Ông Joe Biden đắc cử Tổng thống Mỹ và những lợi ích cho kinh tế Việt Nam
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng ông Biden đắc cử, thị trường chứng khoán có thể trở lại sự ổn định với 2 điều kiện căng thẳng chính trị của Mỹ được hóa giải và dịch bệnh phải được kiểm soát.
Nhiều hãng truyền thông Mỹ đã công bố ông Joe Biden giành chiến thắng trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng và lãnh đạo một số nước châu Âu (Anh, Đức, Pháp), Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã gửi lời chúc mừng chiến thắng của ông Joe Biden.
Ông Biden cũng cho biết, ưu tiên hàng đầu của ông khi đắc cử Tổng thống Mỹ là phát triển một kế hoạch ngăn chặn và phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Chuyên gia tài chính – ngân hàng, tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu vừa chia sẻ với Tạp chí điện tử Doanh nhân Việt Nam về tác động của nền kinh tế thế giới, khu vực cũng như Việt Nam ngay sau thời điểm ông Biden được xem là đắc cử này.
Những trừng phạt của Mỹ về thao túng tiền tệ sẽ nhẹ nhàng hơn
Theo tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, tâm lý mong ông Trump tái cử là phổ biến tại Việt Nam, nhưng xét về mặt kinh tế, sự tái của này sẽ không có lợi. Ông Trump đưa ra chiêu bài tất cả các nước theo Mỹ, “sống theo nước Mỹ” đều bị trừng phạt và một trong những cách trừng phạt là Mỹ đưa vào tầm ngắm là thao túng tiền tệ. Việt Nam đã bị rơi vào tầm ngắm này vào ngày 2/10 vừa qua, trước đó, tầm ngắm này đã bị “rập rình” khá lâu.
Bộ Tài chính Mỹ vừa đưa ra 2 thông báo Việt Nam bán gỗ sang Mỹ có nguồn gốc bất hợp pháp từ Campuchia và Việt Nam đã đạt cả 3 chỉ tiêu thao túng tiền tệ cùng với 3 quốc gia khác. Trong khi đó, Trung Quốc lại không phải là nước thao túng tiền tệ bởi đầu năm 2020, Mỹ đã đưa Trung Quốc ra khỏi danh sách này để thúc đẩy các cuộc đàm phán song phương về kinh tế.
“Việt Nam bị “vạ lây” bởi tầm ngắm này của chính quyền ông Trump. Cáo buộc liên quan hiện đang trong quá trình điều tra, cuối tháng 11 này sẽ có kết quả để kết luận thực sự Việt Nam có thao túng tiền tệ hay không. Nếu bị, Việt Nam hoặc bị trừng phạt từ Mỹ, hoặc Việt Nam phải mua hàng hóa Mỹ để giảm thiểu xuất siêu từ mình sang Mỹ. Ông Trump không nhân nhượng Việt Nam trong sự trừng phạt này”, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu nói.
Trong 4 năm cầm quyền của ông Trump, xét vê quan hệ kinh tế thương mại Mỹ và Việt Nam, Việt Nam đã xuất siêu nhưng đây không phải là chính quyền ông Trump tạo điều kiện, chỉ là nhu cầu từ thị trường Mỹ và nguồn cung thích ứng của Việt Nam. Không chỉ xuất siêu trên 20 tỷ USD sang Mỹ (con số mà Mỹ đưa vào tầm ngắm thao túng tiền tệ), hiện Việt Nam đã xuất siêu sang Mỹ trên 40 tỷ USD. Nếu Đảng Dân chủ lên nắm quyền, đường lối của ông Biden với Trung Quốc sẽ dịu hơn những gì ông Trump đang thể hiện.
Mỹ và Trung Quốc sẽ tìm cách giải quyết cuộc chiến tranh thương mại này, qua đó, những trừng phạt liên quan đến các nước xuất siêu vào Mỹ, trong đó có Việt Nam sẽ nhẹ nhàng hơn nhiều.
Việt Nam có thể hy vọng hơn từ CPTPP
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu bày tỏ sự lạc quan tin tưởng vào những gì chính quyền ông Biden sẽ mang lại cho hợp tác kinh tế quốc tế, qua đó, Việt Nam sẽ được hưởng lợi, trước nhất là từ lại Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) nếu chính quyền của ông Biden quay lại bàn đàm phán, tiếp nối chính sách và khuynh hướng toàn cầu mà chính quyền Obama và Biden trước đây đưa ra.
“Nếu ông Biden tạo được công ăn việc làm cho người Mỹ thì tôi nghĩ vào năm 2022 kinh tế của Mỹ sẽ ổn định hơn lúc này, qua đó, Việt Nam được hưởng lợi hơn Cái nhìn chung của tôi là ông Biden lên với chính sách và khuynh hướng toàn cầu hóa sẽ có lợi cho Việt Nam”, ông Hiếu khẳng định.
Về thị trường chứng khoán, ông Hiếu cho rằng thị trường này có thể trở lại sự ổn định với 2 điều kiện.
Đó là căng thẳng trong tình hình chính trị của Mỹ được hóa giải bằng cách này hay cách khác và dịch bệnh phải được kiểm soát. Dịch bệnh của Mỹ đang lên mức trầm trọng.
Nếu cuộc chiến pháp lý diễn ra căng thẳng, chứng khoán sẽ lao dốc, thị trường vàng sẽ tăng. Hy vọng nếu ông Biden lên thì chính sách sẽ thiên về siết chặt tiền tệ hơn là nới lỏng như ông Trump đang làm (ông Trump đã đưa lãi suất xuống gần bằng 0 và muốn nới lỏng chính sách tiền tệ để các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn của Mỹ được hưởng lợi).
“Tôi cho rằng, ông Biden năm đầu chưa siết chặt triệt để nhưng về sau, khi kinh tế Mỹ có dấu hiệu phục hồi sẽ dần dần thắt chặt chính sách tiền tệ lại vì quan điểm của Đảng Dân chủ là muốn kiểm soát lạm phát, họ không thể để lãi suất xuống quá thấp”, ông Hiếu nói.
PV/DT