+
Aa
-
like
comment

Ông Đoàn Ngọc Hải vẫn chờ chế độ: Trường hợp đặc biệt

19/12/2019 10:09

Giải quyết chính sách, chế độ cho một cán bộ bình thường chỉ mất thời gian từ vài ngày tới 1 tuần. Ông Hải là trường hợp đặc biệt nên…

Ông Đoàn Ngọc Hải đã chính thức nhận được quyết định cho thôi việc của Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn TNHH MTV. Tuy đã nhận quyết định thôi việc nhưng đến nay các chế độ, chính sách thôi việc chưa được các cơ quan liên quan giải quyết.

Như vậy, tính từ thời điểm ông Hải nộp đơn xin từ chức là ngày 4/6, cho tới ngày 6/12, khi nhận được quyết định chính thức được thôi việc từ Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn TNHH MTV, ông Hải đã phải mất 6 tháng để chờ đợi.

Ông Đoàn Ngọc Hải.

Nói về sự bất cập trên, ông Mai Đức Chính – nguyên Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho rằng, vướng mắc của ông Hải nằm ở chỗ, ông Đoàn Ngọc Hải nguyên là Phó Chủ tịch UBND quận 1 TP HCM và được UBND TPHCM quyết định điều động sang làm Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn TNHH MTV (gọi tắt Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn).

Vì là người thuộc Thành ủy, UBND thành phố quản lý, nên muốn giải quyết cho ông Hải nghỉ việc phải tuân theo đúng quy định của các cấp thẩm quyền. Cụ thể là có sự đồng ý của Ban thường vụ Thành ủy, tiếp đến Ban tổ chức Thành ủy mới có văn bản chuyển sang các cơ quan quản lý có thẩm quyền như Sở Nội vụ, Sở LĐ-TB-XH… phối hợp giải quyết.

Trong thời gian chờ đợi giải quyết thủ tục cho nghỉ việc, ông Hải vẫn được hưởng đầy đủ chính sách lương, chế độ BHXH đúng quy định.

Về thời gian 6 tháng chưa giải quyết xong chế độ cho ông Hải, ông Chính cho biết đây là trường hợp cá biệt.

Muốn giải quyết các chính sách chế độ cho ông Hải, ngoài việc dựa vào quyết định điều động, cho thôi việc phải căn cứ vào quyết định thôi trả lương cho ông Hải từ UBND Quận 1.

Tức là, ngay ở thời điểm ông Hải được điều động, quyết định trả lương cho ông Hải được chuyển về đơn vị nào đơn vị đó sẽ phải chịu trách nhiệm chi trả và giải quyết các chế độ theo đúng quy định pháp luật.

Hơn nữa, trong quá trình giải quyết công tác cán bộ, các cơ quan chức năng còn phải thực hiện thêm công tác vận động tâm lý, phải xem xét tới nguyện vọng của ông Hải nữa.

“Giải quyết chính sách, chế độ cho một cán bộ bình thường chỉ mất thời gian từ vài ngày tới 1 tuần, ông Hải là trường hợp đặc biệt nên quá trình giải quyết cũng phức tạp, mất nhiều thời gian hơn”, ông Chính nói.

Trong khi đó, PGS.TS Mạc Văn Tiến, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học dạy nghề Bộ LĐTBXH cho rằng, đây là biểu hiện điển hình của sự trục trặc trong giải quyết vấn đề này tại Việt Nam.

Ông Hải trước khi xin nghỉ việc là một cán bộ công chức trực thuộc Thành ủy TP.HCM quản lý. Theo quy định, ông Hải được hưởng đầy đủ các chế độ, chính sách theo luật công chức. Tuy nhiên, sau khi có đơn xin nghỉ việc ông Hải được điều chuyển sang doanh nghiệp tức là từ hệ công chức chuyển sang hệ viên chức. Việc chuyển đổi con người, chính sách từ hai hệ công chức sang viên chức đã rất phức tạp, lằng nhằng, mất nhiều thời gian.

Hơn nữa, trong trường hợp của ông Hải, là xin nghỉ việc ngay khi vừa có quyết định điều chuyển từ công chức sang viên chức, tức việc giải quyết cho nghỉ việc sẽ dựa trên thỏa thuận của ông Hải với doanh nghiệp và phải căn cứ vào quyết định thôi trả lương của Thành ủy TP.HCM.

Về quyền lợi, trong trường hợp ông Hải xin nghỉ việc không lương thì ông Hải sẽ không được nhận chế độ, trợ cấp trong khoảng thời gian nghỉ việc.

Nhưng, trong thời gian này ông Hải vẫn thuộc diện trả lương của Thành ủy thì ông Hải vẫn được hưởng đầy đủ chế độ, chính sách, bao gồm cả chính sách hỗ trợ chờ việc theo quy định của luật pháp.

Từ những bất cập trên, ông Tiến cho rằng luật phải có sự cải tiến, cụ thể là phải thay đổi cho phù hợp với xu hướng phát triển của thị trường lao động.

Nhất là khi đã có những quyết định bỏ “viên chức suốt đời”, khi đó thị trường lao động sẽ rất linh hoạt, người lao động có thể tự do dịch chuyển từ khu vực nhà nước sang tư nhân, từ công chức, viên chức sang lao động bình thường, vì thế, đòi hòi hệ thống pháp luật phải có các quy định rất cụ thể khi giải quyết cho các trường hợp này.

“Trường hợp của ông Hải là điển hình của bất cập cần phải thay đổi. Vì khi có quyết định điều chuyển cũng đồng nghĩa với việc phía tiếp nhận phải chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để tiếp nhận con người như: phòng ốc, nơi làm việc, máy móc, thiết bị…

Tuy nhiên, ông Hải lại không đến làm việc khiến doanh nghiệp không dám bổ nhiệm người khác nhưng cũng không tự quyết định cho thôi việc được.

Còn về phía ông Hải, vì sự nhùng nhằng trong giải quyết chế độ, chính sách ông Hải cũng chủ động được trong công việc, mà luôn phải trong tâm trạng chờ đợi, không ổn định.

Tới đây, sự dịch chuyển lao động như trên sẽ còn xảy ra phổ biến. Nếu không có sự điều chỉnh phù hợp sẽ dẫn tới nhiều bất cập vừa gây tốn kém tiền của, vừa mất thời gian, vừa để lãng phí nguồn lực”, ông Tiến nói.

Lam Nguyễn/ ĐVO 

Bài mới
Đọc nhiều