Ở một nơi nào đó tự do đồng nghĩa với tự lo
Chuyện gì cũng có thể xảy ra đối với bạn, ngay cả ở xứ sở mà những người đấu tranh vì dân chủ ở nước ngoài vẫn thường ca tụng là mảnh đất của tự do, dân chủ – Mỹ.
Hãy tưởng tượng bạn đang ngủ say trong căn nhà nhỏ của bạn với người thân bỗng nhiên cảnh sát ập vào đánh đập, xả súng và bạn mất mạng, trong khi bạn vẫn chưa biết mình có làm sai gì không. (Breonna Taylor, một phụ nữ 26 tuổi người Mỹ gốc Phi, vào ngày 13/3/2020 đã bị các sĩ quan của Sở Cảnh sát Metro Louisville Jonathan Mattingly, Brett Hankison và Myles Cosgrove bắn chết).
Đang đi trên đường bạn thấy hơi mệt nên dừng tạm xe tại một bãi đỗ và đánh một giấc, trên đùi để sẵn phương tiện phòng thân, không may cho bạn cảnh sát đi ngang qua thấy hình ảnh đó. Dù họ biết bạn đang ngủ nhưng vẫn hào phóng tặng bạn 55 phát súng. Bạn chết ngay khi đang ngủ mà chẳng biết lý do tại sao. (Vào ngày 9 tháng 2 năm 2019, McCoy đã bị giết bởi sáu sĩ quan cảnh sát ở Vallejo, California).
Một câu chuyện khác về chiếc TV mới, bạn cùng mẹ của bạn đi sắm một chiếc TV mới ở cửa hàng, khi chọn xong mới nhận ra chiếc xe không đủ chỗ để mang về. Nên bạn và mẹ mình quay về nhà đổi chiếc xe khác cho phù hợp. Đến cửa hàng chưa hiểu lý do tại sao cảnh sát quy tội cho hai mẹ con tội ăn cắp TV. Bạn cho cảnh sát xem hóa đơn mua hàng, nhân viên bán hàng ra giải thích rằng bạn đã mua và thanh toán cho món hàng đó rồi. Cuối cùng cảnh sát trấn áp hai mẹ con bạn, đè bẹp xuống sàn và giải về đồn. Bạn chẳng làm gì sai cả. (Đó là câu chuyện của mẹ con Derek Gray & Marvia Gray vào 23/3/2020 tại Missouri)
Bạn có 1 cậu em trai 12 tuổi, nó sở hữu một chiếc súng đồ chơi, đó là món đồ chơi nó yêu quý nhất. Một ngày đẹp trời bạn dẫn em trai ra công viên chơi, ai đó nhìn thấy em trai bạn cầm khẩu súng đồ chơi và liền báo cảnh sát. Cảnh sát nhanh chóng có mặt khống chế em trai bạn, yêu cầu đưa tay lên đầu hàng, cậu bé đã làm theo và rồi bị bắn chết. Bạn đã mất em trai trong một ngày đẹp trời nhưng em bạn đâu có làm hại ai. (Tamir Rice, 12 tuổi bị bắn bởi viên cảnh sát 26 tuổi – Timothy Loehmann. Ngay sau khi đến hiện trường viên cảnh sát trẻ đã trấn áp và nổ súng)
Hàng xóm nhà bạn là một viên cảnh sát, một ngày chị ta đỗ xe nhầm tầng lên nhà mở cửa nhà bạn nhưng không mở được. Chị ta ngỡ nhà bạn là nhà của chị ta nên phá cửa để vào nhà. Bạn đang ngồi xem TV trong nhà bỗng có người xông vào, chưa hiểu chuyện gì xảy ra chị ta rút súng bắn. Bạn chết ngay tại chỗ nhưng không hiểu vì sao mình phải chết. (Nữ cảnh sát Amber Guyger bắn chết Botham Jean khi anh đang ngồi trong căn nhà của mình).
Và hãy tưởng tượng bạn là George Floyd đang mua sắm ở một cửa hàng, người ta nghi bạn dùng tiền giả và báo cảnh sát. Cảnh sát đến khống chế bạn, đè gối lên cổ bạn, bạn ra hiệu cấp cứu, xin tha vì không thở được, nhưng họ giữ nguyên tư thế ghì cổ bạn như vậy trong 8 phút. Bạn chết vì ngạt thở dù chưa biết bạn sai hay đúng, và bạn cũng không hề chống cự. Đó là câu chuyện gần nhất mới xảy ra tại Mỹ dấy lên nhiều cuộc biểu tình, bạo loạn trên khắp nước Mỹ đòi quyền được sống cho George Floyd nói riêng và người da màu nói chung. Cuộc biểu tình lan rộng sang cả những nước tư bản phương tây khác như: Anh, Pháp…
Tất cả các ví dụ trên, các trường hợp giả định bạn là họ đều xuất phát từ những trường hợp có thật ở Mỹ. Bạn sẽ cảm thấy như nào nếu một ngày không xa người tiếp theo là chính bạn chứ không phải tưởng tượng nữa. Nhưng người da màu bị đối xử bất công ngay cả khi họ chưa làm gì sai cả, họ bị bạo hành, đánh đập thậm chí là giết chóc một cách bất ngờ và tức tưởi. Chẳng có nhà dân chủ hay yêu chuộng đấu tranh vì quyền con người dám lên tiếng vỗ ngực tự hào về nước Mỹ vĩ đại mà họ vẫn hay ca tụng để so sánh với Việt Nam.
Đáng thương thay cho những nhà dân chủ tự phong đang sống và làm việc tại Mỹ. Chính họ cũng đang run sợ không biết khi nào đến lượt mình, trong khi bề ngoài vẫn liên tục ca tụng về xứ sở dân chủ, tự do, bác ái đó.
Nước Mỹ tưởng rằng là bình đẳng, dân chủ, tự do nhưng nạn phân biệt chủng tộc ở đó vẫn còn hằn sâu. Nó như một nét văn hóa truyền thống của người da trắng dành cho người da màu. Những cái chết thương tâm của người da màu đa số đến từ sự phân biệt đối xử của người da trắng. Chẳng cần biết họ phạm tội gì, đã chứng minh, điều tra, có chứng cứ kết tội chưa ngay lập tức những người da màu đó nhận án tử tại trận.
Chính quyền Mỹ ở đâu trong các trường hợp trên. Đúng vậy, họ sẽ ra mặt, họ sẽ họp báo để thông tin nhưng mục đích chủ yếu là tạm thời xoa dịu dư luận và cộng đồng. Bản chất chính quyền cũng chẳng mặn mà với vấn đề của người da màu trên đất Mỹ. Người Mỹ đang mải làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại, có lẽ vì thế mà mấy chuyện nhân quyền, bình đẳng, phân biệt chủng tộc họ tạm gác sang một bên.
Chỉ khi biểu tình, bạo loạn, đập phá cướp bóc tràn lan khắp đất nước Mỹ, chính quyền mới tá hỏa vào cuộc để dập tắt. Không may cho họ càng dập càng không ngăn được cơn tức giận của đám đông, nhất là người da màu. Các cuộc biểu tình, phản đối lan sang cả châu Âu.
Cái giá của tự do là tự lo, điều này đúng với hoàn cảnh bạn sống ở Mỹ. Người da trắng là thượng đẳng còn người da màu dù thế nào vẫn bị phân biệt đối xử, thậm chí là xử tử mà không cần lý do khi cảnh sát sẵn súng trong tay. Theo thống kê các vụ giết người liên quan đến cảnh sát từ năm 2013 đến 2019 đều không được xét xử thích đáng, đa số là cảnh sát bị đuổi việc là xong chuyện. Nếu bạn và gia đình mình sống ở xứ tự do đó nên tìm phương án tự lo cho bản thân.
Rất nhiều người cứ nghĩ Mỹ là tốt đẹp nhất là nơi quyền con người được bảo vệ nhiều nhất là nơi của sự bình đẳng bác ái. Có lẽ nó chỉ có trên các phương tiện truyền thông đại chúng và trong miệng những kẻ dân chủ “rởm” đang bám váy nước Mỹ để sống. Cái gì cũng có tính hai mặt của nó, tự do quá sẽ thành bạo loạn vô chính phủ, Mỹ cũng không ngoại lệ.
Quỳnh Quỳnh
(Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả)