Ông lão Việt Kiều bán công ty về Việt Nam nuôi giấc mơ socola ‘Made in Vietnam’
Sau khi nghỉ hưu, ông Bùi Durassamy, 70 tuổi, từ Canada về lại Việt Nam, “cứu” cây cacao và nuôi giấc mơ mọi người Việt được ăn socola “Made in Việt Nam”.
Ông Samy thu mua trái cacao tươi của nông dân với giá cao hơn thị trường. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Ông Samy mang hai dòng máu Việt – Ấn, sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn. Năm 24 tuổi, ông cùng gia đình sang Mỹ định cư. Sau đó lập nghiệp, trở thành chủ một hãng cơ khí với 4.000 công nhân ở Vancouver, Canada.
5 năm trước, ông Samy khi ấy đã 65 tuổi. Cả ba người con không có ai kế nghiệp cha nên ông quyết định bán lại hãng, gom hết số tiền dành dụm cả đời một mình về Việt Nam mua đất, xây nhà.
“Ngày cùng mẹ lên máy bay sang Mỹ, tôi thấy mẹ cứ đi một bước là cúi đầu lạy một cái tạm biệt quê hương. Hình ảnh đó nhắc tôi luôn nhớ về nơi mình sinh ra. Cho đến ngày mẹ mất, bà vẫn mong tôi có thể làm được một điều gì đó để trả ơn Việt Nam”, ông xúc động nói.
Trong một lần đi tham quan, ông Samy tình cờ thấy người nông dân chặt bỏ những gốc cacao đang trĩu trái. Thấy lạ, ông hỏi thăm mới biết cách đây hơn 10 năm, tỉnh Tiền Giang có hỗ trợ bà con cây giống cacao. Tuy nhiên sau gần 3 năm, khi bắt đầu thu hoạch được trái lại không tìm được đầu ra ổn định, người dân đành chặt bỏ để thay thế bằng những cây trồng khác.
Ông Nguyễn Dũng, một người dân ở huyện Châu Thành nhớ lại: “Năm 2012, những cây cacao của gia đình tôi bắt đầu được thu hoạch. Cây tốt, trái to nhưng cũng là lúc tôi chới với vì giá mỗi kg trái tươi chỉ hơn 1.000 đồng”.
Nghe câu chuyện của những người nông dân, ông Samy trăn trở: “Tại sao người Việt Nam trồng được cây cacao chất lượng nhưng lại mua socola nhập khẩu từ Pháp, Mỹ, Bỉ… và vô tình biến lại nó trở thành loại đồ ăn xa xỉ mà người nghèo không có cơ hội thưởng thức?”.
Giữa lúc ấy, ông chợt nhớ lại mình cũng biết làm socola do từng tham gia một khóa học làm socola vào ban đêm từ thời trai trẻ. “Tôi tiếp xúc nhiều với máy móc nên muốn tìm một môn gì đó khác lạ để trải nghiệm. Sau khóa học, tôi biết làm socola nhưng chỉ dừng lại ở đó”, ông chia sẻ. Vậy là như một cái duyên, ông Samy nghĩ socola là thứ sẽ giúp ông trả món nợ với quê mẹ.
Ở Việt Nam không bán các loại máy để sản xuất socola, vì vậy việc đầu tiên của ông Samy là mày mò chế tạo những chiếc máy theo sự hiểu biết của mình. Vốn là một kỹ sư cơ khí, ông bắt tay ngay vào việc vẽ sơ đồ những chiếc máy tách vỏ, xay ca cao… Sau khi có bản vẽ 3D, ông tìm đến những người thợ gia công ở địa phương để thuê họ làm. Việc này lấy của ông gần 2 năm, bởi nhiều người thợ từ chối tiện những chi tiết lạ, không sản xuất hàng loạt theo yêu cầu của ông.
“Thời đó, tôi phải ăn ngủ cùng thợ, giám sát và hướng dẫn họ chế tác những chiếc máy theo ý mình”, ông nói.
Ông Samy được người dân Tiền Giang gọi bằng cái tên thân thương là “Ông già socola miền Tây”. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Trong nhà xưởng rộng hơn 200 m2 với gần chục nhân công đang làm việc. Bên trong chiếc máy nghiền socola cùng các nguyên liệu khác, mùi thơm bao phủ khắp không gian. Chiếc máy có nhiệm vụ phối trộn, nghiền hỗn hợp socola nhão cùng các nguyên liệu khác như sữa, bơ cacao với nhau. “Đây là công đoạn quyết định sự thành công của socola thành phẩm. Yêu cầu tối thiểu là khi cho vào miệng, miếng socola phải tan chảy, không một chút lợn cợn”.
Hỗn hợp socola được nghiền bởi sự di chuyển của các khối đá, chạy bằng trục quay. Để tạo ra chiếc máy này, ông Samy phải mất gần một năm mới tìm được người thợ đá ở Ninh Bình đồng ý gia công. “Thợ chế tác đá lành nghề họ làm ra những sản phẩm rất đẹp, nhưng để khối đá tương thích với những chi tiết trong máy thì ít ai làm được”, ông phân trần.
Tuy nhiên, khi cho nguyên liệu vào trộn mẻ đầu tiên, tốc độ quay của mô tơ quá nhanh, socola văng hết ra ngoài. Ông Samy lại phải đích thân cầm khoan, búa, đục bắt tay vào điều chỉnh.
Chị Nguyễn Thị Mỹ Dung, người hàng xóm của ông Samy kể: “Có những lúc đang hì hục với chiếc máy, tôi thấy ông ấy cầm búa gõ một phát rất mạnh, miệng lầm bầm “tại sao, tại sao” rồi quăng búa ra sân đứng la lớn”.
“Đó là những lúc tôi bực vì tìm mãi không ra được nguyên nhân. Nhưng chỉ một lúc thôi, nghĩ đến những gốc cacao bị chặt, tôi quay lại quyết tâm sửa cho bằng được”, người đàn ông từng là chủ nhà máy sản xuất linh kiện cho máy bay Boeing nói.
Gia đình chị Mỹ Dung trước đây có trồng khoảng 50 cây cacao trong vườn, bán cho một vài công ty sản xuất bột cacao hoặc những cơ sở làm bánh kẹo nhỏ trong huyện. Tuy nhiên, giá mỗi kg cacao tươi chưa đến 2.000 đồng.
Từ ngày ông Samy mở xưởng, chị Dung được ông hướng dẫn cách lên men hạt cacao đạt chất lượng. Đây là công đoạn quyết định, ảnh hưởng trực tiếp mùi vị và hương thơm đặc trưng của cacao. Chị cũng bắt đầu thu mua cacao tươi từ nhiều người dân trong vùng về lên men, phơi khô rồi bán lại cho ông Samy với giá cao hơn thị trường. “Chú ấy làm sống lại cây cacao nơi đây”, chị Dung nói.
Đầu năm 2017, khi những chiếc máy hoạt động trơn tru cộng với những kiến thức từ bài giảng ở lớp học làm socola hơn 30 năm trước, những mẻ socola đầu tiên ra đời. Việc đầu tiên ông Samy là đem những thanh socola vừa làm đến tặng lại những hộ nông dân trồng cây cacao. “Tôi chưa bao giờ nghĩ một ngày mình có thể ăn một loại socola ngon được làm từ chính cây cacao nhà mình trồng”, chị Dung chia sẻ.
Những mẻ socola đầu tiên chưa thật sự hoàn hảo, ông Samy lắng nghe ý kiến góp ý từ nhiều người. Ông cũng tự tìm hiểu, kết hợp vào socola bột trà xanh, bột dâu hay làm socola có nhân để cho ra đời nhiều loại sản phẩm khác nhau.
“Làm socola cũng như mình chế biến một món ăn, nay nấu chưa ngon thì mai nấu tiếp, thử thêm cái này bớt cái kia”, ông Samy ví von.
Ông Samy và vợ tham gia một buổi hội chợ giới thiệu sản phẩm. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Để cám ơn người vợ, ông Samy lấy tên bà là Kimmy để làm thương hiệu socola “Made in Vietnam”. Khoảng một năm nay, ông Samy bị tai biến nên đi lại khó khăn, không còn đủ sức để trực tiếp đến những hội chợ, triển lãm khắp cả nước quảng bá sản phẩm như những ngày đầu tiên. Ông truyền lại công thức và kinh nghiệm của mình cho cho những công nhân trong xưởng.
Chống gậy bước tập tễnh trong vườn nhà, người đàn ông tóc muối tiêu cảm thấy chồn chân. Dù rất nhớ vợ và các con ở Canada, nhưng gần một năm nay ông chưa gặp họ.
Ngoài việc bán sản phẩm ở những kênh phân phối, ông Samy còn biến xưởng của mình thành nơi tham quan cho các đoàn khách du lịch trong và ngoài nước. “Khách nước ngoài khi đến thăm Việt Nam họ sẽ mua socola về làm quà”, ông Samy nói với giọng đầy hy vọng.
Diệp Phan