Ông Kim Jong Un làm Tổng bí thư đảng, chương trình hạt nhân, quan hệ Mỹ-Triều ra sao?
Khi đại hội lần 8 của Đảng Lao động Triều Tiên cầm quyền sắp kết thúc tại Bình Nhưỡng, nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã được trao một chức vụ mới có thể giúp quyền lực của ông được mở rộng.
Mặc dù cha của ông Kim Jong Un, cố chủ tịch Kim Jong Il, người qua đời vào tháng 12 năm 2011, là tổng bí thư Đảng Lao động Triều Tiên, nhà lãnh đạo mới của Triều Tiên chỉ được trao danh hiệu này sau hơn 9 năm cầm quyền.
Đảng Lao động Triều Tiên là đảng cầm quyền lâu đời nhất trên thế giới, sẽ trải qua 72 năm cầm quyền vào năm 2021 và là tổ chức quyền lực nhất ở Triều Tiên. Các tác động của việc đảng bổ nhiệm một tổng bí thư mới vẫn chưa rõ, nhưng cho thấy mức độ tin tưởng mới của đảng đối với sự lãnh đạo của ông Kim Jong Un, theo nhận định của Military Watch.
Theo tạp chí này, được chọn vào vị trí lãnh đạo khi còn rất trẻ và trải qua sáu năm đầu cầm quyền cùng với Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Kim Yong Nam giàu kinh nghiệm hơn (đã nghỉ hưu vào năm 2018), vị trí mới của ông Kim Jong Un củng cố vị trí là người kế nhiệm đầy đủ của cha mình. Chức vụ tổng bí thư giống với chức vụ mà Joseph Stalin nắm giữ trong Đảng Cộng sản Liên Xô, và là một vị trí có uy tín đáng kể trong một đảng-nhà nước.
Tại Đại hội lần thứ 8, các đại biểu đảng Lao động Triều Tiên kêu gọi những nỗ lực đổi mới nhằm hiện đại hóa lực lượng răn đe hạt nhân chiến lược của đất nước và cải thiện nền kinh tế. Đảng Lao động Triều Tiên coi Mỹ là “kẻ thù lớn nhất” và thừa nhận sự thất bại chung của các nỗ lực hiện đại hóa kinh tế trong 5 năm qua – giai đoạn mà các lệnh trừng phạt kinh tế từ phương Tây đặc biệt khắc nghiệt.
Tại đại hội, ban lãnh đạo đất nước đã làm sáng tỏ về hướng đi tương lai mà mối quan hệ với Mỹ có thể tác động. Các đại biểu nhấn mạnh rằng sự cải thiện trong quan hệ sẽ dựa vào việc Mỹ chấm dứt cái mà họ gọi là “các chính sách thù địch” đối với quốc gia ở khu vực Đông Á. Đây là diễn biến tiếp theo các cuộc đàm phán thất bại tại Hà Nội vào đầu năm 2019, khi phái đoàn Mỹ do Tổng thống Donald Trump dẫn đầu đột ngột và bất ngờ đưa ra các yêu cầu đơn phương đối với Triều Tiên – từ bỏ các kế hoạch được mong đợi là đôi bên nhượng bộ lẫn nhau để cải thiện quan hệ.
Mặc dù Triều Tiên đã hạn chế thử vũ khí hạt nhân hoặc tên lửa đạn đạo xuyên lục địa kể từ tháng 11 năm 2017, nhưng điều này có thể sớm thay đổi khi những lời kêu gọi của nước này về việc nới lỏng các lệnh trừng phạt kinh tế do phương Tây soạn thảo tại Liên Hợp Quốc đã không được chú ý trong hơn ba năm.
Trong Đại hội Đảng Lao động, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã tuyên bố về khả năng nối lại thử nghiệm vũ khí chiến lược: “Cần phải làm như vậy để chủ động răn đe và kiểm soát các mối đe dọa quân sự đang vây quanh Bán đảo Triều Tiên, cải tiến các công nghệ hạt nhân, giảm kích thước, trọng lượng và tăng sức mạnh chiến lược của vũ khí hạt nhân”.
Ông một lần nữa nhấn mạnh chính sách không sử dụng hạt nhân trước, tuyên bố rằng vũ khí hạt nhân sẽ không được sử dụng “trừ khi các thế lực thù địch cố gắng sử dụng vũ khí hạt nhân nhằm vào chúng ta”. Triều Tiên là một trong ba quốc gia có vũ khí hạt nhân, cùng với Trung Quốc và Ấn Độ, tuyên bố theo đuổi chính sách “không dùng trước”.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên tuyên bố rằng cần phải phát triển vũ khí hạt nhân chiến lược, được sử dụng tùy thuộc vào mục tiêu và nhiệm vụ tác chiến. Triều Tiên đã hé lộ tên lửa đạn đạo di động lớn nhất thế giới vào tháng 10 năm 2020, có thể là bản phát triển của tên lửa Hwasong-15 được thử nghiệm vào tháng 11 năm 2017. Một tàu ngầm mới phóng tên lửa đạn đạo cũng đã được công bố vào năm 2019, cùng với hai tàu ngầm chiến lược mới hiện đang được đóng.
Anh Minh/TPO