+
Aa
-
like
comment

Ở nơi có sự “phân cực” sâu sắc bậc nhất thế giới

Tuệ Ngô - 24/07/2023 08:46

Theo một nghiên cứu mới của Imperial College, sự bất bình đẳng về sự giàu có ở Hoa Kỳ đã tăng nhanh hơn ở châu Âu trong 50 năm qua.

Phân cực sâu sắc

Là nền kinh tế lớn nhất thế giới, Mỹ cũng là nền kinh tế phân cực nhất trong số các nước phương Tây. Nước này từ lâu đã mắc kẹt trong bài toán hóc búa là người giàu càng giàu và người nghèo càng nghèo.

Kể từ khi COVID-19 bùng phát, Mỹ đã áp dụng các biện pháp kích thích tài chính và tài khóa quy mô lớn. Tuy nhiên, những biện pháp này không giải quyết được những khó khăn cơ bản mà những người nghèo phải đối mặt, mà thay vào đó mang đến cho các tỷ phú cơ hội mở rộng sự giàu có của họ. Bất bình đẳng kinh tế thậm chí còn trở nên nổi bật hơn.

Theo Ngân hàng Thế giới, hệ số Gini (thước đo sự bất bình đẳng trong phân phối thu nhập) của Mỹ đã tăng từ 0,353 năm 1974 lên 0,415 vào năm 2019, vượt mức báo động 0,4 cho thấy khoảng cách thu nhập lớn. Trong cùng thời gian, các nước phát triển khác phần lớn đã giữ hệ số Gini của họ dưới 0,35, hoặc thậm chí 0,3 trong một số trường hợp.

Ở Mỹ, dân số giàu có đã tận hưởng tăng trưởng thu nhập nhanh hơn đáng kể so với nhóm thu nhập thấp. Theo Sở điều tra dân số Hoa Kỳ, trong khoảng thời gian từ năm 1970 đến 2020, thu nhập trung bình của tỉ phần cao nhất gia đình tăng lên 182% đạt 253,000 đô la Mỹ, trong khi các hộ gia đình thu nhập trung bình và tỉ phần thấp chỉ tăng lần lượt 133% đạt 72,000 đô la và 113% đạt 15,000 đô la, Khoảng cách đã mở rộng lên 17.4 lần so với năm 1975.

Một người vô gia cư ngủ trên ghế tại New York, Mỹ.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng mặc dù cả hai khu vực đều có mức tăng trưởng ổn định tương tự về tổng tài sản hộ gia đình, nhưng cách thức phân bổ của cải đã khác biệt rõ rệt kể từ những năm 1980.

Tiến sĩ Clara Martínez-Toledano, Giáo sư Trợ lý tại Khoa Kinh doanh Đại học Imperial và một trong số các tác giả chính của nghiên cứu, nói: “Từ những năm 1980, chúng ta thấy khoảng cách giàu nghèo bắt đầu xuất hiện, nơi có sự thay đổi đáng kể hơn ở Hoa Kỳ. Sự giàu có mà tầng lớp 1% giàu nhất sở hữu tại Hoa Kỳ đã tăng lên một cách đáng kể hơn so với tầng lớp 1% giàu nhất tại châu Âu – nói cách khác, khoảng cách giữa giàu và nghèo ở Mỹ trở nên rõ rệt hơn khi người giàu Mỹ trở nên càng giàu hơn.”

Lý do là gì?

Để khám phá lý do tại sao khoảng cách này xuất hiện, các nhà nghiên cứu đã chia sự giàu có thành ba động lực chính: sự khác biệt về tỷ lệ tiết kiệm; tiền lương; và tỷ lệ tăng vốn.

Trong những thập kỷ được khảo sát, nghiên cứu cho thấy giá nhà đã tăng đáng kể ở cả hai khu vực, cũng như giá tài sản tài chính. Tuy nhiên, giá thị trường chứng khoán ở Mỹ đã tăng nhanh hơn nhiều so với ở châu Âu.

Theo Tiến sĩ Martínez-Toledano, sự khác biệt trong thành phần của những tài sản này giữa các nhóm giàu có là chìa khóa.

Theo đó, những người giàu nhất có xu hướng sở hữu các tài sản tài chính như cổ phiếu và trái phiếu, trong khi những người giàu trung bình có xu hướng sở hữu một ngôi nhà là tài sản chính của họ. Tuy nhiên, ngay cả với sự tăng trưởng mạnh về giá nhà ở cả hai khu vực, giá thị trường chứng khoán vẫn là yếu tố phân biệt nổi bật, với sự tăng vọt về giá trị của chứng khoán Mỹ trong những thập kỷ đó.

Theo thống kê của Cục Dự trữ Liên bang, 1% hộ gia đình giàu nhất Hoa Kỳ nắm giữ hơn 20% tài sản hộ gia đình quốc gia, một tỷ lệ đã tiếp tục tăng mạnh trong những năm gần đây. Theo thống kê của Fed vào năm 2021, 1% người giàu nhất nắm giữ kỷ lục 32,3% tài sản của đất nước, tăng từ mức chỉ 23,6% vào năm 1989, trong khi 50% người dưới cùng (khoảng 63 triệu hộ gia đình) chỉ nắm giữ 2,6%, giảm từ 3,7% trong năm 2021.

Một yếu tố quan trọng khác có thể giải thích khoảng cách giàu nghèo giữa người giàu và người nghèo ở Hoa Kỳ là sự bất bình đẳng về thu nhập của người lao động, với nền kinh tế Hoa Kỳ cho thấy sự tương phản lớn hơn nhiều về mức lương giữa những người lao động được trả lương thấp nhất và cao nhất so với các nền kinh tế châu Âu trong cùng khoảng thời gian.

Để ghi lại những phát hiện này, các nhà nghiên cứu đã chạy các mô phỏng thay thế quỹ đạo bất bình đẳng thu nhập lao động và giá tài sản từ Pháp sang các số liệu của Mỹ. Họ nhận thấy mức độ tập trung tài sản giả định của Mỹ thấp hơn do bất bình đẳng thu nhập lao động tăng ít hơn và giá nhà tăng nhiều hơn so với tài sản tài chính ở châu Âu. Kết quả tương tự khi họ thay thế các số liệu tương tự từ các nước châu Âu khác vào dữ liệu của Hoa Kỳ.

Theo Equilar, thu nhập trung bình của CEO của các công ty niêm yết vào năm 2021 là 20 triệu USD, tăng 31% so với năm 2020, trong khi thu nhập trung bình của nhân viên chỉ tăng từ khoảng 69.000 USD lên khoảng 72.000 USD, tăng khoảng 4%.

Các nhà nghiên cứu cho biết các nhà hoạch định chính sách Mỹ nên ưu tiên các chính sách thị trường việc làm nhằm mục đích tăng tiền lương ở mức thấp hơn trong phân phối để giảm bất bình đẳng giàu nghèo. Họ cũng kêu gọi các ngân hàng trung ương đóng vai trò chính trong việc ổn định giá nhà.

“Mức độ bất bình đẳng kinh tế cao có thể dẫn đến bất ổn kinh tế và chính trị. Đây là lý do tại sao cần phải hành động trước khi xã hội trở nên phân cực.” Tiến sĩ Clara Martinez-Toledano, Trợ lý Giáo sư Tài chính, Trường Kinh doanh cho biết.

Tuệ Ngô

Bài mới
Đọc nhiều