Ông Đoàn Ngọc Hải đón các phụ nữ mù vô gia cư vào ở nhà mới toanh
Ông Đoàn Ngọc Hải đã xây xong ngôi nhà 4 tầng (1 trệt, 1 lửng, 2 lầu) mới toanh ở TP.HCM, và ông có nguyện vọng đón 18 phụ nữ mù vô gia cư vào ở lâu dài.
Ngôi nhà này có địa chỉ tại số 12E1M, đường DN4-1, khu dân cư An Sương, khu phố 3, P.Tân Hưng Thuận, Q.12 (TP.HCM), gồm có 4 tầng (gồm 1 trệt, 1 lửng, 2 lầu), được ông Đoàn Ngọc Hải xây dựng mới hoàn toàn trong năm 2020 và hoàn thành trước Tết Nguyên đán 2021 theo đúng kế hoạch để đón phụ nữ mù vô gia cư vào ở miễn phí.
Chi phí mua đất, xây ngôi nhà này từ số tiền ông Đoàn Ngọc Hải bán đồng hồ, điện thoại mà trước đó ông sở hữu cho 1 doanh nhân ở Quảng Ninh, với mục đích là để xây dựng 1 ngôi nhà cho phụ nữ mù vô gia cư.
Hiện ngôi nhà này đã hoàn thiện, hệ thống điện, nước, ánh sáng, quạt gió đầy đủ, đã bố trí 20 giường ngủ. Nhà có không gian bếp, phòng khách sinh hoạt chung, mỗi tầng đều có bố trí phòng tắm, vệ sinh.
Chia sẻ với PV, ông Hải cho biết toàn bộ không gian của ngôi nhà có thể làm nơi ở cho 20 phụ nữ vô gia cư. Kể từ hôm nay (22.1.2021), ông và gia đình sẵn sàng đón người vô gia cư vào ở.
“Trong 20 người vô gia cư ấy, thì kế hoạch của tôi phân định rõ, là đón 18 phụ nữ mù vô gia cư, 2 phụ nữ sáng mắt, có sức khỏe nhưng không có nơi ở vào ở để có thể phụ giúp chăm sóc 18 phụ nữ mù vô gia cư”, ông Hải nói.
Theo chia sẻ của ông Hải, tất cả 20 người này đều được ở miễn phí hoàn toàn, lâu dài, được hỗ trợ cơm nước mỗi ngày.
“Trước mắt, suất cơm thì đã có anh Duệ ngụ ở Q.Tân Bình, TP.HCM hứa giúp. Về lâu dài, tôi cùng một số người bạn là nhà hảo tâm sẽ kiếm công việc phù hợp giúp chị em khiếm thị ở trong nhà có thể tự làm để tự lo cho cuộc sống của mình”, ông Hải chia sẻ thêm.
Ngôi nhà này sẽ được tôi làm di chúc cụ thể, và chỉ dành cho phụ nữ mù vô gia cư ở mãi mãi.
Ông Đoàn Ngọc Hải
Ông Đoàn Ngọc Hải từng có thời gian công tác ở UBND Q.1, và khi được điều chuyển công tác sang 1 doanh nghiệp Nhà nước thuộc TP.HCM, ông xin nghỉ việc. Sau đó, ông dành phần lớn thời gian của mình lái xe cứu thương (do ông tự mua) chuyên chở bệnh nhân khó khăn, hài cốt liệt sĩ, chở sữa và quà tặng cho học sinh ở nhiều vùng miền trên cả nước…