+
Aa
-
like
comment

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn và “nước cờ cao tay” bắt tay lập hãng hàng không

21/06/2021 11:45

Việc thành lập hãng hàng không vận chuyển hàng hoá là cơ hội lớn đối với ông Johnathan Hạnh Nguyễn, trong bối cảnh dịch Covid-19 kéo dài.

Lập hãng hàng không IPP Air Cargo và “nước cờ cao tay”

Việc ông Johnathan Hạnh Nguyễn xin lập hãng hàng không vận tải hàng hóa IPP Air Cargo đã được Cục Hàng không Việt Nam xin ý kiến của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đối với dự án thành lập hãng hàng không vận tải hàng hóa của Công ty Cổ phần IPP Air Cargo (IPP Air Cargo).

Sau đó, Bộ GTVT đã yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam nghiên cứu và tham gia ý kiến để xác định dự án thành lập hãng hàng không IPP Air Cargo của ông Johnathan Hạnh Nguyễn có thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, cho phép đầu tư của Thủ tướng theo quy định của pháp luật về hàng không hay không.

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn từ "đế chế khủng" bắt tay với ngành hàng không - Ảnh 1.
Việc thành lập hãng hàng không vận chuyển hàng hoá trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp là cần thiết.

Công ty CP IPP Air Cargo là thành viên của Tập đoàn Liên Thái Bình Dương – IPPG có trụ sở tại tầng 3, tòa nhà Overview 161 Đồng Khởi, phường Bến Nghé, quận 1, TP HCM. Dự án thành lập hãng hàng không IPP Air Cargo có tổng mức đầu tư 2.400 tỷ đồng, tương đương 100 triệu USD, trong đó 30% là vốn chủ sở hữu và 70% còn lại là vốn huy động.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, trong bối cảnh các hãng hàng không vận tải hành khách bị thua lỗ vì dịch Covid-19 phải thay đổi chiến lược kinh doanh bằng việc vận chuyển hàng hoá, thì đề xuất lập hãng hàng không IPP Air Cargo vận tải hàng hóa được đánh giá là “nước cờ cao tay” của Johnathan Hạnh Nguyễn.

Hiện nay, “sức khoẻ” của các hãng hàng không Vietnam Airlines, Bamboo Airways, Vietjet đang dẫn suy giảm và tiến tới sát giới hạn mất khả năng thanh toán.

Do đó, việc thành lập hãng hàng không vận chuyển hàng hoá trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài, việc vận chuyển hàng hoá, các nhu yếu phẩm, thực phẩm, thiết bị y tế… một cách nhanh chóng qua đường hàng không là rất cần thiết.

Đáng chú ý, hiện tại, Việt Nam chỉ có 6 hãng hàng không đang khai thác đó là Vietnam Airlines, Pacific Airlines, Vasco (thuộc Vietnam Airlines Group), cùng 3 hãng hàng không tư nhân gồm: Vietjet Air của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo; Bamboo Airways của tỷ phú Trịnh Văn Quyết và hãng hàng không mới thành lập Vietravel Airlines của ông Nguyễn Quốc Kỳ.

Tuy nhiên, tất cả các hãng hàng không hiện hữu nêu trên đều đang hoạt động chủ yếu là chở hành khách, chứ không chuyên về chở hàng hoá.

Trên thực tế, việc xây dựng một hãng hàng không chở hàng chuyên nghiệp tại Việt Nam rất giàu tiềm năng bởi nguồn hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam hiện nay khá phong phú.

Theo thống kê kết thúc năm 2020, thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng 18% với quy mô đạt 11,8 tỷ USD. Đây cơ hội lớn cho thị trường vận tải hàng hóa hàng không tại Việt Nam.

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn từ "đế chế khủng" bắt tay với ngành hàng không - Ảnh 2.
Vận chuyển hàng hoá trong bối cảnh dịch Covid-19 là cần thiết. (Ảnh: VNA)

Bên cạnh đó, Việt Nam có tiềm năng rất lớn về xuất khẩu nông, thủy sản. Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản Việt đạt khoảng 41,2 tỷ USD. Nông sản Việt Nam đã có mặt tại nhiều thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… Do đặc thù nông sản là chu kỳ sử dụng ngắn, dễ hư hỏng nên việc vận chuyển bằng đường không là một giải pháp quan trọng nhằm giữ thị trường và tăng sức cạnh tranh cho nông sản Việt.

Trái ngược với tiềm năng hàng hoá phát triển mạnh mẽ thì ngành hàng không vận chuyển hàng hoá lại là một điều “khá buồn” khi vận chuyển hàng hóa bằng đường không của Việt Nam hiện chiếm tỷ lệ rất nhỏ khoảng 0,2% tổng khối lượng nông sản cả nước.

Vì vậy, để phát triển vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không chúng ta cần phải có một hãng hàng không với đội bay chuyên chở hàng hóa riêng biệt phục vụ các sản phẩm điện tử và nông nghiệp Việt Nam, cho các tuyến đường riêng biệt.

Từ “đế chế” khủng bắt tay với hàng không

Đặc biệt, ông Johnathan Hạnh Nguyễn là một người rất am hiểu về ngành hàng không, cùng đó, ông còn kinh doanh đa ngành nghề, vì thế, sẽ đủ sức kết nối, hợp tác, thực hiện các đơn hàng từ Việt Nam tới nhiều quốc gia trong khu vực.

“Đế chế” của ông Johnathan Hạnh Nguyễn là IPPG hiện đang hoạt động tại 6 quốc gia gồm Việt Nam, Mỹ, Úc, Hongkong, Singapore, Philippines và trụ sở văn phòng chính đặt tại Việt Nam

Công ty CP IPP Air Cargo là thành viên của Tập đoàn Liên Thái Bình Dương – IPPG có trụ sở tại tầng 3, tòa nhà Overview 161 Đồng Khởi, phường Bến Nghé, quận 1, TP HCM. Dự án thành lập hãng hàng không IPP Air Cargo có tổng mức đầu tư 2.400 tỷ đồng, tương đương 100 triệu USD, trong đó 30% là vốn chủ sở hữu và 70% còn lại là vốn huy động.

Theo kế hoạch, trong năm đầu tiên đi vào hoạt động, IPP Air Cargo sẽ khai thác 5 máy bay chở hàng. Đến năm thứ hai sẽ tăng lên 7 chiếc và tăng lên 10 chiếc vào năm thứ 3. Đặc biệt, IPP Air Cargo lên kế hoạch vận chuyển khoảng 115.000 tấn hàng hóa, đạt doanh thu 71 triệu USD vào năm đầu tiên, dự kiến bắt đầu có lãi từ năm thứ 4 kể từ khi khai thác chuyến bay đầu tiên.

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn từ "đế chế khủng" bắt tay với ngành hàng không - Ảnh 3.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn. (Ảnh: IPPG)

Công ty cổ phần IPP Air Cargo đăng ký kinh doanh ngày 10/3/2021 do ông Nguyễn Hạnh (tức ông Johnathan Hạnh Nguyễn), Chủ tịch HĐTV IPPG, làm Chủ tịch HĐQT. Tổng giám đốc là bà Lê Hồng Thủy Tiên (vợ ông Johnathan Hạnh Nguyễn). Bà Tiên cũng là Tổng giám đốc của Tập đoàn IPPG.

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn cùng vợ là bà Lê Hồng Thủy Tiên (Tổng giám đốc IPPG) đã mở rộng bán lẻ thời trang cao cấp, thành lập công ty DAFC phân phối hàng chục thương hiệu thời trang danh tiếng.

Bênh cạnh việc kinh doanh thời trang, ông Johnathan Hạnh Nguyễn còn có mối lương duyên rất gắn bó với ngành hàng không.

Tại Việt Nam, từ năm 2016, IPPG cùng 5 đối tác (trong đó có Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Vietjet Nasco, Yên Khánh và Việt Xuân Mới) cùng triển khai đầu tư Nhà ga Quốc tế – sân bay Cam Ranh (CRTC) với tổng mức 3.735 tỷ đồng, công suất có thể đạt 6 – 8 triệu hành khách/năm. Nhà ga này đã được khai trương từ tháng 6/2018, trong đó IPPG sở hữu chi phối 55%.

Một năm sau đó, IPPG trở thành cổ đông chiến lược của CTCP Dịch vụ Hàng không Tân Sơn Nhất (Mã: SAS), cùng các đơn vị sở hữu hơn 45% vốn điều lệ. Từ tháng 5/2017, ông Hạnh chính thức trở thành Chủ tịch HĐQT công ty này.

Kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này tăng trưởng ấn tượng trong nhiều năm gần đây, đặc biệt sau sự xuất hiện của cổ đông chiến lược IPPG.

Năm 2019, Sasco đạt doanh thu thuần 2.895 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 373 tỷ đồng, tăng trưởng 9% so với năm trước đó. Biên lợi nhuận gộp của công ty này thuộc nhóm cao trong ngành hàng không, đạt 48%.

Về cơ cấu, 46% doanh thu của công ty này từ các cửa hàng miễn thuế, số còn lại từ trung tâm thương mại 364 tỷ đồng, hoạt động phòng chờ 508 tỷ đồng và doanh thu khác 682 tỷ đồng. Trong đó hoạt động phòng chờ và hoạt động khác có mức biên lợi nhuận gộp lần lượt tới 80% và 68%.

Minh Ngọc

Bài mới
Đọc nhiều