Ông Đinh La Thăng kêu oan nhưng không kháng cáo vụ sai phạm cao tốc Trung Lương
Trong vụ sai phạm liên quan Cao tốc TPHCM – Trung Lương, ông Đinh La Thăng bị phạt 10 năm tù, cựu Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường bị phạt 4 năm 6 tháng tù. Cả 2 ông đều không kháng cáo…
TAND Cấp cao tại TP.HCM vừa ấn định đưa ra xét xử vụ án vụ sai phạm tại cao tốc Trung Lương vào ngày 22/3. Dự kiến phiên xử sẽ diễn ra tới ngày 25/3.
HĐXX gồm chủ tọa Trần Thị Thu Thuỷ và hai thẩm phán Hoàng Thanh Dũng, Phạm Công Mười. Đại diện VKS là ông Trần Anh Dũng (kiểm soát viên).
Vụ án này, 16 bị cáo không kháng cáo, trong đó có các bị cáo Đinh La Thăng (cựu Bộ trưởng GTVT) và ông Nguyễn Hồng Trường (cựu thứ trưởng GTVT). Để xem xét các kháng cáo trong vụ án toà có triệu tập bốn bị cáo không kháng cáo nhưng không có ông Thăng và ông Trường. Ngoài ra, toà còn triệu tập bị hại là Bộ GTVT và sáu công ty, chi nhánh liên quan gồm: Cty CP Tập đoàn Yên Khánh; Chi nhánh Cty CP Tập đoàn Yên Khánh tại Long An; Cty CP nước giải khát Khánh An; Cty TNHH TMDV Xuân Phi; Cty CP ĐTPT Thái Sơn (Bộ Quốc phòng); Cty CP Licogi 13 và Cty CP BOT Cầu Việt Trì.
Trước đó, ngày 22/12/2020, TAND TPHCM tuyên án sơ thẩm, phạt ông Đinh La Thăng (cựu Bộ trưởng GTVT) 10 năm tù, với tội danh “Vi phạm quy định về sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí”. Cựu thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường, bị phạt 4 năm 6 tháng tù. Ông Đinh Ngọc Hệ (nguyên Phó Tổng giám đốc Tổng Cty Thái Sơn) tù chung thân tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; 13 năm tù tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”. Tổng hợp hình phạt là tù chung thân và buộc ông Đinh Ngọc Hệ bồi thường 725 tỷ đồng và 3,4 tỷ đồng trong vụ mua căn biệt thự Cty Licogi 13.
Các bị cáo Tô Phước Hùng (cựu Kế toán trưởng Cty Yên Khánh) 9 năm tù. Vũ Thị Hoan (cựu Giám đốc Cty Yên Khánh) 7 năm tù, tổng hợp hình phạt với bản án trước đó là 14 năm tù; Phạm Tấn Hoàng (cựu Phó phòng kế toán Cty Yên Khánh) 6 năm tù; Trần Văn Miền (cựu Phó giám đốc Cty Yên Khánh) 7 năm tù; Nguyễn Thị Kim Huệ (cựu Kế toán Cty Yên Khánh) 5 năm tù; Ngô Bá Thắng (cựu Giám đốc Cty Yên Khánh) 5 năm tù; Nguyễn Xuân Hiền (cựu giám đốc Cty Xuân Phi) 6 năm tù; Hoàng Tô Hạnh Vân (cựu Phó giám đốc Cty Xuân Phi) 3 năm tù (cho hưởng án treo); Đinh Thị Chung (cựu Kế toán Cty Yên Khánh) 2 năm tù (cho hưởng án treo); Tạ Đức Minh (thủ quỹ Cty Yên Khánh) 2 năm tù (cho hưởng án treo); Lê Thị Những (cựu nhân viên Cty Đức Bình) 2 năm tù (cho hưởng án treo) – cùng tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Theo nội dung bản án, trong việc quản lý tài sản Nhà nước và chuyển giao quyền thu phí cao tốc TP HCM – Trung Lương, tháng 2/2012, sau khi Thủ tướng có văn bản đồng ý chủ trương cho bán quyền thu phí, ông Đinh La Thăng (lúc này là Bộ trưởng Bộ GTVT) đã điện thoại chỉ đạo Dương Tuấn Minh (Tổng giám đốc Tổng Cty Cửu Long) để ông Đinh Ngọc Hệ (cựu Phó Tổng giám đốc Tổng Cty Thái Sơn) mua được quyền thu phí.
Ông Đinh La Thăng đã ký quyết định về việc thành lập Hội đồng bán đấu giá quyền thu phí và Tổ thường trực giúp việc Hội đồng, giao Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường làm Chủ tịch. Ông Thăng biết việc bán đấu giá không thực hiện đúng quy định của pháp luật, để cho Cty Yên Khánh của ông Hệ trúng thầu theo ý định ban đầu của mình.
Ngoài ra, ông Thăng còn bút phê đề xuất để cho Cty Yên Khánh làm nhà đầu tư xây dựng bổ sung hai nút giao thông trên tuyến nối Tân Tạo – Chợ Đệm và đề nghị cho công ty này cấn trừ vào tiền phải thanh toán theo hợp đồng mua quyền thu phí dẫn đến việc doanh nghiệp tiếp tục không thanh toán đúng theo quy định.
Hành vi sai phạm của ông Thăng đã giúp ông Hệ chiếm đoạt, hưởng lợi tổng cộng 725 tỷ đồng của Nhà nước.
Sau án sơ thẩm, các bị cáo Đinh Ngọc Hệ, Vũ Thị Hoan, Phạm Văn Việt và Tạ Đức Minh có đơn kháng cáo. Cty CP Tập đoàn CP Yên Khánh cũng kháng cáo phần dân sự liên quan tới công ty này.
Tân Châu