Ông Biden khó đảo chiều chiến tranh công nghệ Mỹ – Trung
Một số người nêu khả năng cuộc chiến công nghệ Mỹ – Trung sẽ đảo ngược nếu Biden đắc cử, nhưng giới chuyên gia cho rằng điều này là không thể.
4 năm qua, xung đột về chính sách giữa chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump với Trung Quốc được cho là đã khiến quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ, với những bất đồng trong nhiều lĩnh vực, trong đó công nghệ là một điểm nóng.
Washington đã siết chặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu, ngăn chặn tập đoàn viễn thông Trung Quốc Huawei tiếp cận công nghệ có nguồn gốc từ Mỹ, cáo buộc công ty này đánh cắp tài sản trí tuệ và là mối đe dọa với an ninh quốc gia. Từ tháng 5/2019 đến nay, Mỹ đã đưa hơn 150 chi nhánh của Huawei vào “danh sách đen”.
Chính quyền Trump cũng hạn chế một số dòng vốn đầu tư từ Mỹ vào Trung Quốc, áp đặt các lệnh trừng phạt với những công ty trí tuệ nhân tạo hàng đầu của Trung Quốc như Megvii hay SenseTime, đồng thời công khai bày tỏ ý định chặn các ứng dụng do Trung Quốc phát triển, như TikTok hay WeChat, tại Mỹ. Các công ty Trung Quốc đều phủ nhận những cáo buộc của chính quyền Trump, nhưng có rất ít lựa chọn để chống lại.
Trong phiên khai mạc Hội nghị Toàn quốc đảng Cộng hòa hôm 24/8, Trump cảnh báo Trung Quốc sẽ “sở hữu” Mỹ nếu ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden, đối thủ của ông, đắc cử vào tháng 11. Ông chủ Nhà Trắng thậm chí cho rằng người Mỹ sẽ phải “học tiếng Trung Quốc” nếu Biden thắng, dường như nhằm nhấn mạnh sự mềm mỏng của cựu phó tổng thống Mỹ trước Bắc Kinh.
William Evanina, giám đốc Trung tâm An ninh và Phản gián Quốc gia Mỹ, tháng trước cũng cho biết Bắc Kinh sẽ mong muốn Biden đắc cử hơn Trump, bởi ứng viên đảng Cộng hòa không phải người quá khó lường.
Tuy nhiên, bất chấp việc đảng Cộng hòa cáo buộc phe Dân chủ yếu đuối trước Bắc Kinh, nhiều nhà phân tích nhận định xung đột Mỹ – Trung hiện nay là một cuộc chiến lâu dài và mang tính hệ thống, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ.
“Quan hệ Mỹ – Trung ít có triển vọng cải thiện đáng kể dưới chính quyền Biden”, Agathe Demarais, giám đốc dự báo toàn cầu tại Cơ quan Tình báo Kinh tế trụ sở ở Anh, đánh giá. “Hai nước vẫn sẽ mắc kẹt trong thế đối đầu chiến lược để giành lợi ích về kinh tế và công nghệ, bởi quan điểm Washington và Bắc Kinh là đối thủ, không phải đối tác, đã được củng cố ở cả hai nước”.
Mặt trận công nghệ là nơi Mỹ – Trung cạnh tranh về trí tuệ nhân tạo, mạng 5G và các ứng dụng, những thứ được cho là sẽ xác định ai kiểm soát nền kinh tế trong tương lai. Trong khi cuộc chiến dường như chưa thấy hồi kết, một số chuyên gia dự đoán Biden nếu đắc cử thậm chí có thể khắc nghiệt hơn với Trung Quốc trong vấn đề sở hữu trí tuệ.
“Không tổng thống Mỹ nào muốn bị coi là yếu đuối trước Trung Quốc”, James Andrew Lewis, giám đốc chương trình chính sách công nghệ tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nhận định. “Các chính sách của Trump không mang tính hệ thống, nhưng luôn đi theo hướng cắt đứt quan hệ kinh tế với Trung Quốc. Chính sách của Biden có lẽ sẽ được điều phối tốt hơn, bớt khó lường hơn, nhưng vẫn theo hướng tương tự”.
Dù Mỹ – Trung đã ký thỏa thuận thương mại giai đoạn một hồi tháng một, hai nước vẫn chưa có hành động nào nhằm ngăn chặn gia tăng căng thẳng trong những lĩnh vực khác, đặc biệt là đầu tư, an ninh, nhân quyền và chuỗi cung ứng công nghệ cao.
Biden từng cho rằng để chiến thắng trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc hoặc bất cứ nước nào, Mỹ phải “mài giũa ưu thế đổi mới của chính mình”. Jake Sullivan, trợ lý hàng đầu của ông, gần đây cũng đánh giá Washington “nên bớt tập trung vào việc cố gắng cầm chân Bắc Kinh và chú ý nhiều hơn đến nỗ lực tự tăng tốc”. Điều này cho thấy chính quyền Biden có thể sẽ ưu tiên củng cố nền kinh tế trong nước.
Mặc dù vậy, Amita Haylock, chuyên gia tại Hong Kong của công ty luật toàn cầu Mayer Brown, nhận định nếu Biden đắc cử, quan hệ Mỹ – Trung vẫn khó có khả năng thay đổi đáng kể về những thỏa thuận công nghệ, đặc biệt giữa lúc áp lực ngày càng tăng trong các vấn đề nội bộ của Mỹ.
“Chính quyền Biden có thể sẽ tiếp tục cáo buộc Trung Quốc thúc ép, hoặc thâu tóm bất hợp pháp tài sản trí tuệ của các công ty Mỹ ở nước này”, giáo sư Elizabeth Freund Larus tại Đại học Mary Washington ở Mỹ, dự đoán. Chiến dịch của Biden cũng cam kết tích cực chống lại những hành vi thương mại không công bằng, đặc biệt là đánh cắp tài sản trí tuệ.
Một số chuyên gia nhận định Biden, người theo chủ nghĩa đa phương, còn có khả năng “làm hòa” với các đồng minh truyền thống của Mỹ như Liên minh châu Âu (EU), đồng nghĩa với việc Trung Quốc sẽ gặp nhiều khó khăn hơn khi thỏa thuận về xây dựng mạng 5G.
Chính quyền Trump hồi tháng 8 công bố “Sáng kiến Mạng lưới Sạch”, trong nỗ lực loại bỏ thêm các hãng công nghệ Trung Quốc khỏi mạng Internet Mỹ vì lý do an ninh quốc gia. Giáo sư Larus dự đoán nếu đắc cử, Biden sẽ tiếp tục tăng cường soi xét công nghệ, thiết bị và các công ty Trung Quốc để đánh giá mối liên hệ giữa họ với chính phủ nước này.
Tuy nhiên, hầu hết nhà phân tích nhận định chính quyền Biden sẽ “thổi làn gió mới” nhằm xoa dịu bầu không khí căng thẳng giữa hai nước thông qua những biện pháp khác, như gỡ lệnh trừng phạt cho một số công ty quan trọng với Trung Quốc, hay nới lỏng visa cho các học giả và sinh viên Trung Quốc trong lĩnh vực khoa học và công nghệ chủ chốt. Môi trường, một vấn đề bao trùm toàn cầu, cũng là một lĩnh vực hợp tác đầy hứa hẹn.
“So với Trump, sự khác biệt lớn nhất nếu Biden đắc cử là những điểm mấu chốt sẽ rõ ràng hơn, giúp giảm bớt tình trạng bất định. Nguy cơ hai nước gây chiến cũng giảm xuống và sẽ hợp tác nhiều hơn về toàn cầu hóa”, Chu Yin, phó giáo sư về quản lý đối ngoại tại Đại học Quan hệ Quốc tế ở Bắc Kinh, nhận xét.
Ánh Ngọc/VE