Ông Biden có động thái thế nào với Hiệp định RCEP vừa ký kết tại Hà Nội?
Tại cuộc họp báo diễn ra ở Wilmington, Delaware, khi được hỏi liệu Mỹ có tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) gồm 15 quốc gia Châu Á Thái Bình Dương hay không, ông Biden từ chối đưa ra câu trả lời.
Hôm 16/11 (giờ Mỹ), Tổng thống đắc cử của Mỹ – ông Joe Biden đã tuyên bố Mỹ cần đàm phán với các đồng minh để thiết lập lại các quy tắc thương mại nhằm chống lại việc Trung Quốc bành trướng ảnh hưởng trên toàn cầu.
Tại cuộc họp báo diễn ra ở Wilmington, Delaware, khi được hỏi liệu Mỹ có tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) gồm 15 quốc gia Châu Á Thái Bình Dương hay không, ông Biden từ chối đưa ra câu trả lời. Tổng thống đắc cử của Mỹ cho hay không chưa thể thảo luận về chính sách thương mại quốc gia lúc này do chưa nhậm chức.
Tuy vậy, ông Biden nhấn mạnh Mỹ cần đàm phán với các quốc gia đồng minh để tái thiết lập các quy tắc thương mại toàn cầu, chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trên trường quốc tế. “Chúng ta chiếm 25% nền kinh tế thế giới… Chúng ta cần phối hợp với các nền dân chủ khác, những khu vực chiếm khoảng ít nhất 25% nền kinh tế toàn cầu để cùng đặt ra các quy tắc thương mại chung thay vì để Trung Quốc và một số quốc gia quyết định cục diện thương mại”.
Tuyên bố được Tân Tổng thống chưa nhậm chức của Mỹ đưa ra trong bối cảnh 15 nền kinh tế lớn ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) tại Hà Nội. Đây được xem là một trong những hiệp định thương mại lớn nhất thế giới cho đến nay, bao gồm các quốc gia chiếm 30% dân số toàn cầu và 30% nền kinh tế thế giới. Hiệp định bao gồm các cường quốc Châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Hơn hết, việc Trung Quốc tham gia RCEP đánh dấu một bước “thụt lùi” của Mỹ trong việc gia tăng tầm ảnh hưởng tại Châu Á. Nhất là khi Tổng thống Trump hồi năm 2017 đã tuyên bố rút Mỹ khỏi Hiệp định thương mại Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) bao gồm 12 quốc gia. TPP là hiệp ước được đàm phán từ thời cựu Tổng thống Barack Obama, cũng là thời điểm mà ông Joe Biden giữ chức Phó Tổng thống Mỹ.
Tân Tổng thống Joe Biden tiết lộ ông sẽ thảo luận về kế hoạch thương mại chi tiết cho nước Mỹ vào ngày 21/1/2021, tức một ngày sau lễ tuyên thệ nhậm chức chính thức.
Các thành viên trong Hiệp định thương mại Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) bao gồm Nhật Bản – đồng minh thân cận của Mỹ từng nhiều lần bày tỏ hy vọng chính quyền Biden sẽ đưa Mỹ tái gia nhập hiệp định này. Nhưng cho đến nay, ông Biden vẫn chưa có bình luận chính thức nào về việc có đưa Mỹ trở lại TPP hay không. Một số cố vấn của Biden cũng tiết lộ Tân Tổng thống sẽ không lập tức dỡ bỏ những mức thuế quan trừng phạt với Trung Quốc được áp đặt từ thời chính quyền Trump.
Tổng thống đắc cử Joe Biden cũng cho hay sẽ tiếp cận vấn đề thương mại bằng cách đầu tư vào người lao động Mỹ, gia tăng lợi thế cạnh tranh và ngừng xung đột với các đồng minh Mỹ.
Hồi tuần trước, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) mới đây đưa tin các quan chức Châu Âu sẽ sớm liên hệ với đội ngũ của Tân Tổng thống Mỹ Joe Biden để làm việc về các chính sách với Trung Quốc, dấu hiệu đầu tiên cho thấy sự hình thành của một liên minh xuyên Đại Tây Dương để đối phó với Bắc Kinh.
Ông Josep Borrell, Giám đốc chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu hôm 9/11 cho hay đã sẵn sàng phối hợp với chính quyền Biden trong các hành động chung chống lại những thách thức từ Bắc Kinh. “Có rất nhiều lĩnh vực mà EU và Mỹ cần hợp tác chặt chẽ. Chúng tôi có thể nhận thấy trước mối quan tâm của chính quyền Biden trong vấn đề hợp tác đối phó với Trung Quốc cũng như những thách thức mà quốc gia này mang đến như cạnh tranh thương mại không lành mạnh, rủi ro an ninh quốc gia và nhiều vấn đề khác mà EU và Mỹ cùng quan tâm”.
NTTD/Reuters