Ông Biden lên tiếng về Omicron, G7 yêu cầu hành động khẩn cấp
Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng biến thể Omicron của virus corona “là nguyên nhân gây lo ngại, nhưng không phải nguyên nhân gây hoảng sợ”.
“Chúng ta sẽ chống lại biến thể này bằng các hành động khoa học, có hiểu biết và tốc độ chứ không phải bằng sự hỗn loạn và hoang mang”, Tổng thống Biden phát biểu tại Nhà Trắng hôm 29/11. “Giờ đây, chúng ta có nhiều công cụ để chống lại biến thể này hơn trước kia, từ vắc xin, các liều tiêm bổ sung đến vắc xin cho trẻ em”.
Ông Biden cho biết cách đây 1 năm, nước Mỹ từng gặp bối rối trước các biến thể đầu tiên của virus corona, nhưng đã lần lượt đánh bại chúng và giờ đang chứng kiến số ca tử vong bởi biến thể Delta giảm dần. Dù vậy, ông vẫn kêu gọi người dân trong nước từ 18 tuổi trở lên và đã tiêm đủ 2 liều vắc xin Covid-19 trước ngày 1/6 hãy đi tiêm nhắc lại ngay từ lúc này: “Vắc xin đều miễn phí và có sẵn tại 80.000 địa điểm ở khắp nơi. Người nào được tiêm đủ liều bổ sung là người được bảo vệ tốt nhất trước Covid-19”.
Mỹ cho đến nay chưa ghi nhận ca nhiễm biến thể Omicron nào, song Tổng thống Biden cảnh báo việc biến thể này xuất hiện trong nước chỉ là vấn đề thời gian. Trong trường hợp cần phải cập nhật vắc xin và liều tiêm bổ sung, Chính phủ Mỹ sẽ đẩy nhanh quá trình phát triển và triển khai chúng bằng mọi công cụ hiện có.
Khi được hỏi về việc ban hành các lệnh cấm đi lại đối với Nam Phi và nhiều nước châu Phi khác, ông Biden giải thích điều này do “một số lượng đáng kể ca nhiễm” ở những nước trên, song khẳng định ông sẽ không áp lệnh cấm đi lại lên thêm bất kỳ quốc gia nào khác. Người đứng đầu nước Mỹ cũng cho rằng, không cần thiết phải tái áp đặt các biện pháp phong tỏa “nếu mọi người dân đều đã được tiêm phòng và đeo khẩu trang”.
G7 yêu cầu hành động khẩn cấp nhằm đối phó với biến thể Omicron
Bộ trưởng Y tế Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) ngày 29/11 khẳng định biến thể Omicron mới được phát hiện của virus SARS-CoV-2 có khả năng lây nhiễm cao và đòi hỏi “hành động khẩn cấp,” đồng thời khen ngợi “hành động mẫu mực” của Nam Phi trong công tác phát hiện biến thể Omicron và cảnh báo các quốc gia khác về biến thể này.
Tuyên bố chung được các Bộ trưởng Y tế G7 đưa ra sau cuộc họp trực tuyến thảo luận về tình hình dịch bệnh hiện nay nhấn mạnh: “Cộng đồng toàn cầu đang phải đối mặt với mối đe dọa từ một biến thể mới và, theo đánh giá ban đầu, có nguy cơ lây nhiễm cao của virus SARS-CoV-2, vì vậy cần đến hành động khẩn cấp.”
Tuyên bố viết tiếp: “Các bộ trưởng hoan nghênh hành động mẫu mực của Nam Phi trong cả 2 công tác phát hiện biến thể (Omicron) và cảnh báo các quốc gia khác về biến thể này. Chúng tôi ủng hộ mạnh mẽ kế hoạch thành lập mạng lưới giám sát mầm bệnh quốc tế trong khuôn khổ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).”
Bên cạnh đó, các Bộ trưởng Y tế G7 cũng thừa nhận vấn đề mang tính chiến lược liên quan đến quyền tiếp cận với các loại vaccine ngừa COVID-19 và sẽ thúc đẩy các cam kết tài trợ của những thành viên trong khối.
Cùng ngày, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã bày tỏ quan ngại sâu sắc trước tình trạng các quốc gia thuộc khu vực miền Nam châu Phi bị cô lập sau khi một số nước áp đặt những quy định hạn chế đi lại do sự xuất hiện của biến thể Omicron.
Thông cáo dẫn lời Tổng thư ký Liên hợp quốc nêu rõ: “Tôi đề nghị mọi chính phủ cân nhắc đến quy định xét nghiệm lại đối với các du khách, cùng với những biện pháp thích hợp và thực sự hiệu quả khác, nhằm mục đích tránh nguy cơ truyền nhiễm để tạo điều kiện cho các hoạt động đi lại và kinh tế.”
Cũng trong ngày 29/11, một quan chức cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) yêu cầu giấu tên tiết lộ các nhà lãnh đạo EU đang cân nhắc tổ chức hội nghị trực tuyến để bàn về tình hình dịch bệnh COVID-19 vào cuối tuần này hoặc tuần sau, giữa lúc châu Âu trở thành tâm dịch toàn cầu trong làn sóng COVID-19 mới nhất.
Theo quan chức trên, quyết định có thể được đưa ra trong vài giờ tới hoặc trong ngày 30/11. Các nhà lãnh đạo EU sẽ tìm kiếm cách thức tiếp cận chung đối với nhiều vấn đề khác nhau, trong đó có chủ đề về mũi vaccine tăng cường.
Tùng Anh