Ông Duterte đến Bắc Kinh, hứa sẽ cầm theo phán quyết năm 2016 của PCA
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte sẽ đến Bắc Kinh vào ngày 28/8, ông cho biết lần này sẽ mang theo phán quyết năm 2016 của tòa trọng tài về vụ Philippines kiện Trung Quốc.
Đây sẽ là chuyến thăm Bắc Kinh lần thứ 5 của ông Duterte kể từ khi trở thành tổng thống Philippines vào năm 2016. Nếu như các cuộc gặp gỡ lần trước đều thể hiện mối quan hệ nồng ấm, lần này mọi thứ được dự đoán sẽ ít thân mật hơn do ông Duterte đang phải chịu nhiều sức ép từ quê nhà.
Tổng thống Philippines cho biết sẽ đưa ra phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài về vụ kiện do Philippines đệ đơn. Phán quyết này tuyên bố vô hiệu hóa yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông.
“Đừng kiểm soát cái miệng tôi”
Trong 3 năm đầu tiên của nhiệm kỳ, ông Duterte đã bỏ qua những lời kêu gọi đem phán quyết này ra với Bắc Kinh, để đổi lấy một mối quan hệ nồng ấm với Trung Quốc, dù ông từng hứa sẽ đưa nó ra trước khi kết thúc nhiệm kỳ vào năm 2022. Nhưng lần này, ông Duterte tuyên bố nhất định sẽ nhắc tới phán quyết, dù có thể làm mất lòng Bắc Kinh.
“Bạn (Trung Quốc) có thích hay không, bạn có vui hay không, tức giận hay có thế nào đi nữa, tôi xin lỗi, nhưng chúng ta phải nói về phán quyết trọng tài”, ông Duterte nói hồi tuần trước.
Tổng thống Philippines cũng tiết lộ có người đã ngăn cản ông đưa phán quyết của PCA ra trong chuyến thăm Bắc Kinh lần này.
“Họ nói rằng không nên nói về chuyện này. Tôi nói ‘Không’. Nếu tôi, tổng thống của một quốc gia có chủ quyền không được phép nói về những gì tôi muốn nói, thì chẳng cần phải nói gì với nhau hết. Đừng kiểm soát cái miệng tôi, vì đó là món quà của chúa”, ông Duterte nói.
Không rõ ông Duterte hy vọng sẽ đạt được điều gì bằng cách đưa ra phán quyết của PCA vào thời điểm này, khi đang ở giai đoạn giữa nhiệm kỳ 6 năm của mình.
Tổng thống Philippines cũng nói rằng ông không muốn xung đột với Trung Quốc, nhưng việc thảo luận về phán của của tòa trọng tài là một phần của ngoại giao, và là giải pháp hòa bình cho hoạt động hàng hải.
“Chúng ta sẽ không tiến đến chiến tranh. Tôi sẽ chỉ đưa quân đội và cảnh sát vào miệng hố địa ngục”, ông Duterte cho biết. Nhưng lần này, ông Duterte muốn đi xa hơn.
“Chúng ta nói chuyện để giải quyết vấn đề này một cách hòa bình. Bây giờ hãy nói cho tôi, làm sao để chúng ta giải quyết vấn đề này một cách hòa bình? Cần phải có một thứ gì đó. Bạn không thể chỉ nói chuyện”, ông Duterte phát biểu.
Cụ thể, tổng thống Philippines muốn khởi động khai thác dầu khí chung trong vùng biển bị tranh chấp.
“Hãy để chúng ta nói về những gì ở đó. Bạn cần phải chia sẻ với chúng tôi”, ông Duterte cho biết.
Sức ép với ông Duterte
Trung Quốc và Philippines đã ký một biên bản ghi nhớ để cùng thăm dò và khai thác các nguồn tài nguyên ở Biển Đông và đồng ý đưa ra một điều gì đó cụ thể hơn vào tháng 11 này.
Tuy nhiên, ông Duterte dường như đang mất kiên nhẫn. Philippines đang có nhu cầu cấp bách với một mỏ khí tự nhiên mới, vì mỏ Camago-Malampaya dự kiến cạn kiệt vào năm 2024. Mỏ dầu ngoài khơi tỉnh Palawan này cung cấp năng lượng cho 3 nhà máy điện có nhiệm vụ tạo ra năng lượng cho một nửa đảo Luzon, đảo chính của Philippines nơi gần 50 triệu người sinh sống.
Bãi Reed, một khu vực biển nông với diện tích gần 9.000 km2, được cho có thể chứa tới 5,4 tỷ thùng dầu và 55,1 nghìn tỷ m3 khí đốt tự nhiên, nhưng Trung Quốc cũng tranh chấp quyền khai thác tại đây.
Trung Quốc đã đồng ý sơ bộ về một thỏa thuận chia sẻ tài nguyên, với tỷ lệ 60-40 nghiêng về phía Philippines. Ông Duterte đang phải chịu sức ép để đưa sự đồng ý này vào một bản thỏa thuận chính thức.
“Chúng ta phải nói về phán quyết của Tòa Trọng tài và nếu có sự khởi đầu cho việc thăm dò và khai thác bất cứ nguồn tài nguyên nào ở trong ruột Trái Đất. Đề xuất 60-40 có lợi cho chúng ta là một sự khởi đầu tốt. Tôi hy vọng rằng nó sẽ nghiêng theo cái cách chúng ta giải quyết phán quyết của Tòa Trọng tài”, ông Duterte nói.
Các nhà phân tích thì cho rằng giọng điệu cứng rắn của ông Duterte có thể là để làm dịu lòng phe quân đội. Quân đội Philippines đã lên tiếng sau khi một loạt các tàu chiến Trung Quốc đi qua lãnh hải Philippines ở eo Sibutu và eo Balabac mà không thông báo.
Trong những tháng gần đây, các quan chức an ninh quốc gia của Philippines đã chỉ trích kịch liệt Trung Quốc khi làm chìm một tàu cá của nước này. Ở trên đất liền, căng thẳng cũng gia tăng với số lượng lớn người Trung Quốc xuất hiện để phục vụ ngành công nghiệp cờ bạc.
Ông Gregory Poling, Giám đốc Chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nói với trang tin tức trực tuyến Rappler rằng trừ khi nỗ lực của ông Duterte là một phần trong nỗ lực ngoại giao lớn hơn để đẩy lùi Trung Quốc, “nó sẽ không tạo ra sự khác biệt”.
Hồng Anh (Theo Rappler)