợi. Bị cáo nghĩ như vậy là không vi phạm pháp luật”.
Cựu tổng giám đốc Sagri cho biết, khi bị thanh tra phát hiện sai phạm đã sử dụng tiền cá nhân để nộp lại số tiền thất thoát, song không nhớ chính xác là bao nhiêu vì đã lâu.
Ngoài ông Hùng, một số bị cáo khác khi trả lời thẩm vấn của toà cũng thừa nhận hành vi như cáo trạng truy tố. Ngày mai phiên xử tiếp tục.
Vụ án có tổng cộng 19 bị cáo. Trong đó, ông Trần Vĩnh Tuyến bị truy tố tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản gây thất thoát lãng phí theo khoản 3 Điều 219 Bộ luật Hình sự, khung hình phạt 10-20 năm. Các bị cáo còn lại đều là cựu cán bộ của TP HCM.
Nguyên phó chủ tịch UBND TP HCM khai, do “nể nang ông Lê Tấn Hùng nên đã chấp thuận cho Sagri chuyển nhượng dự án với giá hơn 168 tỷ đồng (tương đương hơn 10,5 triệu đồng/m2) – thấp hơn giá thị trường.
Hành vi của ông Tuyến bị cho là tạo điều kiện cho ông Hùng và đồng phạm thực hiện sai phạm, gây thiệt hại cho Nhà nước 672 tỷ đồng (giá trị quyền sử dụng đất đã có hạ tầng tại thời điểm khởi tố vụ án là 864 tỷ đồng, trừ đi số tiền gần 190 tỷ đồng Sagri đã nhận).
Hồng Anh