+
Aa
-
like
comment

Ông Joe Biden sẽ hành động thế nào sau nhậm chức Tổng thống Mỹ?

08/11/2020 06:14

Với việc đánh bại ông Donald Trump trong cuộc tổng tuyển cử ngày 3/11, chính khách Dân chủ Joe Biden sẽ trở thành tổng thống thứ 46 của Mỹ và dự kiến chính thức tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20/1 năm sau.

Điều công chúng hết sức quan tâm hiện nay là chính quyền của ông Biden sẽ hành động ra sao sau khi tiếp quản Nhà Trắng. Đa số các nhà quan sát thống nhất rằng, một trong những ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của tân tổng thống 77 tuổi sẽ là kiểm soát đại dịch Covid-19.

Ông Biden sẽ hành động thế nào sau nhậm chức tổng thống Mỹ?
Tân Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: Axios

Các chính sách của chính quyền Biden được tin sẽ phụ thuộc phần lớn vào việc phe nào nắm quyền kiểm soát Thượng viện. Kết quả cuộc đua vào cơ quan lập pháp này dự kiến mãi tới sau cuộc bỏ phiếu vòng 2 ở bang Georgia vào tháng 1/2021 mới ngã ngũ.

Nếu đảng Dân chủ thắng với tỉ lệ sít sao, ông Biden có thể dễ dàng triển khai nhiều ưu tiên chính sách của mình. Nếu đảng của ông giành đa số ghế cách biệt tại Thượng viện, tân lãnh đạo Nhà Trắng có thể theo đuổi một chương trình nghị sự tham vọng hơn. Song, nếu đảng Cộng hòa giữ vững quyền kiểm soát Thượng viện như nhiệm kỳ trước, ông Biden có thể gặp khó khi muốn các nhà lập pháp phê chuẩn các đề xuất.

Tuy nhiên, chuyên gia phân tích John Goodrich nhận định trên đài CGTN rằng, dù thế nào chính quyền Biden sẽ tập trung vào những ưu tiên chính sách dưới đây ngay sau nhậm chức:

Xúc tiến các bổ nhiệm

Dư luận hiện đặc biệt quan tâm đến thành phần chính quyền mới. Các phe nhóm khác nhau bên trong đảng Dân chủ cũng sẽ theo dõi sát sao những người được ông Biden đề cử vào các vị trí quan trọng trong chính quyền. Trong đó, phe cấp tiến đang vận động để được giao các vị trí quan trọng trong nội các và Nhà Trắng.

Lựa chọn người giữ chức Chánh văn phòng nội các có thể là dấu hiệu cho thấy hướng đi của tân tổng thống. Ron Klain, người từng đảm nhiệm vai trò này khi ông Biden còn là phó tổng thống trong chính quyền Barack Obama, nằm trong số những gương mặt được yêu thích. Một trợ lý hàng đầu khác của ông Biden Tony Blinken cùng với cựu Cố vấn an ninh quốc gia Susan Rice nằm trong số những cái tên hàng đầu cho vị trí ngoại trưởng.

Một số đối thủ từng bị ông Biden đánh bại trong cuộc đua giành quyền đại diện đảng Dân chủ tranh cử tổng thống năm 2020 cũng có thể được giao những trọng trách lớn. Việc này nhiều khả năng phụ thuộc vào kết quả bầu Thượng viện.

Hiện có nhiều đồn đoán về việc cựu ứng viên Elizabeth Warren nằm trong danh sách cân nhắc làm Bộ trưởng Tài chính hoặc Bộ trưởng Tư pháp. Ông Bernie Sanders được tin đang vận động để trở thành Bộ trưởng Lao động trong khi Pete Buttigieg, một người thân cận ông Biden dự kiến cũng sẽ có chân trong chính quyền mới.

Một số chính khách Cộng hòa cũng có thể được cất nhắc khi Biden muốn hiện thực hóa cam kết thu hẹp sự chia rẽ đảng phái, mặc dù việc bổ nhiệm những nhân vật như cựu Thống đốc bang Ohio John Kasich có nguy cơ làm trầm trọng thêm sự chia rẽ bên trong đảng Dân chủ.

Dập dịch và cứu trợ

Bước đầu tiên của chính quyền Biden sẽ là cố gắng kiểm soát đại dịch Covid-19, vốn đã cướp đi sinh mạng của nhiều người ở Mỹ hơn bất kỳ quốc gia nào khác, đồng thời hồi phục nền kinh tế.

Vị tổng thống Dân chủ đã đề xuất quy định đeo khẩu trang bắt buộc trên toàn quốc, một chương trình xét nghiệm và truy vết tiếp xúc quy mô quốc gia cùng một gói cứu trợ dành cho người dân Mỹ và các doanh nghiệp nhỏ đang gặp khó khăn.

Gói cứu trợ 2.000 tỉ USD do các nhà lập pháp Dân chủ ở Quốc hội kiến nghị đã bị phe Cộng hòa thẳng thừng bác bỏ trước bầu cử. Do đó, việc thông qua dự luật cứu trợ ở quy mô ông Biden mong muốn nhiều khả năng đòi hỏi đảng của ông phải nắm đa số ở Thượng viện.

Ông Biden đã nhiều lần nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc tuân theo khoa học và lắng nghe các chuyên gia y tế, khuyến khích các bang mở cửa từ từ nhằm ngăn chặn nguy cơ virus corona chủng mới tái bùng phát mạnh trở lại, đe dọa sinh mạng của người dân. Có thể nói tân lãnh đạo Nhà Trắng dự kiến sẽ có cách ứng phó với dịch bệnh hoàn toàn khác người tiền nhiệm Donald Trump.

Xây dựng lại các liên minh, tái gia nhập các hiệp ước

Tổng thống Mỹ nhìn chung có thể kiểm soát các vấn đề đối ngoại nhiều hơn so với các vấn đề đối nội. Căn cứ vào những tuyên bố công khai lâu nay, ông Biden dự kiến sẽ cố gắng xây dựng lại các liên minh vốn đã trở nên căng thẳng hoặc rạn nứt dưới thời ông Trump cầm quyền.

Tân lãnh đạo Nhà Trắng dự định đưa Mỹ tái gia nhập nhiều tổ chức quốc tế và các thỏa thuận đa phương mà chính quyền tiền nhiệm Trump đã từ bỏ. Vì vậy, ông dự kiến sẽ có nhiều hành động hành pháp ngay trong những ngày đầu lên nắm quyền nhằm tái gắn kết nước Mỹ với phần còn lại của thế giới.

Ông Biden đã cam kết tái gia nhập và khôi phục đóng góp cho Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tái ký kết thỏa thuận khí hậu Paris “vào ngày đầu tiên” và có thể cố gắng gia hạn thỏa thuận kiểm soát vũ khí Start mới với Nga.

Ông Biden cũng nhiều lần bày tỏ mong muốn đưa Mỹ trở lại với thỏa thuận hạt nhân quốc tế Iran nếu các điều kiện cho phép. Ngoài ra, ông nhiều khả năng sẽ nhanh chóng hành động để thúc đẩy và sửa chữa các mối quan hệ với những đồng minh truyền thống của Washington, đặc biệt bên trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU) cũng như xây dựng quan hệ đối tác mới với các quốc gia đang phát triển.

Chú trọng các vấn đề khí hậu, y tế và kinh tế

Chính sách về biến đổi khí hậu đã trở thành một phần nổi bật trong thông điệp của ông Biden ở giai đoạn cuối của chiến dịch vận động tranh cử. Nhiều chính sách của ông khi lên nắm quyền có khả năng sẽ liên quan đến việc tăng cường bảo vệ môi trường.

Ông Biden đã vận động cho khoản đầu tư 2.000 tỷ USD vào năng lượng xanh và việc Mỹ tái tham gia thỏa thuận khí hậu Paris. Ông cũng từng đề cập mong muốn Mỹ giảm phát thải các khí độc hại xuống bằng 0 vào năm 2050.

Tân lãnh đạo Nhà Trắng cũng công khai ủng hộ việc nâng mức lương tối thiểu lên 15 USD/giờ, bãi bỏ phần lớn việc cắt giảm thuế có lợi cho người giàu do chính quyền tiền nhiệm ban hành, mở rộng chương trình bảo hiểm y tế giá rẻ (Obamacare) cho toàn dân, tăng cường sức mạnh của hệ thống tư pháp, miễn giảm một số khoản vay của sinh viên và chú trọng hơn vào việc mua hàng hóa do Mỹ sản xuất. Ông còn cam kết chi hàng tỉ USD cho các hoạt động nghiên cứu, phát triển công nghệ mới và trí thông minh nhân tạo.

Chính quyền Biden cũng có khả năng đầu tư mạnh tay vào cơ sở hạ tầng ngay cả khi phe Cộng hòa kiểm soát Thượng viện. Nhà lãnh đạo 77 tuổi này được kỳ vọng sẽ tận dụng hàng chục năm kinh nghiệm tại quốc hội để có được sự ủng hộ của cả hai đảng.

Lập các tiểu bang mới và mở rộng tòa án

Ông Biden nổi tiếng là một người ôn hòa và đảng của ông đã duy trì đoàn kết trong suốt mùa bầu cử năm nay. Tuy nhiên, bên trong đảng vẫn tồn tại những chia rẽ, có khả năng tái bùng phát khi bầu cử kết thúc.

Sự chia rẽ rõ ràng nhất là giữa những người theo chủ nghĩa trung dung và những người cấp tiến. Vì vậy, khi muốn thông qua một số thay đổi căn bản đối với các thể chế Mỹ, tân Tổng thống Biden chắc chắn sẽ gặp áp lực từ những người đi đầu phe cực tả trong đảng như Hạ nghị sĩ Alexandria Ocasio-Cortez.

Hiện chưa rõ ông Biden sẵn sàng “chơi lớn” đến mức nào trước cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2022 để thực hiện các giấc mơ theo đuổi lâu nay. Tuy nhiên, ông có thể nhắm tới việc trao địa vị bang cho thủ đô Washington và vùng Puerto Rico, tăng cường các quyền bỏ phiếu, đại tu bộ máy tư pháp và loại bỏ sự cản trở ở Thượng viện.

Ông Biden từng tuyên bố sẽ thành lập một ủy ban lưỡng đảng để kiểm tra việc cải cách Tòa án tối cao, nơi nhiều chính khách cùng đảng Dân chủ muốn ông tăng số lượng thẩm phán để chống lại lợi thế đa số 6/9 như hiện nay của phe bảo thủ.

Tuấn Anh/VNN

Bài mới
Đọc nhiều