Ông Biden tiết lộ cách xử lý vấn đề Trung Quốc
Tổng thống mới đắc cử Mỹ Joe Biden tuyên bố sẽ không lập tức hủy bỏ thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 do lãnh đạo Nhà Trắng đương nhiệm Donald Trump ký với Trung Quốc hay dỡ bỏ hàng rào thuế quan nhằm vào hàng nhập từ đại lục.
Trong một cuộc phỏng vấn hôm 2/12 với tờ New York Times, ông Biden đã tiết lộ đường hướng chính sách ngoại giao của chính quyền Mỹ mới do ông đứng đầu. Theo chính khách Dân chủ, ưu tiên hàng đầu của ông hiện là giành được gói giải cứu nền kinh tế Mỹ hào phóng thông qua Quốc hội, thậm chí trước cả khi ông lên nắm quyền.
Reuters mới đây đưa tin, đương kim Tổng thống Trump đang tính thực hiện thêm các bước nhằm bó buộc ông Biden vào các quan điểm cứng rắn với Bắc Kinh.
“Tôi sẽ không thực hiện bất kỳ động thái nào ngay lập tức và điều này cũng được áp dụng đối với những biện pháp. Tôi sẽ không làm phương hại đến các lựa chọn của mình”, Tổng thống mới đắc cử nói.
Tuy nhiên, ông Biden khẳng định sẽ theo đuổi các chính sách nhằm tấn công các hành vi bị cáo buộc mang tính lạm dụng của Trung Quốc, ví dụ như “ăn cắp bản quyền trí tuệ, bán phá giá sản phẩm, trợ cấp các doanh nghiệp” và “cưỡng ép chuyển giao công nghệ” từ các công ty Mỹ sang các đối tác ở đại lục.
Ông Biden cũng nhấn mạnh nhu cầu phải phát triển sự đồng thuận của cả hai đảng ở trong nước và tập trung nỗ lực của chính phủ vào đầu tư nghiên cứu phát triển, cơ sở hạ tầng và giáo dục để cho phép các công ty Mỹ cạnh tranh tốt hơn với các đối thủ Trung Quốc.
“Tôi muốn đảm bảo rằng chúng ta sẽ chiến đấu hết mình bằng cách đầu tư vào nước Mỹ trước tiên. Tôi nghĩ chiến lược Trung Quốc tốt nhất hiện nay là đưa mọi đồng minh của chúng ta… ở cùng chiến tuyến”, ông Biden bày tỏ.
Theo thỏa thuận giai đoạn 1 đạt được hồi đầu năm nay, Bắc Kinh đã nhất trí tăng mua hàng hóa và dịch vụ Mỹ thêm ít nhất 200 tỷ USD trong giai đoạn 2020 2021. Đổi lại, Washington đồng ý hoãn áp kế hoạch áp thuế mới lên các hàng hóa và dịch vụ Trung Quốc.
Hiện gần như không có nhiều cơ hội để Bắc Kinh hoàn thành các cam kết với Washington trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục hoành hành, ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Theo Bloomberg, thống kê mới nhất tính đến cuối tháng 10 cho thấy, Trung Quốc chỉ mới mua khoảng 44% lượng hàng hóa như đã ấn định trong thỏa thuận giai đoạn 1.
(Theo New York Times)