+
Aa
-
like
comment

Ô tô Việt Nam đắt đỏ: Bộ Công Thương lý giải gì?

02/12/2019 20:38

Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, ngành công nghiệp ô tô trong nước gặp nhiều khó khăn về lĩnh vực sản xuất phụ trợ và cạnh tranh giá cả.

Chiều 2/12, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11/2019, nhiều PV đặt câu hỏi liên quan đến giá cả và các chính sách phát triển ngành ô tô trong nước.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải trả lời tại buổi họp báo. (Ảnh: Xuân Trường)

Trả lời những câu hỏi này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, hiện nay ngành công nghiệp ô tô hết sức quan trọng đối với đất nước có khoảng 100 triệu dân như Việt Nam. Vấn đề phát triển lĩnh vực này đã được Thủ tướng nhấn mạnh nhiều lần trong các phiên họp của Chính phủ.

Theo ý kiến của Thứ trưởng Bộ Công Thương, có hai thành phần quan trọng khiến giá của ô tô lắp ráp và sản xuất trong nước cao. Thứ nhất là chi phí sản xuất tăng, khiến giá thành sản phẩm tăng. Và thứ hai là thuế phí áp dụng cho ô tô đương đối cao.

“Hiện nay, giá thành ô tô của Việt Nam cao hơn các quốc gia và vùng lãnh thổ khác. Nguyên do là vì dung lượng thị trường trong nước còn nhỏ. Ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam chưa đủ các điều kiện thị trường và các yếu tố khác để phát triển giống như các quốc gia khác trên thế giới. Thêm vào đó, ô tô Việt Nam còn chịu sự cạnh tranh khốc liệt của nhiều “đối thủ” từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ”.

Ngoài ra, hiện nay chúng ta chưa có nhiều doanh nghiệp chế tạo ô tô tầm cỡ khu vực và thế giới, mới có Thaco Trường Hải và mới đây là VinFast, Huynhdai Thành Công. Chúng ta không có đầu tàu, cho nên rất khó để kéo các “toa tàu” hỗ trợ sản xuất linh kiện phát triển”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải phân tích.

Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới và ký kết rất nhiều các hiệp định thương mại tự do, Việt Nam phải tuân thủ cam kết quốc tế về việc can thiệp vào chính sách phát triển công nghiệp, trong đó có công nghiệp ô tô.

Mặt khác, Việt Nam cũng thiếu các vật liệu cơ bản để sản xuất cho ngành công nghiệp ô tô, cũng như công nghiệp hỗ trợ và lĩnh vực khác. Các vật liệu như thép chế tạo, nhựa, cao su, chất dẻo… chủ yếu phải nhập khẩu. Vì vậy, giá thành sản xuất thường cao, từ đó đẩy giá ô tô cũng tăng lên.

O to Viet Nam dat do: Bo Cong Thuong ly giai gi? hinh anh 2
 Công nghiệp phụ trợ trong nước đang gặp nhiều khó khăn.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, hiện tại Chính phủ rất quan tâm đến vấn đề phát triển ngành công nghiệp ô tô và tìm kiếm các giải pháp để giải quyết hiệu quả. Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu duy trì phát triển ngành sản xuất, lắp ráp ô tô và công nghiệp hỗ trợ trong nước.

Theo đó, có nhóm 4 giải pháp được Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nêu ra. Đầu tiên là phải bảo vệ, tạo dựng và phát triển thị trường ô tô trong nước, thông qua các hàng rào kĩ thuật, phù hợp với cam kết quốc tế. Trong đó, có chính sách kích cầu tiêu dùng ô tô, thông qua quy hoạch hợp lý hạ tầng giao thông; Khuyến khích tín dụng để tiêu dùng sản phẩm ô tô.

Thứ hai, nắm bắt, đề xuất và sửa đổi bổ sung một số quy định liên quan đến thuế phí, nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh, thu hẹp khoảng cách chi phí sản xuất giữa ô tô trong nước và ô tô xuất khẩu ở khu vực.

Thứ ba, khuyến khích các doanh nghiệp lớn đầu tư, phát triển ngành công nghiệp ô tô. Trong đó, chú trọng đầu tư vào nghiên cứu phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, tham gia sâu vào giá trị toàn cầu.

Thứ tư, có các chính sách đầu tư từ tập đoàn đa quốc gia, đầu tư vào các dự án lớn tại Việt Nam.Trong đó tập trung vào các thương hiệu và dòng xe chưa có tại khu vực ASEAN. Đồng thời, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước tham gia sâu vào chuỗi sản xuất ô tô đa quốc gia, hướng tới thị trường xuất khẩu trong khu vực.

Ngoài ra, Chính phủ còn thực hiện một số chính sách phát triển nguồn nhân lực, khoa học công nghệ và các lĩnh vực xản xuất hỗ trợ cho ngành công nghiệp ô tô trong nước.

(Theo VTC News)

Bài mới
Đọc nhiều