+
Aa
-
like
comment

Ông Đoàn Ngọc Hải: Xả rác xuống hồ ở Singapore bị phạt 10 ngàn đô và đánh roi vài lần là tất cả trật tự

16/03/2021 10:25

“Tại sao dịch COVID chúng ta làm tốt hơn Singapore mà vấn đề xả rác chúng ta vẫn mãi không thể bằng họ? Singapore họ đã làm được từ 40 năm nay rồi mà ta vẫn loay hoay chưa làm được?”, ông Hải đặt câu hỏi.

Ông Đoàn Ngọc Hải: Xả rác xuống hồ ở Singapore bị phạt 10 ngàn đô và đánh roi vài lần là tất cả trật tự
Ông Đoàn Ngọc Hải xuất hiện tại Đà Lạt và tham gia một chương trình thực tế để có thêm tiền cho quỹ từ thiện.

Tối 14/3, ông Đoàn Ngọc Hải đã có mặt tại Đà Lạt để gặp gỡ ê kíp thực hiện chương trình “Cơ hội đổi đời”. Ông Hải cùng “chiếc ngựa thồ” của mình vượt quãng được 1.727 cây số từ Sa Pa về Đà Lạt sau khi nhận được lời mời tham gia chương trình.

Trước đó, nguyên Phó chủ tịch UBND Quận 1 (TP.HCM) chia sẻ, đây là một trong những cơ hội giúp ông có thêm tiền cho nguồn quỹ từ thiện, vì một “bữa cơm có thịt” cho các em học sinh vùng cao.

“Các nguồn thu tôi nhận được từ chương trình này, tôi sẽ cho các cháu trường mầm non Sử Pán như đã chia sẻ, để làm sao các cháu có được thêm nhiều thịt trong những bữa cơm hàng ngày”, ông Đoàn Ngọc Hải nói.

Ông Đoàn Ngọc Hải: Xả rác xuống hồ ở Singapore bị phạt 10 ngàn đô và đánh roi vài lần là tất cả trật tự - Ảnh 1.
Ông Đoàn Ngọc Hải bất ngờ được vợ chồng nghệ sĩ Việt Hương tặng 1,7 tỉ đồng để mua xe cứu thương mới trong chuyến đi tới Đà Lạt.

Cũng trong chuyến đi tới Đà Lạt, chia sẻ với PV vào trưa 15/3, ông Đoàn Ngọc Hải cho biết, sau 3 tiếng đồng hồ lao động cật lực, ông được Ban tổ chức gửi thù lao số tiền 250 triệu đồng để cho các cháu ở Trường mầm non Sử Pán (Sa Pa, Lào Cai) có 50 triệu đồng tiền thịt; có đủ tiền để cho 5 chị em nữ công nhân vệ sinh ở Hà Nội, một số cháu học sinh ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa và hải đảo đi du lịch đến Singapore sắp tới.

Sau buổi ghi hình trong chương trình truyền hình thực tế, vẫn có mặt tại Đà Lạt sáng 16/3, ông Đoàn Ngọc Hải đã có những chia sẻ về tình trạng rác thải ở thành phố du lịch này trên trang cá nhân:

“Tôi bắt đầu một ngày mới bằng bài tập chạy bộ 10km, tôi ngồi nghỉ bên bờ hồ Xuân Hương chuyện trò với anh công nhân vệ sinh Đà Lạt về tình trạng xả rác xuống lòng hồ, anh ấy đã lắc đầu ngao ngán và nói về tình trạng xả rác của không ít khách du lịch khi đến đây.

Với vi phạm xả rác xuống sông, hồ thì mức chế tài để xử phạt ở Singapore rất nặng (10 ngàn đô la Singapore ), họ chỉ phạt và đánh roi vài lần là tất cả trật tự. Họ làm quyết liệt chính là vì dân.

Ông Đoàn Ngọc Hải: Xả rác xuống hồ ở Singapore bị phạt 10 ngàn đô và đánh roi vài lần là tất cả trật tự - Ảnh 2.
Hình ảnh rác thải bên hồ Xuân Hương đăng tải trên trang cá nhân của ông Đoàn Ngọc Hải.

Tôi sẽ có buổi làm việc với công ty môi trường đô thị Đà Lạt chọn mấy anh chị em công nhân vệ sinh để thưởng cho họ chuyến đi Singapore cùng với các chị em công nhân vệ sinh ở Hà Nội.

Rất mong mọi người khi đến Đà Lạt và tất cả các thành phố khác trong nước hãy chung tay giữ gìn vệ sinh môi trường, tại sao trong nhà riêng của quý vị thì quý vị không xả rác bừa bãi? Tại sao quý vị khi sang đến đất nước Singapore quý vị không dám xả rác bừa bãi? Tại sao các đơn vị chức năng trên cả nước không xử phạt xả rác để hôm nay nó đã trở thành căn bệnh “ung thư”.

Ai sẽ phải chịu trách nhiệm? Không lẽ tất cả người dân Đà Lạt và tất cả người dân ở các thành phố trên cả nước phải chịu trách nhiệm?

Cần phải nhanh chóng thay đổi tư duy lãnh đạo và giáo dục cho học sinh từ cấp 1 về vấn nạn xả rác bừa bãi. Tại sao dịch COVID chúng ta làm tốt hơn Singapore mà vấn đề xả rác chúng ta vẫn mãi không thể bằng họ? Singapore họ đã làm được từ 40 năm nay rồi mà ta vẫn loay hoay chưa làm được?

Vấn đề vệ sinh môi trường, lòng đường, vỉa hè nhếch nhác, bẩn thỉu… các vị lãnh đạo thành phố đừng viết và phát biểu 4 chữ “cần có lộ trình” trong các văn bản chỉ đạo thực hiện nữa vì luật và các thông tư hướng dẫn xử phạt đã có hiệu lực hàng chục năm nay rồi.

Người dân đóng thuế không phải để nhận lại một chất lượng cuộc sống nhếch nhác!”

Vấn đề rác thải ở đô thị luôn là điều trăn trở của ông Đoàn Ngọc Hải, trước đó vào sáng 8/3, ông Đoàn Ngọc Hải đã đến Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội thăm các nữ công nhân vệ sinh môi trường nhân ngày Quốc tế phụ nữ 8/3.

Tại đây, ông Hải đã dành tặng 120 triệu đồng cho 600 nữ công nhân vệ sinh môi trường, mỗi nữ công nhân được 200.000 đồng. Số tiền 120 triệu đồng trên là do ông Hải bán chiếc áo thổ cẩm lưu niệm của người dân tộc H’Mông để có được.

Ngoài ra, ông Hải hứa sẽ tặng cho 5 nữ công nhân môi trường đi du lịch Singapore sau khi đã tiêm phòng dịch COVID-19 để tham quan môi trường đô thị của nước bạn.

Minh Ngọc

Bài mới
Đọc nhiều