Ở lại với Trà Leng
Cả nước bàng hoàng khi nghe tin một quả đồi ở Quảng Nam đã đổ ập xuống khiến 53 người mất tích. Mới đây nhất, lại đón nhận thông tin cả gia đình Chủ tịch xã Trà Leng – một trong 2 xã bị vùi lấp từ vụ sạt lở này cũng bị mất liên lạc. Xã miền núi Trà Leng cách huyện Nam Trà My 25 km, còn rất khó khăn, đa phần là người dân tộc thiểu số, có địa hình phức tạp, 50% địa bàn không có đường ô tô. Tuy nhiên, điều đó cũng không thể ngăn trở những con người quyết tâm gắn bó với mảnh đất này.
Với đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Trà Leng (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam), cô giáo Trần Thị Kim Thoa không chỉ là người bám bản gieo chữ cho con em đồng bào mà còn là ân nhân của họ.
Bốn năm ở lại với đồng bào, cô đã vận động các tổ chức từ thiện xây lên 4 ngôi trường khang trang thay thế những mái trường tranh tre nứa lá xập xệ; tổ chức bữa cơm có thịt và quyên góp quần áo ấm cho lũ trẻ nghèo ở miền núi heo hút này…
Những mái trường ấm tình người
Là địa bàn hiểm trở nhất của huyện Nam Trà My, Trà Leng nhận về mình những khó khăn, cách biệt. Ông Lê Hoàng Việt, Chủ tịch UBND xã Trà Leng nói: “Địa hình hiểm trở, đời sống của đa phần đồng bào Cơ Tu, M’Nông ở đây rất nghèo. Quanh năm sống nhờ vào một vụ lúa rẫy. Sự học của con em dù rất được các cấp chính quyền quan tâm vẫn còn chịu lắm thiệt thòi so với đồng bằng”. Toàn xã có khoảng 500 hộ dân với hơn 2.800 nhân khẩu, phân bố ở 11 bản làng cheo leo vách núi, bên bờ suối sâu. Giao thông đi lại khó khăn, địa hình hiểm trở, đời sống của bà con ở Trà Leng chủ yếu dựa vào cây lúa rẫy, săn bắt con thú trên rừng, con cá dưới suối. Suốt bao nhiêu năm, đời sống văn minh đã gõ cửa khắp nơi thì Trà Leng vẫn còn khó khăn trong cách tiếp cận. Sự quan tâm của Nhà nước, tấm lòng của những thầy cô giáo cắm bản đã mang ánh sáng con chữ đến với trẻ em ở các bản làng, nhưng điều kiện cơ sở vật chất vẫn còn thiếu thốn.
Già làng Đinh Nhày khua đôi tay gân guốc: “Mấy năm trước, trẻ mầm non, mẫu giáo phải học trong mái nhà tre nứa chật chội lắm”. Lời Đinh Nhày chùng xuống, gợi mở về những tháng năm nhọc nhằn, khát trường, đói chữ. Thời ấy chưa xa mà nghe vời vợi nỗi niềm. Rồi cô giáo trẻ Trần Thị Kim Thoa đến. Đó là năm 2012. “Quê em cũng là một vùng núi thuộc huyện Bắc Trà My. Em hiểu đời sống khó khăn của bà con cũng như thiệt thòi của con trẻ nên muốn góp chút sức mình giúp các em”, cô Thoa nói. Bốn năm về trước, những điểm trường ở Trà Leng vô cùng gian khổ: Rẽ rừng mà đi, lội suối mà đến. Gọi là trường nhưng thực ra rất tồi tàn, xập xệ, không điện đóm nên tối om, nhất là vào mùa mưa.
Thương lũ trẻ, cô Thoa lần tay bấm chiếc điện thoại theo vô thức rồi bật ra ý nghĩ, hay mình lên mạng xã hội kêu gọi giúp đỡ? Chưa kịp mừng vui, thực tế đập ngay vào mắt cô, không có sóng điện thoại! Hôm sau tranh thủ thời gian ngoài giờ dạy, cô cầm điện thoại đi khắp thôn, dò nơi nào sóng mạnh để đăng hình ảnh lớp học cùng lời tha thiết kêu gọi hỗ trợ. Những tổ chức, cá nhân có nhã ý tặng vật dụng cá nhân như chăn, áo ấm… Cô Thoa không ngần ngại tỏ mong muốn chuyển đổi thành từng khoản chi phí để xây trường. Đọc được tâm tư cô giáo trẻ, nhiều tổ chức, cá nhân đồng ý hỗ trợ. Lần lượt 4 điểm trường được xây lên trong khoảng thời gian chưa đầy 4 năm bám bản ở 4 thôn bản: Thôn 3 Đèn Pin, thôn 4 ông Dũng, thôn 2 Tak Lẻ, thôn 4 ông Lò. “Trà Leng đã có trường mới. Không phải một mà là tới 4 điểm trường mới. Các cháu không phải chịu cảnh học tối tăm, ẩm thấp trong căn phòng cũ kỹ nữa!”. Cụm từ trường mới nghe sướng cái bụng!, già Đinh Nhày phấn khởi nói.
Lối đi ở dưới chân mình
Đêm, cô Thoa mò mẫm cắt xếp các dụng cụ đồ chơi cho trẻ trong ánh đèn dầu lờ mờ, bóng cô hắt lên vách tường. Gió từ đỉnh núi đổ xuống lạnh buốt. Cô Thoa bộc bạch: “Dù cuộc sống nhiều khó khăn, thiếu thốn, em vẫn muốn bám trụ lại với học trò nơi đây. Cùng nắm tay các em đặt từng bước chân thật chậm nhưng thật chắc trên con đường khai sáng con chữ, gần hơn với đời sống của đồng bằng, thành phố”. “Nếu cứ nghĩ nơi nào thuận lợi mình tìm đến thì ai sẽ ở vùng khó khăn? Thương học trò, cũng thương đồng bào nên em chỉ muốn góp một chút sức mình được chừng nào hay chừng ấy”. Với suy nghĩ đó, bốn năm qua, những bước chân của cô giáo trẻ này đã in dấu trên khắp các con đường mòn lầy lội đến các thôn bản để vận động trẻ tới trường, làm nhịp cầu trao những tấm áo ấm, đôi dép đến cho con em đồng bào, giúp các em chống chọi với giá rét vùng cao của các mạnh thường quân.
Cô Thoa tự mình cầm cây rựa, phát quang lối đi để học trò tới lớp được an toàn. Mỗi lần về thị trấn, cô Thoa lại tranh thủ mua sắm lương thực cho mình ở lại vừa vận động khi bao muối, lúc chục cân gạo, dầu ăn… rồi mang lên tặng lại cho các hộ nghèo, hộ neo đơn. Cô Thoa phấn khởi nói: “Không chỉ xây được trường, các tổ chức từ thiện từ khắp miền Trung, miền Nam đều chung tay trao nhiều món quà giá trị cho trẻ như Hội Từ thiện Ong Vàng, CLB Tình nguyện ĐHĐN, Khoa Y dược (ĐHĐN) rồi các hội từ thiện ở TP.HCM… nhiều lắm. Mừng nhất là, Hội Từ thiện Ong Vàng tài trợ bữa cơm có thịt cho các cháu…
Những món quà do cô Thoa làm nhịp cầu mang lại thấm đượm ân tình. Hỏi cô Thoa có ý định về xuôi? Cô Thoa trầm giọng: “Trước giờ em chưa nghĩ đến!”. “Mới nghĩ đến đã thấy rưng rưng. Có lần em trượt ngã, bị thương ở chân không thể đi được. Bà con đưa võng ra cáng em đi. Qua chặng đường quá xa, em bảo bà con quay về nhưng các bác, các cô nhất định nhìn em lên xe về bệnh viện họ mới chịu quay về bản”, cô nói.
Đây là phóng sự về cô giáo Thoa từ năm 2015, với tấm lòng đầy nhiệt huyết của cô, mặc dù còn rất nhiều khó khăn nhưng con đường học của các em nơi đây không còn quá khó khăn như trước. Hiện tại đã 5 năm trôi, không biết rằng liệu cô giáo Thoa còn công tác ở Trà Leng và có năm trong danh sách những nạn nhân bị mất tích hay không?
Hiện nay, các cơ quan chức năng đang huy động toàn bộ lực lượng để tìm kiếm, ngay trong đêm bộ đội đã mở đường để tiến thẳng vào Trà Leng. Rất hy vọng sẽ có những phép màu xảy ra. Để nếu vẫn ở lại thì cô giáo Thoa vẫn có thể lên lớp, những đứa trẻ vẫn có thể đến trường dù biết sau đó còn nhiều, rất nhiều khó khăn chờ đón.
Hạ Băng