Ô nhiễm môi trường: Chưa xộc vào nhà chưa “đổ lệ”
“Nhà nước cần phân rõ trách nhiệm, phân công và phân cấp quản lý, cần có chế tài xử phạt nặng về vi phạm quy trình lọc, kiểm soát chất lượng nước”.
Những lỗ hổng trong các văn bản quy phạm pháp luật về môi trường, sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, thiếu đồng bộ trong phối hợp giữa các cơ quan chức năng… cần được tháo gỡ, hoàn thiện nhằm bảo vệ môi trường sống của chúng ta.
Ô nhiễm liên tục “tấn công” người dân
Những sự cố gây nguy hại đến môi trường sống trên diện rộng xảy ra gần đây, như vụ cháy tại Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, ô nhiễm nguồn nước của Công ty Cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco), ô nhiễm không khí kéo dài… đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng người của dân.
Ngày 19/12, tức là gần 4 tháng từ đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng tại Hà Nội và các tỉnh miền Bắc, Bộ TN&MT mới tổ chức cuộc họp liên ngành về ô nhiễm không khí, bàn các giải pháp cấp bách kiểm soát chất lượng môi trường không khí.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, chưa tìm ra nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí ở TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, nhưng việc nhận diện nguồn gây ô nhiễm không khó. Theo đó, số lượng phương tiện giao thông tăng nhanh, xả ra các chất ô nhiễm rất lớn. Hà Nội có khoảng 5,8 triệu xe máy, 7-8 trăm nghìn ô tô; ở TP. Hồ Chí Minh cũng tương tự… đó là nguồn gây ô nhiễm không khí lớn nhất. Thứ hai, ở Hà Nội hiện nay có hơn 1.000 công trình đang xây dựng, vỉa hè, đường sá thì bị đào xới, TP. Hồ Chí Minh cũng vậy… đã biến hai thành phố này trở thành đại công trường, đó là tác nhân gây ô nhiễm rất lớn.
“Ở Hà Nội có một số nguyên nhân đặc thù khác, đó là vấn đề đốt rơm rạ, đây là nguồn gây ô nhiễm theo mùa nhưng tác hại của nó không nhỏ. Bên cạnh đó, hiện có hơn 60.000 hộ đang dùng bếp than tổ ong. Cộng với việc đốt rác thải nguy hại ở ngoại thành khiến các chỉ số ô nhiễm không khí ở Hà Nội trong những tháng cuối năm tăng cao”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết.
“Vấn đề trước mắt, phải có trách nhiệm tập trung nguồn, bằng mọi phương pháp huy động ngân sách, huy động lực lượng để duy trì các hệ thống quan tắc tự động nhằm xác định chính xác về môi trường không khí và cung cấp thông tin mỗi ngày 2 lần để người dân nắm bắt được. Tích cực triển khai các biện pháp cắt giảm nguồn phát thải gây ô nhiễm…”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
TS Nguyễn Hồng Vũ, chuyên gia sinh học trong Y học, Viện Nghiên cứu Ung thư City of Hope (Mỹ), cho rằng, Việt Nam hay các đô thị lớn như TP. Hà Nội, TP.HCM chưa có các biện pháp ứng phó khẩn cấp khi không khí chạm ngưỡng xấu, nguy hại đó là thiếu sót lớn. Bởi đây là nguyên nhân dẫn tới sự bùng nổ về các loại bệnh liên quan đến hệ hô hấp gây tử vong rất cao. Theo nghiên cứu mới đây của Tổ chức Y tế Thế giới, mỗi năm 60.000 người tại Việt Nam chết có liên quan đến ô nhiễm không khí
Ở nhiều thành phố như Bắc Kinh, hay New Delhi, khi chất lượng không khí suy giảm đột ngột, chính quyền thành phố sẽ có các biện pháp khẩn cấp như tạm dừng hoạt động các công trường, nhà máy. Các khu vực đông dân cư sẽ bị hạn chế xe cộ, nhất là xe cá nhân.
Trước đó tháng 10, sự cố nhà máy nước sạch sông Đà nhiễm dầu thải khiến cho dư luận vô cùng lo lắng, bất an. TS Lê Đình Tri, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Quy hoạch kiến trúc (Bộ Xây dựng) cho rằng: “Đây không chỉ là bài học cho Hà Nội mà là chung về công tác quản lý nhà nước, công tác kiểm tra, giám sát chất lượng nước trước khi cung cấp tới khách hàng. Để xảy ra những tiêu cực và nguy hại vừa rồi mới lộ ra những lỗ hở về an ninh nguồn nước”.
Thực tế cho thấy, sự cố này đã làm ảnh hưởng đến hàng vạn hộ dân, cuộc sống của hàng triệu người bị đảo lộn. Nước sạch bị nhiễm dầu còn có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của người dân. Thế nhưng, ngành chức năng và chính quyền chỉ phản ứng gọi là cho có. Nhiều gia đình phải tự di chuyển tạm về ở nơi khác. Đúng là ô nhiễm chưa xộc vào nhà chưa khiến người ta “đổ lệ”.
Hoàn thiện chính sách, pháp luật và cơ chế thực thi bảo vệ môi trường
Theo thống kê của Bộ Tư pháp, Việt Nam có khoảng 300 văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường (BVMT). Tuy nhiên, hệ thống các văn bản này chưa hoàn thiện, thiếu đồng bộ và không khả thi. Các quy định không có tính gắn kết, nhiều nội dung còn bị bỏ ngỏ như: quy định về quản lý, xử lý chất thải ở khu vực nông thôn; vấn đề thu phí và lệ phí trong quản lý chất thải nông nghiệp, làng nghề… Trách nhiệm quản lý nhà nước về BVMT được phân công cho nhiều bộ, ngành và các địa phương dẫn đến việc triển khai trong thực tế gặp nhiều khó khăn do sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, thiếu đồng bộ trong phối hợp.
GS.TS Trần Văn Chứ, Trường Đại học Lâm nghiệp cho rằng: “Nhận thức, trách nhiệm về BVMT của chủ đầu tư, một số ngành, cấp chính quyền, DN, cộng đồng dân cư còn hạn chế, chỉ chú trọng lợi ích kinh tế trước mắt. Cơ sở pháp lý, chế tài xử phạt đối với các loại hành vi gây ô nhiễm môi trường và các loại tội phạm về môi trường vừa thiếu, vừa chưa đủ mạnh. Hiện nay, Việt Nam có rất ít trường hợp gây ô nhiễm môi trường bị xử lý hình sự trong khi các vụ việc nghiêm trọng vẫn thường xuyên diễn ra. Ở cấp xã, nhiệm vụ quản lý về môi trường gần như bị bỏ trống. Thực tế, lực lượng cán bộ quản lý môi trường ở nước ta rất ít về số lượng, chỉ có 10 người/1 triệu dân, rất thấp so với các nước như: Thái Lan (30 người/1 triệu dân), Malaysia (100 người/1 triệu dân)”.
Để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về môi trường các cơ quan chức năng cần giải quyết nhanh chóng, dứt điểm những vấn đề môi trường gây bức xúc. Nhà nước cần quán triệt các nguyên tắc cơ bản “người gây ô nhiễm phải trả tiền”; “người hưởng lợi về môi trường phải có trách nhiệm chi trả” để từ đó xây dựng các cơ chế giá, phí về môi trường phù hợp với cơ chế thị trường, bảo đảm đủ để đầu tư trở lạikhắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường.
Ông Trịnh Lê Nguyên, Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature), đề xuất, Bộ TN-MT nên nhanh chóng bổ sung, hoàn thiện quy chế ứng phó sự cố môi trường trên cơ sở những bài học từ các vụ việc vừa qua, sớm ban hành và áp dụng. Quan trọng hơn là phải có các chương trình hướng dẫn, phổ biến đến chính quyền các cấp, cũng như tổ chức diễn tập định kỳ ở những điểm có nguy cơ cao xảy ra sự cố, thảm họa. Cơ quan chức năng cần nghiên cứu những quy chuẩn ứng phó với thảm họa, hạn chế thấp nhất những hậu quả nặng nề do sự cố môi trường gây ra.
Hoàng Dũng/VOV