Ô nhiễm không khí ở Hà Nội, TP HCM: Ai sẽ bị ảnh hưởng đầu tiên?
Ô nhiễm không khí ở Hà Nội và TP HCM đang tác động xấu đến sức khỏe cho con người. Đặc biệt, bụi mịn kích thước siêu nhỏ có thể xâm nhập sâu vào cơ thể người gây nhiều bệnh cấp tính hoặc tích tụ lâu dài.
Những ngày gần đây hệ thống quan trắc không khí tự động đều cho thấy chỉ số chất lượng không khí tại Hà Nội và TP HCM ở ngưỡng chất lượng không khí kém, ảnh hưởng đến sức khỏe, nhóm người già, trẻ nhỏ cần hạn chế ra ngoài.
Theo PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết trong những ngày không khí bị ô nhiễm, gây hại cho sức khỏe, những người vốn có các bệnh như phổi mạn tính, hen suyễn và các bệnh phổi khác sẽ có nguy cơ phát bệnh cao hơn so với người bình thường. Ngoài ra đối tượng trẻ nhỏ sức đề kháng kém, khi niêm mạc đường hô hấp hít phải các chất bụi, hoặc khói trong không khí cũng rất dễ làm tổn thương niêm mạc. Do đó, trẻ em cũng rất dễ mắc các bệnh viêm nhiễm ở đường hô hấp. Ô nhiễm không khí cũng có thể tác động tới quá trình điều trị của các bệnh nhân, khiến bệnh tình nặng hơn, kéo dài thời gian điều trị. Tuy nhiên, theo PGS Dũng không phải ai cũng mắc bệnh khi sống trong môi trường bị ô nhiễm vì mỗi người có hệ miễn dịch, chức năng đào thải của cơ thể.
Ông Đỗ Mạnh Cường, Phó trưởng Phòng Quản lý sức khỏe môi trường và hoá chất, Cục Quản lý Môi trường y tế, cho biết trung bình mỗi người cần 10.000 lít không khí để thở mỗi ngày vì thế khi chất lượng không khí không bảo đảm có thể gây ra hàng loạt bệnh tật về đường hô hấp, tim mạch, ung thư… “Trường hợp cấp tính nặng có thể dẫn đến ngạt do suy hô hấp, nhiễm độc máu, ảnh hưởng tim, phổi, thậm chí tử vong. Trường hợp mãn tính là viêm phổi, viêm phế quản và các bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, hen suyễn, tim mạch, viêm da, kích ứng da, căng thẳng thần kinh…”- ông Cường nói.
Cũng theo giới chuyên môn bụi mịn PM2,5 được đánh giá là tác nhân ô nhiễm không khí có ảnh hưởng tiêu cực nhất tới sức khoẻ con người. Vì có kích thước nhỏ nên “sát thủ vô hình”- bụi PM2.5 rất nguy hiểm, có khả năng lắng đọng, thẩm thấu và đi sâu vào tận các phế nang trong phổi và vào máu. Nhiều nghiên cứu trên thế giới cho thấy phơi nhiễm với bụi PM2.5 tăng nguy cơ mắc hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), viêm phổi, các chứng bệnh hô hấp, tim mạch, tiểu đường và ung thư phổi. Ngoài ra, các nhà khoa học cũng cảnh báo có mối liên quan giữa bụi mịn và dị tật bẩm sinh ở bà bầu.
Để phòng ngừa, nhiều chuyên gia y tế khuyến cáo trẻ em, phụ nữ có thai, người lớn tuổi, hạn chế ra ngoài đường, tham gia giao thông và các hoạt động thể thao ngoài trời. Người già, những người có bệnh về đường hô hấp, sức khỏe yếu nên ở trong nhà.
Với những người lao động bắt buộc phải ra ngoài trời nên đeo khẩu trang, các dụng cụ cản bụi như mũ, khăn, kính mắt… Người dân nên thường xuyên nhỏ mắt, mũi bằng nước muối sinh lý, hạn chế phơi thực phẩm ngoài môi trường không khí ô nhiễm, hạn chế sử dụng nước mưa. Theo các chuyên gia, khẩu trang thông thường như khẩu trang vải, khẩu trang y tế không thể lọc được bụi mịn mà chỉ hạn chế 30%-40% lượng bụi.
D. Thu/Người Lao Động