+
Aa
-
like
comment

Ô nhiễm không khí ở Hà Nội: Giao thông là thủ phạm chính hay là sự phủi tay, vô trách nhiệm của cơ quan chức năng

03/10/2019 18:47

Hà Nội lẽ ra đang vào mùa đẹp nhất trong năm, với hương hoa sữa bay dọc khắp phố phường, thứ hương thơm khi thì thoang thoảng khi lại ngào ngạt cộng với tiết thu dịu nhẹ làm cho du khách càng thêm vấn vương. Thế nhưng thói quen sáng ra hít thật sâu để tận hưởng mùi hoa sữa nồng nàn rồi mới bắt đầu một ngày mới của người dân Thủ đô và du khách bỗng dưng bị đảo lộn chỉ vì “danh hiệu” thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới. Và hết hội nghị nọ đến hội thảo kia được tổ chức nhằm “Cải thiện chất lượng không khí và giao thông” nhưng xem ra chẳng ai chịu trách nhiệm cũng như có hành động gì đáng kể để “cải thiện” thực trạng này.

hanoinew

Người dân nên tin vào cơ quan chức năng hay một bộ chỉ số độc lập?

Báo cáo mới nhất của Bộ Tài nguyên và Môi trường về hiện trạng không khí ở Hà Nội từ ngày 12 đến 29/9 (18 ngày) cho biết, chỉ số bụi PM2.5 ( loại bụi mịn có thể xâm nhập vào cơ thể người) liên tục cao hơn 50 – ngưỡng an toàn theo Quy chuẩn Việt Nam năm 2013 (trung bình 24 giờ là 50, trung bình năm 25).

Cụ thể, số liệu của 13 trạm quan trắc tự động (1 trạm của Tổng cục Môi trường, 11 trạm của thành phố Hà Nội, 1 trạm của Đại sứ quán Mỹ) cho thấy, từ ngày 12 đến 17/9 chỉ số bụi PM2.5 liên tục tăng, tình trạng này tiếp diễn từ ngày 23 đến 29/9. “Đặc biệt các ngày từ 25 đến 29, tất cả các trạm đều có giá trị PM 2.5 trung bình 24h vượt quy chuẩn”.

Kết quả quan trắc cho thấy, chỉ số chất lượng không khí tổng thể (AQI) trong trong 18 ngày trên thì chỉ có 5 ngày ở mức trung bình, còn lại đều ở mức kém (chỉ số lớn hơn 100). Từ ngày 23 đến 29/9, chỉ số AQI liên tục có xu hướng tăng (ô nhiễm) và đạt ở mức cao. “Ngày 29/9, trạm quan trắc tại Đại sứ quán Mỹ cho thấy chỉ số AQI đạt mức xấu (chỉ số lớn hơn 200)”.

Sở thích tập thể dục hay mở cửa sổ đón khí trời trong lành bỗng nhiên thành xa xỉ. 6 giờ sáng hay 10 giờ đêm, những thời điểm không khí tưởng như sạch nhất trong ngày, thì AQI vẫn vàng rực. Đi thể dục tưởng như hiển nhiên, ngược đời là giờ họ không thể làm nữa mới có thể bảo toàn sức khỏe.

Thủ phạm chính là…. Giao thông?

Ông Nguyễn Văn Thúy, quyền Giám đốc Trung tâm quan trắc môi trường (Tổng cục Môi trường) cho biết thủ phạm chính đó là giao thông. 70% tác nhân gây ô nhiễm môi trường ở Hà Nội là do khí thải từ những dòng xe không ngừng lưu thông trên đường, vấn đề đã tồn tại ở thành phố này từ khoảng 20 năm trở lại đây. Cho tới tận những năm 90, xe đạp vẫn là phương tiện di chuyển chính tại nước ta, khi trên đà phát triển kinh tế mạnh, xe đạp đã gần như bị xe máy thay thế hoàn toàn. Theo số liệu thống kê, hiện Hà Nội hơn 7 triệu xe máy xe máy và trên 700.000 ô tô, con số này sẽ tăng, con số này dự tính sẽ tăng 11% mỗi năm đối với xe máy và 17% đối với ô tô. Người dân Thủ đô đây cho biết, hầu như ai cũng có một chiếc xe máy trong khi phương tiện giao thông công cộng thì hạn chế và cũng không phổ biến lắm. Người dân thì không có thói quen đi bộ. Di chuyển dù chỉ một đoạn ngắn cũng phải xách xe máy ra. Bên cạnh nguồn khí thải từ giao thông.

Bên cạnh nguồn khí thải từ giao thông, nguồn thải gây ô nhiễm không khí từ các công trình đang xây dựng như nhà cao tầng, hạ tầng đường xá không đảm bảo các điều kiện được cho phép như che chắn sai quy định, tưới nước giảm bụi,…thực hiện các điều kiện rất nửa vời rồi đến từ các làng nghề sản xuất, tái chế nhôm, giấy,… các nhà máy sản xuất như xi măng, sắt thép, hóa chất,… Đốt rơm, rạ hay đốt than tổ ong, vàng mã trong nhân dân,… Số liệu quan trắc cũng cho thấy, lượng chất thải SO2 (chất gây ô nhiễm không khí có nồng độ thấp trong khí quyển) chiếm tỉ lệ 25 – 27% ô nhiễm, “đóng góp” khoảng 1.462 – 1.596 tấn/năm. Từ những vấn đề to đùng đến những việc tưởng như rất nhỏ hàng ngày đang biến Hà Nội, vào nhiều thời điểm, đứng đầu thế giới về ô nhiễm không khí.

Hay vì sự phủi tay, vô trách nhiệm của các cơ quan chức năng

Theo số liệu mới của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hơn 60.000 người tử vong năm 2016 do bệnh tim, đột quỵ, ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và viêm phổi ở Việt Nam đều có liên quan tới ô nhiễm không khí. Như vậy trung bình 164 người mỗi ngày tử vong chỉ vì hít thở không khí. WHO đã gọi nạn ô nhiễm không khí là “kẻ giết người thầm lặng”.

Cũng theo cơ sở dữ liệu về chất lượng không khí bên ngoài của WHO hiện bao gồm dữ liệu của hơn 4.300 thành phố trên 108 quốc gia, trong đó có Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, thì trong năm 2016, nồng độ trung bình PM10 là 102.3 μg/m3 và PM2.5 là 47.9 μg/m3 ở Hà Nội. Trong khi đó, ở thành phố Hồ Chí Minh, nồng độ trung bình PM10 là 89.8 μg/m3 và PM2.5 là 42 μg/m3. Đây là cơ sở dữ liệu toàn diện nhất thế giới về ô nhiễm không khí bên ngoài. Cơ sở dữ liệu này thu thập nồng độ trung bình hàng năm của các hạt bụi mịn (PM10 và PM2.5). PM2.5 bao gồm các chất gây ô nhiễm như sun-phát, ni-tơ-rát và bụi các-bon, gây ra nguy cơ lớn nhất cho sức khỏe con người. WHO khuyến cáo các quốc gia cắt giảm ô nhiễm không khí xuống tới mức trung bình hàng năm là 20 μg/m3 đối với PM10 và 10 μg/m3 đối với PM2.5.

Trang quan trắc môi trường Air Visual cho rằng, mức độ ô nhiễm ở Hà Nội có lúc trên 200 AQI, mức rất không lành mạnh theo tiêu chí của WHO.

Trong một nghiên cứu của Tiến sĩ Lê Việt Phú – nhà kinh tế học ở ĐH Fulbright Việt Nam, đến năm 2035 con số tử vong vì ô nhiễm môi trường có thể lên đến 100.000 người một năm, và sẽ tồi tệ hơn trong tương lai nếu không có biện pháp khắc phục.

Dẫn ra những con số trên để thấy rằng ô nhiễm không khí nguy hiểm thế nào. Ấy thế mà, một vị quan chức nào đó ở Chi cục Môi trường Hà Nội đã phủ nhận kết quả đo của nước ngoài, nói kết quả đo không chính xác, nói môi trường không khí ở Hà Nội vẫn ổn. Trong khí đó Chi cục Môi trường cũng không cung cấp được bộ chỉ số chứng minh đối chiếu. Vậy lấy cơ sở gì để tin mình không đang sống trong một thành phố ô nhiễm bậc nhất thế giới?

Điều dân chúng cần biết bây giờ không phải là nguyên nhân ô nhiễm, đốt rơm rạ, xây dựng, giao thông, nghịch nhiệt…những thứ mà ai cũng có thể mường tượng ra được. Mà cái cần nhất là trong bầu không khí mờ đục đáng sợ ấy chứa những gì, người dân phải làm sao để giảm thiểu thiệt hại sức khỏe? Ít ra trong trường hợp này họ nên có một biểu phân tích thực trạng không khí tại Hà Nội để trấn an người dân nếu như mức độ ô nhiễm không phương hại sức khỏe, hoặc khuyến cáo người dân nếu như không khí tồi tệ.

Dù cho con số không thể thuyết phục nhau, nhưng cuối cùng cần phải tìm ra trách nhiệm thuộc về ai đó – mới là cách ứng xử của một chính quyền văn minh. Đã đến lúc chúng ta cần quan tâm đến vấn đề này để hành động, đừng để môi trường của Thủ đô Hà Nội, “ung thư” giống Thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc, khi đó mọi biện pháp khắc phục đều rất tốn kém, đè nặng thêm lên vấn đề chi phí, ngân sách quốc gia, còn cuộc sống người dân cũng bị ảnh hưởng nặng nề.

Diệu Hương

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều