+
Aa
-
like
comment

Ông Biden đủ tài ‘ép Nga, tránh tặng Nga cho Trung Quốc’?

11/01/2021 07:35

Tân Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ phải giải bài toán ép Nga phải nhượng bộ, nhưng tránh không làm cho ‘Gấu’ nổi khùng hay “tặng Nga” cho Trung Quốc.

Ngày ông Joe Biden nhậm chức tổng thống Hoa Kỳ (20/01/2021) đang đến gần, giới phân tích đang tập trung sự chú ý vào những nét chính trong chính sách đối ngoại của tân chính quyền Mỹ.

Bên cạnh sự đối đầu với Trung Quốc, mối quan hệ hiện không mấy tốt đẹp với Nga là một vấn đề được quan tâm nhất. Đặc biệt là các chuyên gia dự đoán rằng, mối quan hệ Mỹ-Nga dưới thời Biden sẽ khác hẳn so với người tiền nhiệm Donald Trump.

Quan điểm của ông Biden về Nga

Trong 4 năm qua, Moscow tỏ ra không quá quan tâm đến biên giới phía Tây của mình. Điều này thể hiện rõ ở mức độ tham gia cao của Nga vào các khu vực địa-chính trị quan trọng trên khắp các miền đất Âu-Á trong suốt nhiệm kỳ của Tổng thống Trump – một hệ quả của việc Washington không quan tâm đến các vấn đề châu Âu vào thời điểm đó.

Phản ứng im lặng của Moscow đối với chiến thắng của ông Joe Biden trong cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ cho thấy dấu hiệu không tốt trong quan hệ song phương giữa hai quốc gia. Dường như giới tinh hoa chính trị Nga đang chuẩn bị cho một chính sách đối ngoại của Mỹ mang tính đối đầu hơn. Và dự cảm của họ dường như đã không lầm.

Gần như tất cả các khái niệm trong chính sách đối ngoại của Washington trong vòng 4 đến 8 năm tới đều nhằm làm suy yếu địa vị của Nga ở nước ngoài, bao gồm: Bảo đảm vị thế lãnh đạo toàn cầu của Mỹ; Bảo vệ và củng cố trật tự thế giới tự do đang suy yếu; Thúc đẩy dân chủ và các quyền cơ bản của con người; Ngăn chặn sự trỗi dậy của các thế lực xây dựng phạm vi ảnh hưởng đặc quyền trên khắp lục địa Á-Âu.

Ong Biden du tai ‘ep Nga, tranh tang Nga cho Trung Quoc’?
Mỹ coi Nga là đối thủ địa-chính trị nguy hiểm nhất thế giới

Ông Biden đã gọi Nga vừa là “đối thủ” vừa là “mối đe dọa”. Vào đầu năm 2020, ông phát biểu trước NATO rằng: “Để chống lại sự xâm lược của Nga, chúng ta phải giữ cho khả năng quân sự của liên minh sắc bén, đồng thời mở rộng khả năng đối phó với các mối đe dọa phi truyền thống, chẳng hạn như tham nhũng, thông tin sai lệch và lừa đảo qua mạng”.

Ông cũng cáo buộc Điện Kremlin can thiệp thô bạo vào các cuộc bầu cử ở Mỹ, đặc biệt là cuộc bầu cử vừa qua.

Những biện pháp cụ thể của ông Biden

Tổng thống Biden có thể chống lại quan niệm về sự suy thoái của Mỹ nói chung và sự suy yếu của sức mạnh Mỹ dọc theo biên giới của Nga nói riêng, bằng cách sửa đổi chính sách để đảo ngược được xu hướng đó.

Chúng ta có thể thấy sự gia tăng áp lực của Mỹ đối với Alexander Lukashenko do các cuộc biểu tình đang diễn ra ở Belarus chống lại nhiệm kỳ tổng thống mới của ông, cũng như sự hỗ trợ quân sự mạnh mẽ hơn cho Ukraine để củng cố ưu thế của mình ở vùng Donbas đầy biến động.

Xa hơn về phía nam, Mỹ có thể nỗ lực lấp khoảng trống ở Biển Đen, nơi sức mạnh hải quân của Nga kể từ cuộc khủng hoảng Ukraine năm 2014 đã vượt xa lực lượng tập thể của các quốc gia ven biển khác, thuộc NATO.

Ong Biden du tai ‘ep Nga, tranh tang Nga cho Trung Quoc’?
Biden sẽ hàn gắn quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ để cô lập Nga

Khi xem xét mối quan hệ với Nga không thể thoát ly vấn đề Thổ Nhĩ Kỳ. Trong 4 năm cầm quyền của Tổng thống Trump, Ankara đã đi theo một lộ trình ngược lại các mục tiêu chính sách đối ngoại của Washington, làm quan hệ giữa Ankara với Hoa Kỳ, cũng như với NATO và EU bị sứt mẻ nghiêm trọng.

Tuy nhiên, khi ông Biden lên cầm quyền, mọi sự có thể sẽ khác, đã xuất hiện các dấu hiệu chỉ báo về việc cả hai nước đều quan tâm đến việc tái thiết quan hệ vốn đang sứt mẻ nghiêm trọng.

Ví dụ như các mâu thuẫn của Thổ Nhĩ Kỳ với Nga ở Nam Caucasus sau Chiến tranh Nagorno-Karabakh 2020 (Chiến tranh Nagorno-Karabakh lần thứ hai). Ankara không hài lòng với vai trò mà Moscow đang thể hiện trong cuộc chiến này, bởi nó đi ngược với lợi ích địa chính trị của Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngoài ra, ông Erdogan cũng có những khác biệt với người đồng cấp Nga Putin về Syria và Libya.

Do đó, sự hỗ trợ của Mỹ tại những điểm nóng địa-chính trị này có thể mang lại cho Thổ Nhĩ Kỳ một lợi thế chiến lược, từ đó cải thiện quan hệ giữa hai bên.

Ông Biden sẽ tránh “già néo đứt dây”?

Nga sẽ là một trọng tâm chính sách đối ngoại chiến lược của ông Biden. Ông Biden có bề dày kinh nghiệm về chính sách đối ngoại kéo dài từ thời Chiến tranh Lạnh đến thời Tổng thống Obama.

Quan điểm nhất quán của mọi chính quyền ở Washington là không thỏa hiệp với Moscow nhưng điều này không có nghĩa là ông Biden đang có kế hoạch thực hiện một cách tiếp cận “một mất một còn” đối với Nga, bởi ông ta hiểu được sự nguy hiểm của cách tiếp cận này.

Ong Biden du tai ‘ep Nga, tranh tang Nga cho Trung Quoc’?
Mỹ không muốn Nga và Trung Quốc kết thành liên minh chống lại mình

Trước hết, chính quyền mới của Mỹ sẽ phải tìm cách cân bằng áp lực với Nga một cách thận trọng, vì gây sức ép quá lớn cũng có thể thúc đẩy Nga thực hiện các hành động có thể gây nguy hiểm cho Washington ở Âu-Á.

Thách thức lớn thứ hai đối với các nhà hoạch định chính sách của Mỹ sẽ là tìm ra sự cân bằng giữa việc ép Nga phải nhượng bộ, đồng thời cũng phải ngăn Moscow rơi vào vòng tay của Bắc Kinh. Ông Biden sẽ phải cố gắng tránh cả hai kịch bản xấu này.

Trung Quốc sẽ vẫn là một trọng tâm trong chính sách đối ngoại, nhưng các động thái ngầm hướng tới xây dựng quan hệ hợp tác với Nga về một số vấn đề là điều có thể xảy ra. Xét cho cùng, việc kéo Nga đến gần phương Tây là một tầm nhìn dài hạn của Mỹ và là điều khả thi hơn nhiều so với việc tìm kiếm sự ấm áp trong quan hệ với Trung Quốc.

Vì việc tiếp cận các cuộc đàm phán với Nga mà không có bất kỳ lợi thế chiến lược nào sẽ trở nên vô ích, nên Mỹ sẽ phải áp dụng một mức độ áp lực nhất định. Một lần nữa, điều này sẽ đòi hỏi những sức ép chiến thuật đối với Nga, nhưng có giới hạn, để cho phép các bên tìm ra các điểm hợp tác.

Nói tóm lại: Chính sách của Mỹ đối với Nga dưới thời ông Biden sẽ trở nên cứng rắn nhưng nhất quán và mạch lạc hơn, không giống như những thông điệp hỗn loạn mà chính quyền Trump gửi đi.

Thiên Nam/DVO

Bài mới
Đọc nhiều