+
Aa
-
like
comment

Ông Hai Nghĩa và “án bỏ túi” rúng động

Phan Mai Lợi - 19/02/2021 11:29

Sớm nghe tin nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng – tức ông Hai Nghĩa, từ trần chợt nhớ chút kỷ niệm với vị lãnh đạo chính trực, liêm minh, kiên quyết tuyên chiến với “án bỏ túi”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội ngộ cùng nguyên Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng – vị lãnh đạo công, chính, liêm, minh, luôn được lòng dân.

Dạo đó vào năm 2001-2002, khi vụ án liên quan đến Năm Cam vừa xong, triệt phá được vụ án này, đưa được một số cựu Ủy viên Trung ương ra tòa, người dân hay nhắc đến công của Tướng cảnh sát Nguyễn Việt Thành, song ít người biết đến sự âm thầm phía sau của Trưởng ban Nội chính Trung ương Trương Vĩnh Trọng – khi đó vừa được đưa từ Bến Tre ra.

Thời điểm ông Hai Nghĩa lãnh đạo Ban Nội chính cũng là thời điểm án oan sai trong tố tụng hình sự diễn ra khá nhiều. Trung ương Đảng đã giao cho Ban Nội chính triển khai chủ trương “Cải cách tư pháp” với chuỗi hoạt động bài bản từ trước mắt đến lâu dài, từ vụ án cụ thể đến sửa đổi tố tụng và cấu trúc bộ máy…

Có rất nhiều văn bản và nghị quyết được ban hành về vấn đề này, song nhớ nhất lúc đó là Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về một số biện pháp cấp bách về tố tụng hình sự, nổi bật là câu “chủ tọa tuyên án căn cứ vào diễn biến tranh tụng tại phiên tòa”, dẫn tới dấy lên một trào lưu phê phán “án bỏ túi” và nâng cao vai trò, vị thế của luật sư tại phiên tòa hình sự. Trào lưu đó mạnh đến nỗi TAND TP.Hà Nội và nhiều địa phương liên tục mở các “phiên tòa mẫu” với việc bố trí luật sư ngồi ngang hàng và “cãi nhau” bình đẳng với công tố viên, thẩm phán phải lắng nghe đủ ý kiến 2 phía để lượng hình…

Không chỉ là các “phiên tòa mẫu”, ông Hai Nghĩa còn cùng Ban Nội chính đệ trình các Nghị quyết rất tiến bộ khác để Bộ Chính trị ban hành, như Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 2/01/2002 “Về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới”, và Nghị quyết 49-NQ/TW, ngày 2/6/2005 về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, được giới luật nhìn nhận như “cuộc cách mạng” trong tư pháp.

Ông Vũ Quốc Hùng – Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận định: “Đây là những nghị quyết rất quan trọng có tầm chiến lược, thể hiện đầy đủ quan điểm của Đảng về công tác tư pháp với mục tiêu, phương hướng và nhiệm vụ cụ thể nhằm đưa Việt Nam trở thành một nước có nền tư pháp văn minh”.

Sau đó thì ông Hai Nghĩa dời chức về làm Phó Thủ tướng, và ông bị cuốn vào vòng quay hành pháp đến lúc về hưu.

Nay nghe tin ông mất, biên vội vài dòng như nén nhang tưởng nhớ ông, vị lãnh đạo thanh liêm, thật gần gũi.

Phan Mai Lợi

Bài mới
Đọc nhiều