+
Aa
-
like
comment

Olympia-nguồn động lực vô giá giúp phát triển nhân tài đất Việt

Đỗ Mạnh - 20/09/2020 18:58

Hôm chủ nhật vừa rồi (20/09/2020) chứng kiến chiến thắng của Thu Hằng trong trận chung kết đường lên đỉnh Olympia năm thứ 20 đầy thuyết phục, các bậc phụ huynh trong cả nước đều rất vui mừng nhưng không ít những suy nghĩ băn khoăn.

20 năm cuộc thi Olympia với 20 quán quân. 20 năm chương trình đã tạo được sân chơi lành mạnh và bổ ích đã là động lực phấn đấu cho hàng triệu học sinh Việt Nam. Từng đó năm, từ những cuộc thi tuần đầu tiên chương trình đã cuốn hút và trở thành ước mơ của  biết bao nhiêu thế hệ học sinh Việt Nam trong đó có cháu tôi. Từ một cậu bé lầm lì kém hoạt bát, cháu trở nên hoạt bát và không tuần nào bỏ qua chương trình. Càng xem cháu càng ham và đặt mục tiêu phấn đấu để được tham gia chương trình. Năm ngoái cháu đã thi vòng loại ở trường nhưng chỉ đứng ở vị trí thứ hai nên tạm thời chưa được vinh dự có mặt trên sân chơi lành mạnh này. Hôm rồi về quê nghe cháu nói cháu sẽ cố gắng trong năm nay để vượt qua vòng loại cuối cùng ở trường.  Rõ ràng là cuộc  thi Olympia đang có ảnh hưởng rất tích cực đến việc học tập của các em.

20 năm Olympia với 18 nhà vô địch đi du học mà phần lớn đi du học ở Úc. Ngoài ra trong đại gia đình thi Olympia còn có rất nhiều em tuy không phải là quán quân cũng phấn đấu để đi học nước ngoài. Điều đó cho thấy sức hút của cuộc thi là rất lớn và cũng là động lực rất lớn giúp các em học tập và trưởng thành. Sau mỗi cuộc thi số lượng học sinh ước mơ và phấn đấu được tham dự chương trình ngày một lớn hơn. Chương trình học và phấn đấu để được tham dự các cuộc thi lan rộng khắp trong các trường phố thông trong cá nước. Kết quả khích lệ của những cuộc thi không những khích lệ tinh thần các em mà còn khích lệ lòng tự hào của mỗi ngôi trường có các em được đi thi. Kết quả các cuộc thi nhận được rất nhiều ý kiến đồng tình của các chuyên gia, các bậc phụ huynh và đặc biệt là các em học sinh. Tuy nhiên nó cũng nhận được những ý kiến trái chiều tư những người có tư tưởng bảo thủ, cực đoan. Nhiều người không đồng tình vì các em đạt danh hiệu quán quân sau khi đi du học phần lớn đều ở lại nước ngoài. Trên thực tế 18 quán quân đi du học Úc thì có 3/18 người trở về nước, số còn lại làm việc và định cư và phát triển sự nghiệp ở Úc. Nhiều người cho rằng việc các quán quân đi du học rồi ở lại làm thất thoát nhân tài của Việt Nam. Từ ý nghĩ đó nhiêu người cho rằng việc tổ chức cuộc thi Olympia thực chất là thi tuyển nhân tài cho nước Úc.

Tôi cho rằng đó là những ý kiến hết sức bảo thủ và có phần cực đoan. Giả sử không có cuộc thi Olympia thì những em có học lực và khả năng học tốt đều muốn vươn ra học tập ở những nơi điều kiện tốt hơn để học hỏi . Phong trào Đông Kinh nghĩa thục do Phan Chu Trinh và Phan Bội Châu tổ chức vào những năm đầu thế kỉ 19 cũng không nằm ngoài mục đích đó. Học để hiểu, để có kiến thức để cống hiến cho đất nước. Khoa học là một bộ môn mà sự cống hiến không nhất thiết phải có mặt trong nước mới có thể cống hiến. Chỉ cần người được đào tạo có hiểu biết sâu rộng  và lòng yêu quê hương thiết tha thì dù họ có ở đâu họ cũng sẽ cống hiến được rất nhiều cho nước nhà. Trường hợp của Nghệ sĩ nhân dân Đặng Thái Sơn, Giáo sư Ngô Bảo Châu nếu cứ buộc họ phải về nước như mong muốn của một số người thì hỏi rằng tài năng của họ có được thăng hoa như ngày nay không?

Rõ ràng khoa học hay nghệ thuật đỉnh cao là cống hiến cho nhân loại, danh tiếng của những thiên tài Việt Nam trên trường quốc tế sẽ nâng tầm Việt Nam lên một tầm cao mới. Điều đó có lợi cho Việt Nam rất nhiều khi họ trở về Việt Nam mà không có điều kiện để cống hiến. Trong khi chúng ta còn nghèo chưa đủ điều kiện để cho các nhà khoa học học tập để phát triển thiết nghĩ chúng ta cũng không nên hẹp hỏi để đòi họ, những nhân tài đất Việt phải trở về để rồi thui chột. Hãy suy nghĩ khác, hãy rộng lượng cho họ được học tập được phát triển tài năng như kiểu mang chuông đi đánh nước người mang về niềm tự hào và động lực cho dân tộc còn tốt hơn nhiều. Trên thực tế chúng ta đã nhận được sự cống hiến rất nhiều từ những người Việt ở nước ngoài. Những nhà khoa học như giáo sư Trần Đại Nghĩa, GS Trần Hữu Tước, Trần Thanh Vân, Trần Văn Khê.. và rất nhiều giáo sư khác họ đều là những người Việt Nam sống và học tập ở nước ngoài nhưng đều đã có những đóng góp rất lớn cho đất nước. Vì vậy chúng ta dừng quá hẹp hòi và đòi hỏi một cách thiển cận khi nghĩ rằng họ ra đi và định cư ở nước ngoài là đất nước mất nhân tài.  Chúng ta chưa có điều kiện đào tạo họ thì hãy tạo điều kiện cho họ được học hành để họ có kiến thức. Việc đóng góp cho quê hương có muôn vàn cách khác nhau nhất là thời đại 4.0 như hiện nay.

Với những gì mà các cuộc thi Olympia mang lại thiết nghĩ chúng ta nên ủng hộ và lấy đó làm động lực giúp động viên các em phấn đấu học tập. Đã là người mang dòng máu Việt thì dù sống ở đâu trên thế giới cũng sẽ không bao giờ quên tổ quốc quê hương mình và khi có điều kiện và cơ hội đóng góp chắc chắn họ sẽ đóng góp rất nhiều cho công cuộc bảo vệ và dựng xây đất nước hùng cường.

Đỗ Mạnh
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều