Ô nhiễm vượt mức: Đề xuất xe phải “rửa” trước khi vào Hà Nội
Nhận định phương tiện giao thông là một trong số những nguyên nhân gây ô nhiễm không khí, Bộ TN&MT đề xuất xe từ ngoại tỉnh phải rửa sạch trước khi vào Hà Nội.
Kết luận cuộc họp chiều 19/12 về giải pháp cấp bách kiểm soát chất lượng môi trường không khí tại các đô thị lớn, Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà nêu ra hàng loạt nguyên nhân và giải pháp giải quyết ô nhiễm môi trường.
Đây là vấn đề người dân quan tâm khi những ngày qua, chỉ số môi trường luôn ở mức nguy hại.
Sống giữa đại công trường Nghiên cứu của Tổng cục Môi trường dựa trên số liệu của các địa phương cho thấy các thông số SO2, CO, CO2… dù có lúc chạm ngưỡng vẫn trong tiêu chuẩn và xu hướng không tăng. Nhưng riêng chỉ số bụi mịn (PM 10, PM 2,5) đều tăng và dao động, thường cao mùa khô, trong khoảng thời gian từ 5-8h và 14-21h.
“Tình hình ô nhiễm khí của Hà Nội và TP.HCM gia tăng so với năm 2018. Việc này điều tạo ra sự lo lắng của người dân”, ông Hà chia sẻ nhưng cho rằng các thông số từ một số trạm quan tắc tự động chưa đủ cơ sở đảm bảo chính xác.
Đề cập đến nguyên nhân, bộ trưởng nhắc đến lượng phương tiện giao thông ở 2 địa phương này quá lớn. Năm 2019, phương tiện giao thông ở Hà Nội tăng 15%, trong đó có 5,8 triệu xe máy. TP.HCM cũng có khoảng 7,5 triệu xe máy và 700.000 ôtô.
Ngoài ra, số lượng dân cư tự do tăng khoảng 100.000-200.000 người mỗi năm, đi kèm theo đó là tăng lượng phương tiện giao thông. Quy chuẩn về khí thải ở châu Âu là Euro 6, còn nước ta mới đang hướng đến Euro 4.
Nguyên nhân thứ hai là việc 2 thành phố lớn đang có rất nhiều công trình xây dựng. Hà Nội trở thành công trường với vỉa hè, đường xá, nhà cao tầng. TP.HCM cũng vậy.
Ngoài ra, TP.HCM có 900 nhà máy lớn nhỏ. Hà Nội ít hơn nhưng lại có một số vấn đề như đốt rơm rạ mùa thu hoạch, hay người dân sử dụng than tổ ong, đốt chất thải.
Cũng phải nhắc đến phương pháp quét rác, dùng phương tiện hiện đại xử lý cũng là nguyên nhân gây phát tán bụi. Ông cũng nhắc đến nguyên nhân “ô nhiễm xuyên biên giới” và tiếc nuối khi chưa thiết thiết lập được hệ thống quan trắc xuyên biên giới.
“Chúng ta cũng đổ lỗi cho thời tiết, khí hậu hay nguyên nhân xuyên biên giới khi chưa có căn cứ”, ông Hà nói và cho rằng nhận định Hà Nội ô nhiễm do ảnh hưởng từ các địa phương khác cũng chưa có cơ sở.
Xe cũ phải đóng phí chất thải cao Về giải pháp, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh phải có trách nhiệm tập trung nguồn lực trong giai đoạn nhạy cảm như hiện nay.
Theo đó, bằng mọi cách bố trí ngân sách, huy động lực lượng để duy trì trạm quan trắc tự động, đưa ra chính sách chỉ số về chất lượng không khí hàng ngày. “Nếu chất lượng không khí vượt quá mức quy chuẩn, tức là nguy hại thì phải có khuyến cáo luôn”, ông Hà nhấn mạnh.
Người đứng đầu ngành tài nguyên môi trường đề nghị UBND Hà Nội trong thời điểm ô nhiễm vượt ngưỡng cần vừa công bố thông tin, vừa có giải pháp như phun nước nhiều lần trong ngày để hạn chế phát tán bụi, nếu cần thiết thì hạn chế phương tiện cá nhân đi qua một số tuyến phố để giảm áp lực về giao thông. Với những giải pháp này, ông Hà cho rằng “người dân phải ủng hộ thôi”.
Đặc biệt, Bộ trưởng TN&MT đưa ra giải pháp phân làn để hạn chế xe ngoại tỉnh “mượn đường” đi qua Hà Nội. “Hoặc có thể yêu cầu xe từ ngoại tỉnh trước khi vào Hà Nội phải rửa xe. Như xe tôi đi công tác về cũng thường đầy bùn đất”, ông Hà nói về những việc trước mắt, tạm thời.
Về lâu dài, bộ trưởng nhắc đến quyết định của Thủ tướng yêu cầu hoàn thiện cơ chế chính sách, Luật Bảo vệ môi trường và các luật liên quan. “Lộ trình này ở TP.HCM và Hà Nội phải đẩy nhanh hơn cả nước. Xe máy và ôtô hoạt động ở đây cũng phải có quy chuẩn cao hơn nhiều ở các địa phương và phải có cơ chế chính sách thực hiện nghiêm việc này”, ông Hà nói.
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, không nên dùng chính sách cấm mà nên để những người sử dụng xe cũ, xe có lượng khí thải cao phải có mức đóng góp lớn về phí chất thải hơn bình thường.
Ông Hà cũng đề nghị quản lý chặt chẽ công nghệ tái chế, kiểm soát việc xây dựng và có lộ trình bài bản. Phải giải quyết từ khâu quy hoạch, đầu tư và phát triển, giữ được mảng xanh, hồ ao, trồng cây để hấp thụ khí thải. “Nếu thành phố chỉ có nhà ở và công trường thì không thể làm môi trường tốt được”, ông Hà nói.
Cùng với đó, cần kiểm soát chặt chẽ xe ở ngoài vào mang theo bùn đất và không đáp ứng vấn đề môi trường. Với những xe đổ chất thải ra đường phố có thể chụp ảnh và xử phạt nguội. Bộ GTVT phải nghiên cứu kỹ chính sách với xe nhập khẩu, xe mới phải sử dụng năng lượng sạch hoặc đáp ứng tiêu chuẩn phải Euro 6.
“Những việc cần làm là sớm đánh giá đúng thực trạng ô nhiễm với tinh thần quyết liệt, không khoan nhượng với nguyên nhân gây ra ô nhiễm”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Anh Thư – Mỹ Hà/ZNS