+
Aa
-
like
comment

Omicron làm nhiều nước Châu Á khốn đốn vì chính sách mở cửa

17/12/2021 07:54

Chỉ một tháng trước, đại dịch dường như đang thoái lui ở châu Á. Nhưng sự xuất hiện của biến chủng Omicron đã thổi bùng nỗi sợ trên khắp thế giới về sự trở lại của dịch bệnh.

Lúc này, một số nước ngoài châu Á đang ghi nhận tình trạng lây nhiễm không kiểm soát do chủng Omicron. Tại Anh, tổng số ca mắc được xác nhận là Omicron thông qua giải trình tự gene vào ngày 13/12 là 4.700 ca, trong khi Cơ quan An ninh Y tế của Anh ước tính số ca nhiễm mới Omicron là 200.000 ca/ngày.

Tại Nam Phi, Omicron chỉ chiếm 22% số bệnh phẩm Covid-19 vào ngày 15/11, trong khi 68% là Delta. Nhưng tới ngày 10/12, Omicron xuất hiện trong 100% số bệnh phẩm.

“Dữ liệu quốc gia thể hiện số ca mắc mới và tỷ lệ xét nghiệm dương tính tăng mạnh trong 3 tuần đầu của làn sóng này”, tiến sĩ Ryan Noach, CEO của Discovery Health, hãng bảo hiểm tư nhân lớn nhất Nam Phi, nói. “Điều này cho thấy một biến chủng dễ lây lan và có tốc độ lây nhiễm nhanh chóng trong cộng đồng”.

Lệnh cấm đi lại vô hiệu

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã kêu gọi các nước không ra lệnh cấm đi lại tuyệt đối trong lúc các nhà khoa học thu thập dữ liệu cụ thể về độ lây nhiễm và độc lực của Omicron.

Tuy nhiên, nhiều quốc gia vẫn “cẩn tắc vô áy náy”, trong đó lệnh cấm toàn bộ đi lại của Nhật Bản là biện pháp siết chặt mạnh mẽ nhất kể từ khi Omicron xuất hiện. Nhiều láng giềng của Nhật Bản chỉ tăng cường những quy định hiện hành như siết chặt cách ly, giới hạn đi lại từ châu Phi, và tăng tốc tiêm mũi 3.

Khi chưa có dữ liệu cụ thể, chính quyền một số nước châu Á vẫn tiếp tục với chiến lược tái mở cửa nền kinh tế. Singapore – trung tâm kinh tế và đi lại của Đông Nam Á – vẫn mở cửa các hàng lang đi lại dành cho người đã tiêm chủng với 24 nước, vùng lãnh thổ.

Đồ họa: Nikkei.

Đồng thời, Thái Lan cũng tiếp tục với chương trình đón khách du lịch trở lại, trong đó có “chương trình hộp cát” không yêu cầu cách ly dành cho du khách người ngoài tới Phuket.

Khi Omicron xuất hiện, cũng như khi Delta trỗi dậy lần đầu, các nhà khoa học đều nhấn mạnh rằng không nước nào có thể thoát khỏi đại dịch chỉ bằng cách tập trung bảo vệ công dân nước mình.

Điều này càng được thể hiện rõ trên vấn đề tiêm chủng. Những chính sách như đẩy mạnh tiêm tăng cường ở các nước giàu sẽ chỉ càng làm gia tăng sự bất bình đẳng vaccine, trong khi đây chính là điều góp phần khiến biến chủng mới hình thành ở phía nam châu Phi, theo các nhà khoa học.

“Tôi nghĩ rằng Omicron là lời cảnh tỉnh đối với cộng đồng quốc tế”, tiến sĩ Wafaa El-Sadr, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc và Điều trị AIDS Quốc tế (IACP) và giáo sư dịch tễ học thuộc Đại học Columbia ở New York, nói, bổ sung rằng việc dựng tường rào để bảo vệ bản thân, dù là cá nhân hay đất nước, đã được chứng minh nhiều lần là không thực tế.

Các nhà khoa học cho rằng lệnh cấm đi lại đối với các nước châu Phi không hiệu quả vì vẫn còn lỗ hổng.

“Nếu ban hành lệnh cấm di chuyển từ sớm và thực thi một cách toàn diện, bạn có thể ngăn chặn Omicron vào trong nước”, tiến sĩ Bettie Steinberg thuộc Viện Nghiên cứu Y tế Feinstein nói. “Nhưng chỉ cần 1-2 người nhập cảnh trước khi chúng ta biết về biến chủng mới và hành động, lệnh cấm khi ấy sẽ là mất bò mới lo làm chuồng”.

Bà Steinberg cho biết lệnh cấm đi lại với người nước ngoài chỉ làm chậm lây nhiễm trong một thời gian. Nhưng vì công dân vẫn được phép quay lại, các nước thực ra “chẳng làm được gì cả”.

Theo tiến sĩ El-Sadr, lệnh cấm đi lại sẽ không có hiệu quả bằng việc thúc đẩy tiêm chủng, đeo khẩu trang, giãn cách xã hội, xét nghiệm diện rộng và truy vết. Ông cũng cho rằng chiến lược “Zero Covid-19” như ở Trung Quốc hay New Zealand có thể có hiệu quả trong giai đoạn đầu đại dịch, nhưng không phải chiến lược lâu dài.

Người dân lên xe buýt trong buổi diễn tập thực hiện chuyến đi trong chương trình hành lang đi lại cho người đã tiêm chủng của Singapore vào ngày 23/11. Ảnh: Lianhe Zaobao.

Cuộc chiến giữa tiêm chủng và biến chủng

Nghiên cứu lớn nhất đến nay về chủng Omicron phần lớn ủng hộ nhận định rằng biến chủng này dễ lây hơn, ít nghiêm trọng hơn, dễ gây tái nhiễm hơn và phần nào kháng vaccine.

Nghiên cứu do Discovery Health thực hiện dựa trên kết quả phân tích 211.000 bệnh nhân Covid-19, trong đó 78.000 ca được cho là nhiễm Omicron. Được công bố ngày 14/12, nghiên cứu này cho thấy rủi ro nhập viện ở F0 trưởng thành nhiễm Omicron thấp hơn 29% so với giai đoạn đại dịch trước.

Nghiên cứu này còn kết luận trong làn sóng Omicron hiện tại, hai mũi vaccine Pfizer bị giảm hiệu quả bảo vệ trước nguy cơ mắc Covid-19, ở mức 33%.

Các đột biến có thể hình thành bất cứ khi nào virus nhân bản nhưng chỉ một số biến chủng được WHO đánh giá là “biến chủng đáng quan ngại” vì có khả năng lây nhiễm lấn lướt các chủng khác.

Tiến sĩ Leong Hoe Nam, nhà dịch tễ học người Singapore, cho biết các đột biến của Omicron khiến nó có lợi thế hơn Delta.

“Delta đã lây truyền trong một thời gian khá dài, tức là nhiều người từng nhiễm Delta và đã có miễn dịch. Nhưng Omicron có thể vượt qua miễn dịch này, đây là lý do chúng ta nhìn thấy nhiều ca tái nhiễm ở Nam Phi”, ông Leong nói.

Một du khách tại Thái Lan vào ngày 30/11. Ảnh: Reuters.

Kháng thể cơ thể có được sau tiêm chủng hoặc khỏi bệnh cũng bị giảm hiệu quả trước Omicron từ 10 tới 40 lần, tiến sĩ John Wherry, Giám đốc Viện Tiêm chủng Penn thuộc Đại học Pennsylvania, nói.

Ở những nước châu Phi đang chống chọi Omicron, số ca nhập viện đang tăng lên, nhưng triệu chứng của Omicron tới nay phần lớn “chỉ là sụt sịt mũi nhẹ”, ông Leong nói. “Nhưng điều này không có nghĩa biến chủng này yếu hơn mà chỉ thể hiện nó gây ra triệu chứng nhẹ hơn”.

Tổng giám đốc WHO Tedros ngày 14/12 cũng cho biết ông lo ngại mọi người sẽ cho rằng Omicron chỉ gây bệnh nhẹ. “Chỉ cần số lượng ca nhập viện lớn cũng có thể một lần nữa làm quá tải hệ thống y tế chưa được chuẩn bị trước”, ông nói.

Bà Steinberg cho biết cần 2-3 tuần để biết thêm về độ lây nhiễm và độc lực của Omicron. Trong thời gian này, các nhà khoa học đều cho rằng mũi tiêm tăng cường nhiều khả năng sẽ bảo vệ người dân tốt hơn trước biến chủng mới.

Hàn Quốc, nơi có tỷ lệ tiêm chủng cao bậc nhất châu Á, tuần trước thông báo sẽ cắt thời gian chờ tiêm mũi 3 xuống còn 3 tháng. Australia cũng giảm thời gian chờ từ 6 tháng xuống 5, trong khi Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cam kết sẽ cắt ngắn thời gian chờ 8 tháng như hiện tại.

Thời gian virus ở trong cơ thể càng dài, nguy cơ virus tạo ra đột biến mới càng lớn. Càng nhiều người chưa được bảo vệ nhiễm virus, tốc độ xuất hiện biến chủng mới càng nhanh chóng.

Đây cũng là lý do vaccine thật sự quan trọng, theo các nhà khoa học. “Để biến chủng xuất hiện, virus cần nhân bản. Virus không thể nhân bản nếu không thể lây nhiễm”, ông Leong nói.

Trung Quốc cũng ghi nhận ca nhiễm Omicron đầu tiên là người nhập cảnh vào ngày 13/12. Ảnh: Reuters.

Bất bình đẳng vaccine

Dù chỉ tiêm đầy đủ cho 25,2% dân số đủ điều kiện, con số này của Nam Phi cao hơn nhiều so với nhiều nước khác ở cùng châu Phi. Tỷ lệ tiêm chủng thấp đã góp phần giúp biến chủng mới phát tán nhanh.

Hiện, 44,3% dân số thế giới đã tiêm đủ 2 mũi, theo WHO, thấp hơn nhiều so với mức mong muốn là 70-80%. Lợi thế nghiêng về các nước giàu vì chỉ 0,6% nguồn cung vaccine toàn cầu được chuyển tới các nước thu nhập thấp, trong khi những nước G20 nhận được hơn 80%, ông Tedros lưu ý.

Biến chủng nhiều khả năng sẽ chỉ làm cho các nước giàu càng thêm ráo riết tích lũy vaccine để tiêm nhắc lại, từ đó càng làm gia tăng độ chênh lệch vaccine. “WHO lo ngại những chương trình này sẽ lặp lại hiện tượng gom vaccine chúng ta từng thấy trong năm nay”, ông Tedros nói trong báo cáo ngày 14/12.

“Chấm dứt sự bất bình đẳng là chấm dứt đại dịch”, ông Tedros khẳng định.

COVAX, sáng kiến của Liên Hợp Quốc nhằm phân phối vaccine cho những nước nghèo nhất thế giới, đang gặp khó khăn lớn. Thiếu kinh phí trong giai đoạn đầu và thiếu cam kết từ nước phát triển, COVAX sẽ chỉ đạt chưa đầy một nửa mục tiêu phân phối 2 tỷ liều trong năm 2021.

Ông Wherry cho rằng lo ngại lúc này là virus có thể gây ra lây nhiễm mạn tính trong cộng đồng bị suy yếu hệ miễn dịch. Nếu điều này xảy ra, đây sẽ là lò ấp hoàn hảo cho các đột biến mới. Vì thế, việc tiêm chủng cho cả thế giới sẽ giúp người bị suy yếu miễn dịch.

Tỷ lệ tiêm chủng ở châu Phi còn ở mức thấp. Ảnh: AP.

Việc nước giàu tích lũy vaccine chỉ là một trong những vấn đề khiến tỷ lệ tiêm chủng ở nước phát triển ở mức thấp. Công tác phân phối cũng gặp nhiều thách thức như trên phương diện chuỗi lạnh bảo quản hoặc thiếu nhân lực.

Đáng lo nhất là khả năng vaccine có thể bị giảm hiệu quả trước Omicron. “Các đột biến của Omicron làm tăng khả năng vaccine hiện có sẽ không quá hiệu quả vì kháng thể tạo ra sẽ không phù hợp với biến chủng mới”, bà Steinberg nói.

Nhưng theo giáo sư Jin Dong-yan thuộc Trường Khoa học Y sinh, Đại học Hong Kong, các bằng chứng hiện tại cho thấy vaccine vẫn có hiệu quả.

“Về tổng thể, vaccine vẫn có thể có công hiệu và dựa trên dữ liệu hiện có thì chìa khóa ở đây là ta nên tiêm chủng cho mọi người với loại vaccine trong tay”, ông Jin nói. “Và chúng ta nên thực sự tiêm chủng mũi 3, đặc biệt ở nhóm rủi ro cao”.

Tuy nhiên, các ca nhiễm trùng đột phá đã và đang làm tâm lý nghi ngại vaccine phát tán. Về việc này, bà Steinberg cho rằng sẽ “phản tác dụng” khi gọi những người phản đối vaccine là “ngu dốt”. Điều quan trọng là đưa ra càng nhiều thông tin chính xác và nhất quán càng tốt và khuyến khích họ tiêm chủng.

Về lâu dài, chính phủ cũng cần cho thấy họ có thể giúp đỡ người dân và cùng phối hợp để cải thiện niềm tin vào nhà chức trách. Thế giới sẽ vẫn phải chống lại chiến dịch bài vaccine “cho tới khi chúng ta có được thái độ ấy trên toàn thế giới”, theo bà Steinberg.

Khai Tâm

Bài mới
Đọc nhiều