Ô nhiễm bất thường tại đập dâng ngàn tỷ: Do hàm lượng sắt cao?
Theo báo cáo của Tổ công tác liên ngành tại cuộc họp do UBND tỉnh Hà Tĩnh và Bộ NN&PTNT chủ trì vào chiều 8/8, nước ở đập dâng Vũ Quang (thuộc đại Dự án thủy lợi Ngàn Trươi – Cẩm Trang) chuyển màu, nguyên nhân có phần là do trong nước tồn tại hàm lượng sắt khá cao.
Nước màu nâu đục do tồn tại lượng sắt khá cao
Chiều ngày 8/8, UBND tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Bộ NN&PTNT tổ chức cuộc họp nghe báo cáo nguyên nhân gây ra hiện tượng chuyển màu nguồn nước tại hệ thống thủy lợi Ngàn Trươi – Cẩm Trang.
Theo báo cáo của Tổ công tác liên ngành về kết quả quan trắc, phân tích mẫu nước tại công trình thủy lợi Ngàn Trươi – Cẩm Trang từ năm 2016 đến quý II/2019, hàm lượng sắt trong nước cao, vượt giới hạn cho phép từ 1,26 – 2,2 lần.
Tuy nhiên, đến thời điểm tháng 7/2019, hàm lượng sắt cao hơn mức bình thường. Hàm lượng sắt cao nhất tại thời điểm này tập trung ở tầng đáy hồ Ngàn Trươi và lòng dẫn đập dâng Vũ Quang. Các chỉ tiêu khác cũng có nhiều biến động, nhưng cơ bản nằm trong giới hạn cho phép ở cột B1, QCVN 08-MT:2015/BTNMT.
Ông Hồ Huy Thành, Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường Hà Tĩnh, Tổ trưởng Tổ công tác liên ngành, cho biết, bước đầu nhận định nước ở đập dâng Vũ Quang chuyển màu, nguyên nhân có phần là do trong nước tồn tại hàm lượng sắt khá cao từ hồ Ngàn Trươi và khe Trươi chảy xuống, lắng đọng trước đập dâng Vũ Quang, khi xả nước hồ Ngàn Trươi về sẽ cuộn lên lớp lắng đọng gây màu.
Theo nhận định, đánh giá ban đầu của Tổ công tác liên ngành, về nguyên nhân hàm lượng sắt cao vượt giá trị giới hạn trong các đợt lấy mẫu, cho thấy, khu vực vùng lòng hồ Ngàn Trươi là vùng đất chứa nhiều quặng Pirit (FeS2), trong điều kiện yếm khí thì các vi sinh vật yếm khí sẽ chuyển hóa sắt tồn tại trong đất, xác thực vật thành dạng Fe (II) hòa tan trong nước.
Nước xả từ vùng đáy hồ Ngàn Trươi ra đập dâng chứa nhiều Fe dạng hòa tan khi vào đập dâng tiếp xúc nhiều với ô xi trong nước, trong không khí thì sẽ chuyển hóa thành Fe (III) bền, hydroxit và một số muối Fe (III) hầu hết không tan, một phần kết tủa bám lên 2 bờ của đập, kênh dẫn và lắng xuống lòng đập có màu cam, đỏ, nâu, xỉn, phần còn lại là các muối và phức tan trong nước.
Tại khu vực khe Trươi, do đặc điểm của rừng Vũ Quang có nhiều sắt, xung quanh công trình thủy lợi Ngàn Trươi có đến 6 mỏ quặng sắt, khi có mưa mang theo sắt chảy về Hói Trươi, chảy xuống đập dâng.
Giáo sư, Tiến sỹ Hà Văn Khối (Trường Đại học Thủy lợi) cho rằng, nguồn nước gây đổi màu là chủ yếu do Fe (III), và nguồn sắt thiên về xuất phát từ đống quặng sắt của Nhà máy quặng sắt Vũ Quang bên dòng Khe Trươi. Thời gian tới cần tập trung quan sát tại khu vực này.
Nhận định về nguyên nhân nước có màu, mùi hôi tanh, do khu vực lòng hồ Ngàn Trươi có nhiều xác thực vật đang bị phân hủy yếm khí nên nước ở tầng đáy có chứa nhiều hợp chất hữu cơ. Các hợp chất hữu cơ trong nước tầng đáy lòng hồ Ngàn Trươi chủ yếu là các hợp chất hữu cơ bền, khó phân hủy bằng sinh học và hóa học… đây cũng là 1 trong những nguyên nhân làm nước đập dâng có màu.
Về nguyên nhân nước gây mùi hôi tanh, theo GS.TS Hà Văn Khối, tất cả các hồ đập thủy lợi trong giai đoạn đầu tích nước đều có hiện tượng này, và sẽ giảm dần theo thời gian.
Theo đánh giá của các giáo sư, tiến sỹ và cán bộ chuyên môn, các thông số trong tất cả các mẫu nước quan trắc cho thấy, nguồn nước đổi màu, bốc mùi chỉ ảnh hưởng đến mặt cảm quan còn trên thực tế không ảnh hưởng đến tưới tiêu thủy lợi và cả nguồn nước đầu vào phục vụ sinh hoạt cho người dân.
Tiếp tục theo dõi làm rõ nguyên nhân
Sau khi nghe báo cáo của các ban ngành liên quan, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn khẳng định đây chỉ mới là những kết quả bước đầu, là sự cố gắng của Tổ công tác liên ngành, thể hiện trách nhiệm với tỉnh, với Bộ.
“Kết luận quan trọng bước đầu đã chỉ ra nguyên nhân chính là do Fe (III); và có sự liên quan của tác động biến đổi khí hậu. Chỉ số chất lơ lửng vượt ngưỡng qui định. Ngoài ra, các chỉ số khác cơ bản đang trong ngưỡng cho phép. Cây trồng và thủy sản sinh trưởng, phát triển bình thường” – Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn nhấn mạnh.
Ông Lê Đình Sơn yêu cầu Tổ công tác, về mặt phương pháp, cách làm cần thống nhất lại; tiếp tục quan trắc, lấy mẫu làm đảm bảo khách quan, khoa học, chính xác, kịp thời; mời tham vấn chuyên gia (thống nhất giữa Bộ NN&PTNT với tỉnh).
“Sắp tới chúng tôi sẽ kiện toàn lại Tổ công tác của tỉnh, mời một Cục trưởng phía Bộ TN-MT; tham vấn các chuyên gia do UBND tỉnh và Bộ NN-PTNT thống nhất quyết định. Tiếp tục lấy mẫu, đặc biệt ở khu vực Khe Trươi. Đồng thời, giao Trung tâm kiểm soát bệnh tật quan trắc mẫu nước 100% để đảm bảo nước sạch cho nhân dân sử dụng” – Bí thư tỉnh Hà Tĩnh nói.
Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh đề nghị Sở NN&PTNT cho mở nước tưới sản xuất bình thường, lấy mẫu lúa so sánh, đối chứng với các vùng tưới khác, tiếp tục kiểm tra sự ảnh hưởng đối với gia súc, gia cầm; Sở Y tế tiếp tục theo dõi, quan trắc chất lượng nước sinh hoạt. Khi có kết luận chính xác, sẽ đưa ra các giải pháp đồng bộ để xử lý hiệu quả.
(Theo Dân Trí)