OECD cam kết hỗ trợ vốn để Việt Nam thực hiện cam kết phát thải
Chiều 5/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp ông Mathias Cormann, Tổng Thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) và chứng kiến lễ ký Biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) Việt Nam – OECD giai đoạn 2022 – 2026. Thủ tướng mong muốn OECD tiếp tục hỗ trợ huy động các nguồn lực, nhất là vốn, công nghệ để giúp Việt Nam chuyển đổi mô hình tăng trưởng, thực hiện các cam kết về giảm phát thải như đã đưa ra tại Hội nghị COP 26 vừa qua.
Thủ tướng cảm ơn OECD đã hợp tác chặt chẽ với Việt Nam, nhất là về tư vấn, khuyến nghị chính sách, xây dựng các Báo cáo kinh tế phục vụ thiết thực việc hoạch định các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Thủ tướng đề nghị OECD tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong quá trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội sau đại dịch, tư vấn về chính sách và huy động các nguồn lực nhằm tăng cường đầu tư vào con người, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Thủ tướng cũng mong muốn OECD tiếp tục hỗ trợ huy động các nguồn lực, nhất là nguồn vốn, công nghệ, kinh nghiệm quản trị hiệu quả để giúp Việt Nam tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, thực hiện các cam kết về giảm phát thải như đã đưa ra tại Hội nghị COP 26 vừa qua.
Tổng thư ký OECD Mathias Cormann bày tỏ hết sức ấn tượng về kết quả kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam cũng như việc tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và đà tăng trưởng kinh tế tích cực. Ông Mathias Cormann hoan nghênh cam kết mạnh mẽ của Việt Nam về giảm phát thải tại Hội nghị COP26, thể hiện quyết tâm của Việt Nam chung tay ứng phó với thách thức về biến đối khí hậu, đồng thời cam kết OECD sẽ đồng hành cùng Việt Nam trong tiến trình này.
Tổng thư ký OECD nhấn mạnh, Việt Nam là đối tác rất quan trọng của OECD tại khu vực Đông Nam Á, mong muốn hợp tác chặt chẽ hơn với Việt Nam và các nước Đông Nam Á trong thời gian tới. Tổng thư ký OECD khẳng định Biên bản ghi nhớ tăng cường hợp tác (MOU) Việt Nam – OECD giai đoạn 2022 – 2026 có ý nghĩa quan trọng, tạo khuôn khổ thúc đẩy hợp tác giữa hai bên trên các lĩnh vực, nhất là chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, ứng phó biến đổi khí hậu, hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…
Tại cuộc tiếp, Tổng thư ký OECD đã trao cho Thủ tướng Báo cáo chính sách đầu tư và tài chính năng lượng sạch của Việt Nam được OECD vừa hoàn thành.
Ngay sau cuộc gặp, Thủ tướng đã chứng kiến lễ ký Biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) Việt Nam – OECD giai đoạn 2022 – 2026 do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Tổng thư ký OECD Mathias Cormann ký kết.
Cũng trong chiều 5.11 (giờ địa phương), Ban lãnh đạo Hội Hữu nghị Pháp – Việt Nam (AAFV) do ông Gérard Daviot, Chủ tịch Hội, dẫn đầu đã đến chào Thủ tướng Phạm Minh Chính nhân chuyến thăm chính thức Pháp của Thủ tướng.
Chủ tịch Gérard Daviot đã thông tin về quá trình hoạt động của Hội AAFV kể từ khi thành lập và tham gia ủng hộ Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành lại độc lập, tự do trước đây cũng như trong công cuộc kiến thiết và bảo vệ đất nước hiện nay. Hội khẳng định trong thời gian tới sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động đa dạng với Việt Nam, trong đó có việc giúp đỡ, hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam và đồng hành cùng Việt Nam trong chống dịch Covid-19, ứng phó với biến đổi khí hậu, đào tạo phục vụ phát triển.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao vai trò trụ cột của AAFV, với bề dày truyền thống của Hội, trong các hội đoàn đoàn kết và hợp tác giữa Pháp và Việt Nam; bày tỏ trân trọng những đóng góp của Hội cũng như của các chi hội trong việc thắt chặt và tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa nhân dân hai nước. Thủ tướng khẳng định luôn hoan nghênh và ủng hộ các dự án, hoạt động của Hội vì Việt Nam.
Viễn Đông