Ông Dương Trung Quốc: ‘Nếu anh Tuấn thấy người yêu nước thì có nhường chức không?’
“Tôi cứ đặt một câu hỏi, rất riêng tư thôi, là anh Tuấn thấy có người giỏi rất yêu nước đi, thấy có người hơn thì anh ấy có dám nhường chức cho người khác không?”, đại biểu Dương Trung Quốc nêu vấn đề.
Bên hành lang Quốc hội sáng 25.10, nói về cuộc tranh luận về người tài trong bộ máy nhà nước tại hội trường Quốc hội hôm qua, đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho rằng, đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) có lẽ giống rất nhiều người, cứ hiểu học tập Bác Hồ cái gì là cứ nguyên vẹn, trong khi thời đại đã thay đổi.
“Tôi cứ đặt một câu hỏi, rất riêng tư thôi, anh Tuấn anh ấy thấy có người giỏi rất yêu nước đi, thấy có người hơn anh ấy có dám nhường chức cho người khác không? Nếu anh ấy dám nhường chức cho người khác thì trong cơ chế này có bổ nhiệm không? Nếu bổ nhiệm đi nữa thì có làm việc được không?”, ông Quốc nêu.
Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, thời kỳ Bác Hồ có đặc thù là chúng ta vừa giành độc lập, phần lớn trí thức tài năng đều được đào tạo từ chế độ cũ, nên những người về với chính quyền cách mạng là vì đặt đại nghĩa lên trên cùng. “Cái giá trị quan trọng không chỉ là đãi ngộ mà là lòng yêu nước”, ông Quốc nói và cho rằng, thời đại hiện nay đã khác, lòng yêu nước cũng đã khác nên không thể lấy chuẩn cũ áp dụng cho hiện nay.
“Cái sâu sắc nhất trong tư tưởng dùng người tài của cụ Hồ là dùng đúng người, đúng chỗ, đúng lúc. Bây giờ một người rất giỏi bên ngoài về thì đừng đề bạt làm gì, anh hãy sắp xếp một công việc phù hợp, tạo ra môi trường hoạt động tốt để họ phát triển. Chế độ đãi ngộ và sự tôn trọng là thế”, ông Quốc nói.
“Tôi không bằng lòng lắm…”
Như vậy có vẻ như đại biểu Nguyễn Quang Tuấn đã hiểu sai phát biểu của ông?
Ông Dương Trung Quốc: Tôi thì không bằng lòng lắm ở chỗ có thể khác biệt nhau trong chuyện tranh luận nhưng đừng quy chụp là xa rời tư tưởng. Chuyện đó chẳng có nghĩa lý gì cả vì quan trọng là cố gắng tìm ra cốt lõi.
Theo tôi, cái quan trọng nhất của công chức là tính kỷ luật, làm sao làm tốt trọng trách của mình, quan hệ biết trên biết dưới với dân. Thứ nữa, về kỷ luật chính trị, anh phải trung thành với chế độ ấy. Đấy là tiêu chí của công chức, chứ đừng đòi hỏi tài năng trong hệ thống công chức là cái gì đột phá, vì anh phải làm đúng quy chuẩn, quy chế và anh phải làm tốt công việc của mình.
Nhưng cũng khó có thể nói rằng, công chức có tài là chỉ cần đánh máy giỏi để khỏi ảnh hưởng đến thủ trưởng, thưa ông?
Đó là cách diễn đạt không đúng. Ở đây tôi nói người đánh máy thì phải đánh máy giỏi. Còn bác sĩ thì phải là bác sĩ giỏi. Bác sĩ giỏi không phải chỉ thực hiện chức trách nghề nghiệp, mà làm tăng giá trị của bệnh viện công. Hay thầy giáo dạy cũng như vậy. Đừng vận dụng là công chức nào cũng phải đánh máy giỏi.
Ông nói tới việc thời đại bây giờ cần hệ thống giá trị khác trước đây trong quan niệm và thu hút người tài, vậy hệ thống giá trị hiện nay đã khác như thế nào?
Bây giờ cái gì cũng chức vụ, cái gì cũng bằng cấp. Điều đó không phải không quan trọng, nhưng rõ ràng với hệ thống giá trị như vậy thì chủ yếu kích thích tâm lý thích làm quan từ ngày xưa.
Trong khi đó, các công chức ngày nay cần tính chuyên nghiệp rất cao. Tại sao đội bóng đá Việt Nam chỉ cần có 2 nhân tố là người dẫn dắt giỏi và đá chuyên nghiệp, trung thực là thay đổi ngay.
“Vận dụng tư tưởng cụ Hồ phải khác đi”
Đại biểu Tuấn nói rằng, bản thân ông Tuấn cũng là người làm trong bộ máy nhà nước nhưng ông làm vì lòng yêu nước chứ không phải vì giá trị khác?
Tôi hỏi người không phải công chức có lòng yêu nước không? Tôi hỏi, anh Tuấn anh đang là viện trưởng, anh có sẵn sàng thấy người yêu nước, giỏi hơn anh ấy anh ấy sẵn sàng giao chức viện trưởng cho người ta không? Cái thứ 2, nếu anh ấy dám nhường chức thì cấp trên có đồng ý bổ nhiệm không? Nếu bổ nhiệm đi nữa thì có làm việc được không?
Một ông Việt kiều yêu nước không đảng viên có giao ông ấy làm viện trưởng không? Có giao thì có thể điều hành được không, nhất là trong cơ chế hiện nay? Thế nên, vận dụng tư tưởng cụ Hồ vào thời đại này cũng phải khác đi.
Hiện nay Quốc hội đang thảo luận sửa đổi luật Công chức, viên chức, vậy tại sao ta không nghĩ tới cơ chế như thời cụ Hồ để thu hút được những người có tài vào trong bộ máy nhà nước để cống hiến?
Làm sao mà mở được. Anh đang bị ảo tưởng. Tôi hỏi anh làm thế nào? Chính bản thân tôi trước đang là Phó viện trưởng Viện Sử học, lúc đó bắt đầu đổi mới, chi bộ ra nghị quyết ngay yêu cầu ông Quốc muốn làm tiếp tục công việc này thì một là ông phải vào Đảng hai là ông phải làm phó tiến sĩ. Thế là tôi nghỉ…
Nhưng dẫu nói thế nào thì nhà nước cũng rất cần có người tài, dù theo nghĩa nào?
Tôi nhắc lại quan điểm của tôi, tài năng của công chức không phải xuất chúng, là kiệt xuất. Nhân tài, bản chất từ xưa là anh nào dùng đúng việc anh ấy, chỉ như vậy anh mới phát huy được sức mạnh của xã hội chứ.
Còn xuất chúng là chuyện khác, chuyện cả xã hội, chứ đâu chỉ là công chức mới quan trọng. Tư nhân họ cũng tranh thủ, cũng đi lùng chất xám, cũng “săn đầu người” chứ. Nhưng nội dung đó nên để cho một luật khác.
Lê Hiệp/Thanh Niên