+
Aa
-
like
comment

Ông Biden “không nao núng” với Trung Quốc, quyết cạnh tranh sòng phẳng

27/01/2021 09:51

Chữ ‘kiên nhẫn chiến lược’ trong chính sách của Tổng thống Mỹ Joe Biden với Trung Quốc gợi lên chiến lược tương tự những gì cựu tổng thống Barack Obama từng dùng.

Ông Biden kiên nhẫn chiến lược với Trung Quốc, Bắc Kinh thông báo tập trận - Ảnh 1.
Tổng thống Joe Biden – Ảnh: Reuters

Cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc là một đặc điểm mấu chốt của thế kỷ 21.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki

Dư luận quốc tế đã tiến thêm một bước trong việc đoán định chính sách đối ngoại của Mỹ dưới thời ông Biden.

Hôm 25-1 (giờ Mỹ), Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đã thông qua đề cử ông Antony Blinken vào vị trí ngoại trưởng. Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki sau đó cũng đã có những phát biểu chính thức đầu tiên về đối ngoại.

“Trung Quốc thách thức giá trị, lợi ích Mỹ”

Quan điểm của Washington dưới thời ông Biden có thể vẫn xem Bắc Kinh là đối trọng số một, nhưng cách làm sẽ khác thời chính quyền tiền nhiệm Donald Trump.

Phát biểu hôm 25-1, Thư ký báo chí Nhà Trắng Psaki cho biết Mỹ đang tham vấn cùng đồng minh và xem xét chính sách với Trung Quốc. Cũng như những lập luận từng xuất hiện trong thời ông Trump, bà Psaki khẳng định Trung Quốc đang là tác nhân thách thức giá trị và lợi ích Mỹ.

“Những gì chúng ta đã thấy trong vài năm qua là sự quyết đoán hơn của Trung Quốc với nước ngoài, và Bắc Kinh hiện thách thức đáng kể đối với an ninh, thịnh vượng và giá trị của chúng ta, vì vậy đòi hỏi một cách tiếp cận mới của Mỹ. Chúng tôi muốn tiếp cận điều này với một chút kiên nhẫn chiến lược”, bà Psaki nói.

Thông điệp này được đưa ra sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng ngày có phát biểu trực tuyến tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), trong đó ông kêu gọi phối hợp toàn cầu về vấn đề đối phó đại dịch COVID-19 cũng như các thách thức khác.

Ông Tập cũng cảnh báo rằng sự đối đầu, bao gồm thương chiến, sau cùng sẽ chỉ làm tổn thương lợi ích của mọi bên.

Theo bà Psaki, thông điệp của ông Tập sẽ không ảnh hưởng tới lập trường hiện nay của Mỹ với Trung Quốc. Washington vẫn nhìn nhận rằng họ đang trong một “cuộc cạnh tranh nghiêm trọng” với Bắc Kinh.

Thư ký báo chí Nhà Trắng tiếp tục cáo buộc Trung Quốc có hành vi làm tổn thương người lao động Mỹ, ngành công nghệ Mỹ và “đe dọa đồng minh của chúng ta cũng như tầm ảnh hưởng của chúng ta trong các tổ chức quốc tế”.

Khác thời Obama?

Giới quan sát quốc tế không mất nhiều thời gian để tập trung vào chữ “kiên nhẫn” của bà Psaki, vì từ này phảng phất cách tiếp cận “kiên nhẫn chiến lược” mà cựu tổng thống Obama đã áp dụng ở câu chuyện hạt nhân Triều Tiên và châu Á nói chung.

Ông Biden tiếp quản vị trí lãnh đạo nước Mỹ trong bối cảnh mối quan hệ Mỹ – Trung trở nên căng thẳng trong hầu hết các lĩnh vực từ thương mại, công nghệ, nhân quyền cho tới sự bành trướng của Bắc Kinh ở Biển Đông. Đây có thể là điểm mấu chốt cho thấy ông Biden sẽ phải có điều chỉnh trong chính sách với Trung Quốc.

Tờ Financial Times (Anh) hồi cuối năm ngoái cho biết các đồng minh Mỹ ở châu Á đã thúc giục ông Biden “tránh lặp lại những thất bại chiến lược của chính quyền Obama”.

Các quan chức và chuyên gia châu Á lo ngại rằng ưu tiên hiện nay của ông Biden sẽ tập trung cho đối nội, với việc đối phó COVID-19 và hồi phục kinh tế.

Lấy ví dụ, John Delury, một chuyên gia về châu Á tại Đại học Yonsei ở Seoul (Hàn Quốc), cảnh báo rằng vấn đề đối nội của Mỹ sẽ “áp đảo” đồng nghĩa các vấn đề như đàm phán hạt nhân Triều Tiên sẽ không còn là ưu tiên.

Ngoài ra, một mối quan hệ tránh đối đầu trực diện với Trung Quốc mà ông Biden theo đuổi cũng bị nghi sẽ ảnh hưởng tới cam kết của Mỹ đối với Đài Loan và Biển Đông.

Ông Biden trong thời gian tranh cử năm 2020 cũng cho biết ông sẽ cứng rắn với Trung Quốc, dù phản đối cách ông Trump đơn phương tăng thuế nhập khẩu dẫn tới các màn tăng thuế quan trả đũa trong thương chiến.

Ông Blinken, người được ông Biden chọn làm ngoại trưởng, tại phiên điều trần ở Thượng viện vừa qua cũng nhấn mạnh rằng Washington sẽ tiếp tục gây áp lực lên Trung Quốc, một cách làm mà ông cho là “đúng” dưới thời cựu tổng thống Trump.

Nói cách khác, chính quyền Biden thể hiện rằng họ tán đồng thái độ cứng rắn với Trung Quốc như thời ông Trump, song cách thức hành động sẽ “kiên nhẫn” hơn, “có tính chiến lược” hơn và phối hợp với các đồng minh nhiều hơn.

Nhìn chung, các nước, bao gồm ở châu Á, đang đặt kỳ vọng vào chính quyền ông Biden. Ông có “kiên nhẫn chiến lược” với Trung Quốc, hẳn cũng sẽ phải là một kiểu “kiên nhẫn” khác.

“Kiên nhẫn chiến lược” từng thất bại?

Tổng thống Obama từng áp dụng chính sách “kiên nhẫn chiến lược với Triều Tiên”. Ông Obama không hành động nhanh như ông Trump sau này, thay vào đó kiên nhẫn duy trì sức ép trong lúc chờ đợi Bình Nhưỡng chấp nhận quay lại đàm phán giải trừ hạt nhân.

Tuy nhiên, đối với một số luồng ý kiến, “kiên nhẫn chiến lược” là một cách làm thất bại. Kyodo News dẫn lại các quan điểm chỉ trích cho rằng ông Obama đã không thể ngăn Triều Tiên phát triển năng lực vũ khí hạt nhân.

Trung Quốc thông báo tập trận

Hôm qua 26-1, Cục Hải sự Trung Quốc cho biết nước này sẽ tập trận quân sự ở Biển Đông trong tuần này. Thông báo của họ cấm tàu bè đi vào một phần của vịnh Bắc Bộ của Việt Nam, phía tây bán đảo Lôi Châu ở tây nam Trung Quốc từ ngày 27 tới 30-1.

Tuy nhiên, họ không cung cấp thông tin chi tiết thời điểm cuộc tập trận bắt đầu và quy mô ra sao, theo Hãng tin Reuters.

Thông tin trên được công bố sau khi nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt của Hải quân Mỹ đi vào Biển Đông từ hôm 23-1 để thúc đẩy “quyền tự do trên biển” chỉ vài ngày sau khi ông Joe Biden nhậm chức tổng thống Mỹ.

Đầu tuần này, Trung Quốc cáo buộc Mỹ thường xuyên điều tàu và máy bay tới Biển Đông để “phô trương cơ bắp”. Bắc Kinh nói rằng những hành động như vậy không có lợi cho hòa bình và ổn định của khu vực.

BẢO ANH

NHẬT ĐĂNG/TTO

Bài mới
Đọc nhiều