Ông Dương Trung Quốc: ‘Sao báo cáo trước Quốc hội lại phải né tránh gọi tên Trung Quốc’
Đại biểu Dương Trung Quốc thẳng thắn cho rằng, việc báo cáo đọc trước Quốc hội né tránh nhắc tới tên Trung Quốc sẽ khiến không chỉ người dân Việt Nam mà người dân Trung Quốc cũng thấy khó hiểu.
“Hạt sạn mang vị đắng”
Thảo luận tình hình kinh tế – xã hội tại kỳ họp 8, sáng 31.10, đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho biết, với tư cách là người viết sử như ông, báo cáo của Chính phủ không chỉ để Quốc hội và cử tri đánh giá tình hình đất nước và hoạt động của Chính phủ mà còn là sử liệu cho đời sau.
Vì vậy, ông Quốc đã thẳng thắn nhắc đến “hạt sạn” trong bản báo cáo mà Chính phủ trình ra Quốc hội tại kỳ họp. Theo đại biểu Đồng Nai, các đại biểu Quốc hội cảm nhận được lòng tin được củng cố thế nào sau bản báo cáo Chính phủ về công tác đối ngoại trong đó có vấn đề Biển Đông trình bày trước Quốc hội dù theo ông đây là nội dung chẳng cần họp kín mà nên công khai để cho dân được biết.
Ngay trong bản báo cáo của Chính phủ mà Quốc hội đang thảo luận (báo cáo tình hình kinh tế – xã hội – phóng viên), theo ông Quốc, cũng có những nội dung đầy “khích lệ” về vấn đề này khi khẳng định: “Đảng và Nhà nước ta nhất quán chủ trương những gì thuộc về độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ chúng ta không bao giờ nhân nhượng, đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định phát triển của đất nước”.
Tuy nhiên, ông Quốc bày tỏ, “hạt sạn mang vị đắng” mà ông muốn nói tới là ngay trước đoạn trích trên lại là một mệnh đề thiếu thành phần ngữ pháp khi báo cáo của Chính phủ không nói rõ chủ ngữ của hành động vi phạm nghiêm trọng trên các vùng biển của Việt Nam được xác định theo luật pháp quốc tế là ai.
“Tại sao trước đó, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao của chúng ta đã nói rõ Trung Quốc là người gây bất ổn ở Biển Đông trước bàn dân thiên hạ, trên diễn đàn quốc tế, nhưng báo cáo đọc trước Quốc hội, cũng là trước đồng bào của mình, lại né tránh cái quốc danh vốn đáng kính trọng của một quốc gia văn minh nhưng chúng ta cũng lên án bởi những việc làm trái với luật pháp quốc tế và lợi ích chính đáng của chúng ta?”, ông Quốc đặt câu hỏi.
“Ngay trên diễn đàn Quốc hội cũng vậy, vẫn có vị đại biểu né tránh, thay thế việc chỉ đích danh Trung Quốc bằng khái niệm rất mơ hồ là nước ngoài. Người dân chúng ta thấy thế nào và người Trung Quốc thấy thế nào về cái tâm thế khó hiểu ấy? ” ông Quốc chất vấn.
“Sau này, con cháu chúng ta, những người đọc sử hậu duệ của chúng tôi đọc những văn bản này sẽ nghĩ gì về thời đại chúng ta đang sống?”, ông Quốc nói.
Theo ĐB tỉnh Đồng Nai, dân tộc Việt Nam có cả một chiều dài lịch sử và trong mối quan hệ với Trung Quốc không chỉ có chiến tranh bảo vệ tổ quốc mà còn thời kỳ dài hòa hiếu trong quan hệ ngoại giao giữa 2 bên. “Chúng ta có đầy đủ kinh nghiệm của ông cha chúng ta để giữ ưu thế trong mối quan hệ ấy bảo đảm môi trường hòa bình phát triển. Tôi mong rằng bài học lịch sử ấy sẽ thấm đượm trong hoạt động của thế hệ chúng ta”, ông Quốc kết thúc phần phát biểu của mình.
Cần thông tin đầy đủ hơn về tình hình bảo vệ chủ quyền
Trước đó, cùng về vấn đề này, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cũng khẳng định Đảng, Nhà nước và bất kể người dân nào cũng muốn bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, và quan điểm của chúng ta là không có bất cứ sự nhân nhượng nào khi nói tới bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ.
Tuy nhiên, đại biểu TP.HCM đề nghị cần phải có thông tin đầy đủ hơn về tình hình bảo vệ độc lập chủ quyền của đất nước. “Chúng ta có cả hệ thống chính trị khắp cả nước. Có thể thông qua đó để thông tin kịp thời, đầy đủ hơn về tình hình bảo vệ độc lập chủ quyền của đất nước. Có nhiều cách thức thông tin để người dân yên tâm, tin tưởng vào tương lai và kết quả bảo vệ độc lập chủ quyền lãnh thổ”, ĐB Nghĩa nói, và đề nghị đây là vấn đề Chính phủ cần quan tâm và làm tốt hơn.
(Theo Thanh Niên)