+
Aa
-
like
comment

“Ổ virus” ở chợ hải sản Bắc Kinh gây sợ hãi trong lòng dân Trung Quốc

Thành Nhân - 16/06/2020 10:19

Bắc Kinh, sau gần hai tháng không có ca nhiễm trong cộng đồng, đùng một cái bước vào “thời kỳ bất thường” với hàng chục ca COVID-19 mới. Nhiều ca liên quan tới chợ hải sản tương tự Vũ Hán.

“Ổ virus” ở chợ hải sản Bắc Kinh gây sợ hãi trong lòng dân Trung Quốc

Ngày 15-6, nhà chức trách Trung Quốc thông báo Bắc Kinh ghi nhận thêm 36 ca nhiễm mới trong 24 giờ trước đó, nâng tổng số ca nhiễm lên 79. Số ca nhiễm bất ngờ tăng lên sau khi Bắc Kinh ghi nhận một ca COVID-19 đầu tiên trong gần hai tháng hôm 11-6.

Phong tỏa nhiều khu dân cư

Hầu hết số ca nhiễm mới có liên quan tới chợ Tân Phát Địa ở quận Phong Đài, phía nam Bắc Kinh. Chợ này bán hải sản, thịt, rau củ… đã bị đóng cửa từ cuối tuần trước. Ít nhất 11 khu dân cư xung quanh đã bị phong tỏa và người dân được lệnh ở lại trong nhà.

Bắc Kinh tiếp tục đóng 10 khu dân cư xung quanh chợ hải sản Ngọc Tuyền Đông ở quận Hải Điến hôm 15-6, sau khi một số người tại chợ có kết quả xét nghiệm dương tính với virus corona chủng mới. Những trường hợp này lại có liên quan tới chợ Tân Phát Địa.

Đáng chú ý, những ca nhiễm đầu tiên được ghi nhận trước đây ở Vũ Hán, nơi khởi phát dịch COVID-19, cũng có liên quan tới một chợ hải sản tên Hoa Nam. Điều này khiến một số người đặt nghi vấn liệu các chợ hải sản có phải là “ổ virus” hay không, theo trang Thời Báo Hoàn Cầu.

Ổ virus ở chợ hải sản Bắc Kinh gây sợ hãi - Ảnh 1.
Những người dân từng đến chợ Tân Phát Địa hoặc sống gần chợ này được lấy mẫu xét nghiệm tại Bắc Kinh hôm 14-6 – Ảnh: AFP

Chợ hải sản nhìn chung đề cập tới những khu chợ bán thủy hải sản. Tuy nhiên, những nơi này thường không chỉ bán hải sản mà còn có các loại thịt heo, bò… Chuyên gia virus học Dương Chiêm Thu đến từ Đại học Vũ Hán cho biết các chợ hải sản thường dễ bị COVID-19 tấn công do môi trường ẩm ướt và dòng người đi lại lớn. Ông Dương cho biết hải sản thường được bảo quản ở nhiệt độ -20 độ C và virus có thể vẫn lây nhiễm ở nhiệt độ thấp như vậy trong nhiều tuần.

Tương tự chợ hải sản Hoa Nam ở Vũ Hán, nhà chức trách cũng tìm thấy các mẫu dương tính với virus corona chủng mới tại chợ Tân Phát Địa. Một số mẫu dương tính được phát hiện từ thớt thái cá hồi nhập khẩu của chợ.

Hồi tháng 1, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc (CDC) cho biết trong số 585 mẫu vật được lấy từ chợ hải sản Hoa Nam có 33 mẫu chứa virus corona chủng mới. Các mẫu vật này được lấy trong môi trường chợ, từ thớt hay bao tay…

Virus vào chợ bằng cách nào?

Trong bối cảnh nhiều ca nhiễm mới có liên quan các khu chợ hải sản được ghi nhận, nhiều người dân tại Trung Quốc đã có những hoang mang về các chợ hải sản cũng như việc tiêu thụ hải sản.

Nhiều trường học gần chợ Tân Phát Địa và Ngọc Tuyền Đông đã đóng cửa. Trong khi đó, nhiều siêu thị lớn ở Bắc Kinh đã ngưng bán cá hồi từ cuối tuần trước.

Được biết Trung Quốc nhập khẩu khoảng 80.000 tấn cá hồi ướp lạnh và đông lạnh mỗi năm, chủ yếu từ Chile, Na Uy, quần đảo Faroe, Úc và Canada. Hãng tin Reuters ngày 15-6 cho biết nhiều nhà cung cấp nước ngoài nói rằng Trung Quốc đã dừng nhập khẩu cá hồi.

Fan Jing Li, người dân ở Bắc Kinh, cho biết sau khi đi ăn tại một nhà hàng sushi, cô đã cân nhắc đi xét nghiệm axit nucleic để biết được cô có bị nhiễm virus hay không. Trên một số trang báo của Trung Quốc như Sohu xuất hiện câu hỏi: “Chợ Ngọc Tuyền Đông thế nào rồi? Mua rau, mua thịt, mua hải sản an toàn không?”.

Các nhà khoa học hiện nay đánh giá các loại hải sản, gồm cá hồi, không thể mang virus corona chủng mới trong cơ thể. Loại virus này chủ yếu ảnh hưởng tới các động vật có vú và cơ quan chịu tác động nhiều nhất là phổi. Tuy nhiên, nhà dịch tễ học hàng đầu tại CDC Ngô Tôn Hữu chỉ ra một khả năng là bề mặt của cá có thể bị nhiễm virus từ người bị mắc bệnh.

Ông Dương Bằng, nhà nghiên cứu đến từ Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Bắc Kinh, nói rằng nguồn gốc virus mới phát hiện ở Bắc Kinh vẫn đang được truy tìm và chưa rõ làm cách nào virus xâm nhập vào được chợ hải sản.

Nhưng theo ông, có hai khả năng. Thứ nhất là thông qua hải sản hoặc các loại thịt có dính virus được nhập từ nước ngoài vào, sau đó người tiếp xúc sẽ bị nhiễm. Thứ hai là thông qua những người nhiễm bệnh đến chợ khi họ ho hoặc hắt hơi – vốn cũng có thể khiến virus dính lên bề mặt hải sản hay thịt.

Trong bối cảnh đó, truyền thông Trung Quốc ngày 15-6 cho biết Bắc Kinh đã thông báo cách chức ít nhất 3 người do thiếu trách nhiệm dẫn tới xuất hiện các ca nhiễm mới ở Bắc Kinh, trong đó có Chu Vũ Thanh (phó quận trưởng quận Phong Đài) và Trương Nguyệt Lâm (tổng giám đốc chợ Tân Phát Địa).

“Thời kỳ bất thường”

Cuối tuần trước, phó trưởng ban tuyên truyền Thành ủy Bắc Kinh Từ Hòa Kiến nhận định: “Bắc Kinh đã bước vào thời kỳ bất thường”. Ít nhất 10 thành phố của Trung Quốc, gồm Cáp Nhĩ Tân và Đại Liên, đã thúc người dân không đi tới Bắc Kinh hoặc báo cáo cho chính quyền nếu họ gần đây có tới Bắc Kinh.

Trong một bài đăng trên Twitter ngày 15-6, ông Hồ Tích Tiến – tổng biên tập tờ Thời Báo Hoàn Cầu – tự tin tuyên bố: “Không đời nào Bắc Kinh trở thành Vũ Hán 2.0”. Ông nói rằng với năng lực chống dịch của mình, Trung Quốc sẽ lại chiến thắng.

90.000Theo China Daily, Bắc Kinh đang xét nghiệm cho khoảng 90.000 người với gần 100.000 nhân viên cộng đồng được huy động khẩn cấp đến thủ đô hỗ trợ khống chế ổ dịch mới bùng phát. Chính quyền thành phố đã truy dấu được gần 200.000 người từng đến chợ Tân Phát Địa, chợ đầu mối hải sản lớn nhất châu Á, và dự kiến tổ chức xét nghiệm những người này.

Các quan chức Bắc Kinh mô tả thành phố đã sẵn sàng “chiến đấu” với dịch. Nhiều quận tại thành phố này đã thiết lập các chốt kiểm soát, đóng cửa trường học và yêu cầu người dân đi xét nghiệm. Từ tối chủ nhật, dòng người đã xếp hàng trước trung tâm xét nghiệm COVID-19 là một sân vận động ở thành phố. Các nhà hàng được yêu cầu hạn chế các buổi tiệc, trong khi việc mở cửa các cơ sở giải trí sẽ hoãn lại.

Thế giới hơn 8 triệu ca bệnh COVID-19

2020-06-03t000000z_635709306_rc2l1h9qfduy_rtrmadp_3_health-coronavirus-philippines 2(read-only)
Các tấm ngăn cách được lắp bên trong xe jeepney, một phương tiện giao thông công cộng phổ biến ở Philippines, để đảm bảo giãn cách xã hội – Ảnh: REUTERS

Tính đến chiều 15-6, thế giới đã có hơn 8 triệu ca mắc COVID-19 với hơn 436.000 ca tử vong, theo thống kê của Worldometer.

Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nhất với hơn 2 triệu ca, theo sau là Brazil, Nga và Ấn Độ. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã gọi khu vực Nam và Trung Mỹ là tâm điểm mới của đại dịch COVID-19 toàn cầu. Khu vực Trung Đông cũng chứng kiến số ca nhiễm mới tăng nhanh trong vài ngày qua, trong đó Iran dẫn đầu với số ca nhiễm và người chết lần lượt gần 190.000 và 8.950.

Tại nhiều khu vực khác ở châu Á, dịch bệnh vẫn tiếp tục lây lan. Malaysia ngày 15-6 thông báo thêm 41 ca COVID-19 mới, không có ca tử vong nào, trong khi Thái Lan 21 ngày liên tiếp không có ca lây nhiễm cộng đồng nào. Từ ngày 15-6, Thái Lan gỡ bỏ giới nghiêm toàn quốc sau hai tháng áp dụng và có thể tổ chức bầu cử địa phương trong năm nay. Philippines có đến 490 ca mới và 10 ca tử vong, Indonesia có 1.017 ca mới và 64 ca tử vong.

Từ ngày 15-6, nhiều quốc gia châu Âu tiếp tục nới lỏng một số biện pháp kiểm soát biên giới. Từ Iceland đến Hi Lạp, nhiều biện pháp hạn chế đối với du khách đến EU sẽ được nới lỏng từ ngày 15-6, nhưng các nước vẫn áp đặt một số biện pháp phòng dịch.

Các biện pháp sẽ tùy thuộc vào mỗi quốc gia, chẳng hạn Hi Lạp mở cửa đối với các nước láng giềng nhưng yêu cầu cách ly đối với các du khách. Đức, Bỉ, Pháp, Áo dự kiến cho phép du khách nhập cảnh từ ngày 16-6, trong khi Tây Ban Nha sẽ tiếp tục cấm du khách nước ngoài đến 21-6, theo Hãng tin Reuters.

Bắc Kinh thành ổ dịch nghiêm trọng nhất Trung Quốc

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) hôm nay cho biết nước này ghi nhận thêm 40 ca nhiễm nCoV trong 24 giờ qua, gồm 27 ca ở Bắc Kinh, 4 ca ở tỉnh Hà Bắc, một ca ở tỉnh Tứ Xuyên và 6 ca ngoại nhập. Số liệu mới nâng tổng số ca nhiễm ở Trung Quốc lên 83.221, trong khi số người chết vẫn là 4.634.

Từ khi ca nhiễm đầu tiên trong hơn hai tháng được báo cáo hôm 12/6, Bắc Kinh hiện ghi nhận 106 ca liên quan cụm dịch Tân Phát Địa, chợ đầu mối thực phẩm lớn nhất châu Á. Số ca nhiễm khiến Bắc Kinh trở thành ổ dịch nghiêm trọng nhất ở Trung Quốc kể từ tháng 2, gây lo ngại về làn sóng dịch bệnh thứ hai tại nước này.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm cho một người gần đây tới Bắc Kinh tại thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc hôm 15/6. Ảnh: Reuters.

Quan chức thành phố Bắc Kinh hôm nay cảnh báo tình hình dịch bệnh ở thủ đô “cực kỳ nghiêm trọng”. “Hiện tại, nhiệm vụ quan trọng và cấp bách nhất là kiên quyết ngăn chặn và kiểm soát dịch bệnh”, phát ngôn viên thành phố Xu Hejian nói tại cuộc họp báo, thêm rằng thành phố phải “thực hiện các biện pháp quyết liệt, dứt khoát và nghiêm ngặt nhất” để kiểm soát cụm dịch mới.

Bắc Kinh đã phong tỏa gần 30 khu dân cư và xét nghiệm hàng chục nghìn người. Giới chức hôm nay cũng đóng cửa chợ thứ ba ở quận trung tâm Tây Thành, sau chợ ở Tân Phát Địa ở quận Phong Đài và một chợ ở quận Hải Điến, sau khi một người tại chợ này nhiễm nCoV. Bảy khu dân cư quanh chợ cũng bị phong tỏa.

Thủ đô Trung Quốc hôm qua nâng mức cảnh báo ở nhiều khu vực lên mức trung bình, yêu cầu người dân và chính quyền thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt để ngăn chặn lây nhiễm tiềm tàng.

Thành Nhân

Bài mới
Đọc nhiều