Ông Kim Jong-un muốn biến Triều Tiên thành cường quốc không gian
Tờ Financial Times ngày 20/5 đăng bài viết cho hay, trong bối cảnh Ukraine đang bị lực lượng Nga áp đảo về hỏa lực và quân số, cũng như đang phải vật lộn để duy trì tuyến phòng thủ trước một đội quân lớn hơn và được trang bị tốt hơn, nhiều nhà lãnh đạo châu Âu đã bắt đầu thay đổi quan điểm của mình về cách làm thế nào để hỗ trợ Kiev một cách tốt nhất.
Trả lời phỏng vấn của FT, Thủ tướng Estonia Kaja Kallas mới đây tiết lộ, đã có các quốc gia thành viên NATO đưa quân tới Ukraine để huấn luyện binh sĩ cho Kiev.
“Đã có các quốc gia đang huấn luyện binh sĩ trên thực địa” – Bà Kallas nói, đồng thời lưu ý rằng, họ chấp nhận rủi ro để làm điều đó.
“Nếu huấn luyện viên của các nước này bị lực lượng Nga tấn công (tại Ukraine) thì điều đó cũng sẽ không tự động kích hoạt cơ chế phòng thủ tập thể theo Điều 5 của NATO” – Bà Kallas cho hay.
Theo Điều 5 hiến chương NATO, bất cứ hành động tấn công hoặc đe dọa nào nhằm vào một trong các thành viên của NATO đều sẽ bị coi là nhằm vào toàn bộ liên minh và cho phép họ tiến hành biện pháp phòng vệ tập thể.
“Khó có thể xảy ra tình huống nếu lực lượng cử tới đó (Ukraine) bị thương thì nước cử đến sẽ tuyên bố ‘đó là Điều 5, và sau đó… NATO ném bom Nga’. Đây không phải là cách điều khoản đó hoạt động. Điều 5 sẽ không tự động bị kích hoạt” – Bà Kallas lưu ý.
Do vậy, nhà lãnh đạo Estonia cho rằng, các nước đồng minh NATO không nên lo ngại việc đưa quân tới Ukraine để huấn luyện binh sĩ sẽ có nguy cơ kéo liên minh quân sự này vào cuộc chiến với Nga.
Các quan chức Ukraine và phương Tây cho biết, Kiev đang có nhu cầu tuyển dụng và huấn luyện hàng trăm nghìn binh sĩ trong những tháng tới, và sẽ hiệu quả hơn nếu công tác huấn luyện được thực hiện tại Ukraine, thay vì vận chuyển binh lính và vũ khí của Kiev tới Ba Lan hoặc Đức để đào tạo rồi quay trở lại.
Hôm 16/5, khi trả lời các phóng viên, Tướng Charles Q. Brown – Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ lưu ý rằng, NATO sẽ sớm đưa thêm quân tới Ukraine, vấn đề chỉ còn là thời gian. Theo tờ New York Times (Mỹ), đây là động thái sẽ phá vỡ “lằn ranh đỏ” với Nga, và lôi kéo Mỹ-châu Âu can dự trực tiếp hơn vào cuộc chiến tại Ukraine.
Trước đó, vào tháng 2 năm nay, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tuyên bố không loại trừ khả năng phương Tây đưa quân tới Ukraine. Theo ông Macron, điều quan trọng là khiến Moscow không nắm chắc được mức độ mà phương Tây có thể hỗ trợ Kiev.
Đáp lại đề xuất của ông Macron, hầu hết các nước thành viên NATO đều loại bỏ khả năng gửi quân tới Ukraine. Tuy nhiên, 3 quốc gia Baltic (Estonia, Latvia và Lithuania), và sau đó là Ba Lan, tỏ ra đồng thuận với ý tưởng này.
Estonia hiện là một trong những quốc gia ủng hộ Ukraine nhiệt tình nhất, và là nhà tài trợ quân sự lớn nhất của Kiev khi tính theo tỷ trọng GDP.
Hôm 7/5, RTVI – kênh truyền hình quốc tế độc lập bằng tiếng Nga, có trụ sở tại New York (Mỹ) cho biết, Ba Lan và các nước Baltic có thể thành lập một “liên minh đặc biệt” và đưa quân tới Ukraine.
Bà Kallas cho biết, tại Estonia, quyết định điều quân tới Ukraine cần phải được quốc hội chấp thuận, tuy nhiên, “tôi nghĩ chúng ta không nên loại trừ bất cứ điều gì vào lúc này”.
Các quan chức ở Estonia, Latvia và Lithuania đồng tình rằng, an ninh của 3 nước này gắn chặt với Ukraine. Họ lo ngại, thất bại của NATO sẽ khuyến khích Tổng thống Nga Putin tiến hành các biện pháp thử thách sự đoàn kết của liên minh này, và khu vực được Moscow lựa chọn “rất có thể ở Baltic”.
Những lo ngại đó càng được đẩy cao khi Moscow đạt được các thành tựu nhất định trong việc tăng cường cơ sở công nghiệp quốc phòng và thông qua nhiều kế hoạch quân sự trong năm ngoái, nhằm tăng cường sự hiện diện của quân đội ở tây bắc nước Nga.
Bà Kallas nhấn mạnh, việc các nước NATO hỗ trợ huấn luyện binh sĩ của Kiev ngay trên lãnh thổ Ukraine “sẽ không mang tính leo thang”.
“Các kênh tuyên truyền của Nga đều đề cập tới việc họ đang trong cuộc chiến với NATO, vì thế họ không cần một lý do nào khác. Nếu muốn tấn công chúng ta, họ sẽ tấn công, dù chúng ta có làm gì đi nữa” – Bà Kallas nói.
Trước phát biểu của Thủ tướng Estonia Kaja Kallas về việc NATO đã đưa quân tới Ukraine, ngay trong ngày 20/5, phía Nga đã đưa ra phản ứng liên quan.
Tờ Rossiyskaya Gazeta dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết, Nga đã nắm được việc các nước NATO đưa lực lượng huấn luyện quân sự tới Ukraine. Tuy nhiên, bà Zakharova lưu ý rằng, một số nước sau khi đưa lực lượng tới đã “rút quân về”.
“Một số quốc gia đã bắt đầu rút lực lượng huấn luyện về nước, chỉ là họ không công khai điều đó. Hy vọng bà Kallas ‘gan dạ’ sẽ tiết lộ thêm chi tiết” – Bà Zakharova nói.
Cùng ngày, hãng tin Russian RT (Nga) dẫn lời chuyên gia phân tích Mark Episkopos đến từ tổ chức tư vấn Responsible Statecraft (Mỹ) nhận định:
Trong trường hợp phương Tây không có thỏa thuận rõ ràng về phạm vi và ranh giới hiện diện quân sự của NATO ở Ukraine, Điện Kremlin có thể coi làn sóng huấn luyện viên NATO tại Ukraine như “một quả bóng thử nghiệm” của liên minh này nhằm đánh giá phản ứng của Nga trước khả năng can thiệp trực tiếp và tích cực từ phương Tây vào tình hình Ukraine.
Từ đó, “có khả năng cao Moscow sẽ đi tới kết luận rằng, họ cần nhắm mục tiêu vào các huấn luyện viên này một cách dứt khoát nhất có thể, để ngăn chặn khả năng NATO can thiệp quân sự mạnh hơn vào Ukraine” – Ông Episkopos nêu quan điểm.
Trước đó, Tướng Brown cũng thừa nhận, những gì đang diễn ra ở Ukraine sẽ khiến “các huấn luyện viên NATO gặp nguy hiểm”. Liên minh này rất có thể phải quyết định xem, có nên sử dụng hệ thống phòng không quý giá để bảo vệ các huấn luyện viên, thay vì cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine gần chiến trường hay không.
Bảo Trâm