+
Aa
-
like
comment

Omicron gây ‘sóng thần’ ở Mỹ

Bách Hợp - 03/01/2022 18:23

Cách đây vài ngày, bang New York – Mỹ ghi nhận 85.476 ca mắc Covid-19 trong một ngày, cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát.

Điểm xét nghiệm COVID-19 ở Los Angeles, California, Mỹ – Ảnh: REUTERS

Theo nhà dịch tễ học Anthony Fauci mô tả sự lây lan như “sóng thần” của Omicron đang khiến số ca mắc COVID-19 tại nước này tăng gần như thẳng đứng.

Nhiều chuyên gia về bệnh truyền nhiễm và quan chức y tế công cộng ở Mỹ đánh giá thực trạng dịch bệnh ở quốc gia này hiện đã đến giai đoạn mà việc cập nhật số ca mắc COVID-19 hằng ngày không có ý nghĩa nữa.

Tính đến ngày 3-1, Mỹ ghi nhận tổng cộng 56.142.175 ca mắc Covid-19, 847.408 ca tử vong và 41.543.060 trường hợp phục hồi.

Hiện nay, giới chức Mỹ đang tìm cách cân bằng việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng mà không gây tổn hại nghiêm trọng cho nền kinh tế hoặc không phải cắt giảm các dịch vụ quan trọng như kiểm soát và đi lại bằng đường hàng không.

Trước diễn biến dịch bệnh, các nhà kinh tế đã hạ dự báo tăng trưởng Mỹ cho đầu năm tới vì nền kinh tế thiếu vắng người tiêu dùng khi Omicron lan rộng.

Mark Zandi, Nhà kinh tế trưởng tại Moody’s Analytics, đã giảm dự báo tăng trưởng Mỹ trong quý I/2022 xuống 2,2%, từ mức 5,2% vì ông “có thể thấy thiệt hại kinh tế gia tăng trong quý đầu tiên”. Vị chuyên gia cho rằng, chi tiêu và đi lại ít hơn cùng với việc huỷ bỏ các sự kiện thể thao, giải trí do sự bùng phát của Covid-19 chính là nguyên nhân.

“Động lực rất giống như khi Delta tấn công”, ông Zandi đề cập đến khả năng Omicron ảnh hưởng tương tự khi biến thể Delta hoành hành vào mùa hè vừa qua. Ban đầu, ông dự kiến tăng trưởng kinh tế 6,1% trong quý III. Cuối cùng, nền kinh tế chỉ tăng trưởng 2,3%. Còn theo công cụ dự báo GDP của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Atlanta, tăng trưởng quý IV này của Mỹ ước khoảng 7,6%, đã điều chỉnh về cơ sở hàng năm.

Các nhà kinh tế đã phải vật lộn để dự đoán tác động của Covid-19 với các nền kinh tế trong suốt đại dịch, bao gồm cả ở Mỹ, nơi những thay đổi trên thị trường lao động đã khiến cả chính phủ và các nhà dự báo ngạc nhiên. Tuy nhiên, họ kỳ vọng Omicron sẽ tác động nhỏ hơn so với các làn sóng bùng phát trước đó.
Cục Dự trữ Liên bang vào đầu tháng này dự báo rằng nền kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 4% trong năm tới. “Nói rộng ra, mỗi đợt mới sẽ gây ra ít thiệt hại hơn một chút so với các đợt trước đó”, ông Zandi cho biết.

Một góc thành phố New York, nơi đang chứng kiến số ca nhiễm vì Omicron tăng. Ảnh: AP

Dữ liệu thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ từ JPMorgan Chase cho thấy chi tiêu cho dịch vụ hàng không và nhà hàng vẫn giảm trong tuần trước. Theo Ian Shepherdson, nhà kinh tế trưởng tại Pantheon Macroeconomics, biến thể Omicron đang phát triển mạnh “sẽ thay đổi hành vi của mọi người”. Nó sẽ làm giảm nhu cầu chi tiêu cho các dịch vụ vốn tạo nên một phần lớn tăng trưởng kinh tế, khi mọi người ở nhà.

Pantheon Macroeconomics gần đây đã cắt giảm dự báo tăng trưởng của Mỹ xuống 3% trong quý đầu tiên của năm 2022, từ 5%. Các nhà kinh tế khác đang bày tỏ lo ngại về khả năng họ cũng có thể hạ dự báo của mình.

“Thật không may, biến thể Omicron đã phải bùng phát trong kỳ nghỉ lễ, ngay cả ở những nơi như New York, nơi mọi người được tiêm chủng rất nhiều”, Pooja Sriram, Nhà kinh tế Mỹ tại Barclays nói. Bà chưa hạ dự báo tăng trưởng quý tới nhưng cho biết đang theo dõi sát tình hình.

Mặc dù Mỹ không áp đặt việc đóng cửa nhưng bà Sriram nói rằng một số tự nguyện giãn cách xã hội khi mọi người bắt đầu hủy bỏ kế hoạch du lịch hay đặt phòng. Điều này sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng và việc làm.

Với Natalia Arbelaez, Omicron đặt dấu chấm hết cho sự nghiệp kinh doanh của cô. Trong hơn bảy năm, Arbelaez đã xây dựng Busy Bees, một chuỗi ba sân chơi trẻ em trong nhà nổi tiếng ở vùng ngoại ô Washington D.C.

Mặc dù đã tăng lương lên 15 USD một giờ vào đầu năm nay, cô vẫn không thể tuyển đủ nhân viên nên buộc phải đóng cửa một địa điểm vào tháng 6/2021. Giờ đây, khách hàng đã hủy đặt chỗ tiệc sinh nhật vì biến thể mới, khiến hai địa điểm còn lại không thể mở cửa. Busy Bees sẽ đóng cửa vĩnh viễn vào ngày 1/1 tới. “Tôi đã chiến đấu hết mình kể từ tháng 3/2020. Rất buồn nhưng tôi cảm thấy nhẹ nhõm. Tôi đã chịu nhiều áp lực”, cô nói.

CDC Mỹ muốn hành khách đến từ 8 quốc gia châu Phi cách ly, xét nghiệm – Ảnh: REUTERS

Dữ liệu chi tiêu gần đây cho thấy sự gia tăng của biến thể Omicron có thể khiến mọi người cắt giảm chi tiêu bên ngoài. Lượt ghé nhà hàng trong tháng 12 đã giảm. Trong tuần kết thúc vào ngày 26/12, lượng thực khách ngồi trong các nhà hàng Mỹ đã giảm 27% so với mức của năm 2019, mức chênh lệch lớn nhất kể từ tháng 4, theo dữ liệu từ OpenTable.

Chi tiêu tại cửa hàng ở các nhà bán lẻ và nhà hàng cũng giảm vào cuối tháng 11 và đầu tháng 12. Trong tuần kết thúc vào ngày 30/11, chi tiêu đã giảm 5,3% so với tuần trước. Trong tuần kết thúc vào ngày 7/12, nó đã giảm 5,6% trước khi tăng 3,4% trong tuần kết thúc vào ngày 14/12, theo dữ liệu của do Bộ Thương mại Mỹ.

Đợt bùng phát dịch Omicron khiến nhân viên bị ốm trong bối cảnh khủng hoảng nhân sự. Các hồ sơ về trợ cấp thất nghiệp dao động ở mức thấp nhất trong hơn nửa thế kỷ vào tuần kết thúc vào ngày 18/12. Tuy nhiên, nhu cầu của người tiêu dùng về quà tặng vẫn ổn định trong thời gian tới. Người Mỹ đã chi tiêu với tốc độ nhanh trong mùa mua sắm, trong bối cảnh họ đổ xô đến các cửa hàng sớm do lo lắng về các vấn đề liên quan đến nguồn cung và giao hàng.

Doanh số bán lẻ của Mỹ đã tăng 8,5% từ ngày 1/11 đến đêm Giáng sinh so với cùng kỳ năm ngoái, theo Mastercard SpendPulse, theo dõi doanh số bán hàng trong mạng thanh toán Mastercard cùng với các ước tính dựa trên khảo sát.

Đầu tháng này, nhà kinh tế trưởng của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã cảnh báo rằng nếu các loại vaccine hiện vô tác dụng với Omicron thì kinh tế thế giới có thể đối mặt với sự suy giảm mạnh hơn dự kiến.

Bách Hợp

Bài mới
Đọc nhiều